Tham vấn đánh giá thực hiện đổi mới chương trình SGK và chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục

16:36 - Thứ Hai, 17/01/2022 Lượt xem: 5938 In bài viết

ĐBP - Chiều ngày 17/1, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức Hội thảo trực tuyến tham vấn, đóng góp ý kiến đối với dự thảo Báo cáo “Đánh giá việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông theo Nghị quyết 88/2014/QH13, Nghị quyết số 57/2017/QH14 của Quốc hội và thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019 trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi”. Tại điểm cầu tỉnh Điện Biên, đồng chí Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội thảo.

Đồng chí Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham gia ý kiến tại Hội thảo.

Hội thảo nhằm đánh giá việc triển khai, thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 88/2014/QH13, ngày 28/11/2014 về đổi mới chương trình, SGK phổ thông trên địa bàn các tỉnh vùng đồng bào DTTS và miền núi; đánh giá việc triển khai thực hiện Luật Giáo dục năm 2019, cụ thể việc thể chế hóa các quy định của Luật liên quan đến các chính sách hỗ trợ học sinh DTTS, miền núi, học sinh vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; tác động của đại dịch Covid-19 đối với giáo dục vùng DTTS và miền núi.

Trong hệ thống giáo dục quốc dân, trẻ em người DTTS chiếm 18,5%. Báo cáo tại Hội thảo, về tổng thể giáo dục (giáo dục mầm non và phổ thông) ở vùng DTTS so với mặt bằng chung của cả nước vẫn còn nhiều vấn đề bất cập cả về quy mô, chất lượng giáo dục, các điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, tuy nhiên cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập của trẻ em và học sinh DTTS.

Tại Hội thảo, các điểm cầu tham gia nhiều ý kiến, đánh giá đại dịch Covid-19 tác động toàn diện, nghiêm trọng đối với giáo dục vùng DTTS và miền núi. Cụ thể: Nhiều cán bộ quản lý, giáo dục, học sinh bị nhiễm Covid-19; làm gián đoạn quá trình học tập và chuyển đổi hình thức học tập của trẻ em; tác động đến tâm lý trẻ em mầm non và học sinh phổ thông, tư tưởng cha mẹ học sinh và cộng đồng; tác động đến hoạt động giảng dạy của giáo viên...

Các đại biểu cũng quan tâm đánh giá thực trạng việc thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Sau 2 năm thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông đối với tiểu học và 1 năm đối với THCS, mặc dù còn có những khó khăn, lúng túng, thiếu thốn cơ sở vật chất, thiết bị dạy học... song việc đổi mới đã đem lại sự thay đổi tích cực về chất lượng giáo dục ở vùng DTTS và miền núi.

Tham gia nội dung này, Điện Biên đã quan tâm triển khai thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Tỉnh đã hoàn thiện việc biên soạn, thẩm định tài liệu giáo dục địa phương lớp 1, 2, 6; biên soạn xong tài liệu giáo dục địa phương lớp 7, 8, 9, 10 trong năm 2021 trình Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Năm 2022 tiếp tục biên soạn tài liệu giáo dục địa phương lớp 3, 4, 5, 11, 12. Bên cạnh những kết quả đạt được tỉnh vẫn còn những khó khăn, hạn chế về phòng học phục vụ chương trình giáo dục phổ thông; thừa thiếu cục bộ đội ngũ giáo viên; ngân sách Nhà nước chi cho sự nghiệp giáo dục đào tạo còn thấp; một số chính sách đối với cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo và học sinh chưa phù hợp với thực tế của tỉnh.

Để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông những năm tiếp theo, đồng chí Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, bộ ngành Trung ương: Tăng cường giám sát công tác phối hợp và triển khai thực hiện của các bộ, ngành trong thực hiện đổi mới chương trình, SGK đảm bảo chất lượng và lộ trình đề ra; bổ sung chính sách hỗ trợ SGK theo chương trình giáo dục phổ thông mới cho học sinh DTTS và vùng đặc biệt khó khăn; bổ sung chính sách hỗ trợ cho học sinh các bản không còn thuộc diện đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021 - 2025 có giao thông đi lại khó khăn, không thể đi về trong ngày tham gia ăn nghỉ tại trường; tiếp tục thực hiện đề án kiên cố hóa trường lớp học; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên về việc thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông năm 2018; giao bổ sung số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp, đặc biệt cấp học mầm non...

Tin, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top