Tiếp tục phát triển trường chuyên thực sự là hình mẫu của các trường THPT

11:00 - Thứ Sáu, 21/01/2022 Lượt xem: 8959 In bài viết

ĐBP - Đó là một trong những mục tiêu được đề ra tại Hội nghị Tổng kết Đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010 - 2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sáng nay (21/1), với hình thức trực tiếp và trực tuyến 63 điểm cầu. Ông Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu tỉnh Điện Biên, đồng chí Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.

Đồng chí Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Điện Biên.

Quyết định số 959/QĐ-TTg ngày 24/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020” (sau đây gọi là Đề án). Sau 10 năm thực hiện Đề án, hệ thống trường THPT chuyên (sau đây gọi là trường chuyên) đã có sự phát triển mạnh mẽ về quy mô, chất lượng giáo dục và đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Năm học 2009 - 2010, cả nước có 68 trường chuyên, 7 khối chuyên với 56.654 học sinh. Năm học 2019 - 2020, có 77 trường chuyên và 11 khối chuyên với 71.345 (chiếm khoảng 2,7% số học sinh THPT). Tỉ lệ học sinh giỏi của trường chuyên trong cả nước tăng dần qua các năm, từ 46,14% năm học 2010 - 2011, lên 76,39% năm học 2019 -2020.

6 mục tiêu của Đề án đều cơ bản hoản thành, bao gồm: Tập trung vào việc củng cố, xây dựng và phát triển các trường THPT chuyên hiện tại, đồng thời với tăng dần quy mô; tập trung đầu tư nâng cấp các trường THPT chuyên thành các trường đạt chuẩn quốc gia và có chất lượng giáo dục cao; phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý đảm bảo đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu và đạt mức cao của chuẩn nghề nghiệp; tạo chuyển biến cơ bản về chất lượng giáo dục trong các trường THPT chuyên theo hướng tiếp cận với trình độ tiên tiến của thế giới; tạo sự liên thông giữa việc phát hiện, bồi dưỡng học sinh năng khiếu ở trường THPT chuyên với việc đào tạo ở đại học; tăng cường khả năng hợp tác giữa các trường THPT chuyên với các cơ sở giáo dục có uy tín ở nước ngoài nhằm trao đổi kinh nghiệm về tuyển chọn, bồi dưỡng và phát triển năng khiếu học sinh.

Đối với tỉnh Điện Biên, có 1 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Đến năm học 2020-2021, trường có 26 lớp, 962 học sinh; 91 cán bộ quản lý, giáo viên; 28 phòng học và 9 phòng học bộ môn. Trong 10 năm thực hiện Đề án, chất lượng giáo dục của trường tăng lên đáng kể: Tỷ lệ học sinh xếp học lực loại khá, giỏi hàng năm ổn định và đạt trên 94%; tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT 100% và trúng tuyển vào các trường đại học hàng năm đạt trên 98%... Kết quả thi học sinh giỏi cấp quốc gia trung bình mỗi năm đạt từ 15 giải. Hàng năm, trường THPT chuyên đều có các dự án nghiên cứu khoa học kỹ thuật của học sinh dự thi cấp tỉnh và quốc gia.

Cùng với kết quả đạt được, các đại biểu tại các điểm cầu cũng chia sẻ những khó khăn, tồn tại, đề xuất, kiến nghị để tiếp tục phát triển hệ thống trường chuyên. Trên cơ sở đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra mục tiêu 2022 - 2032 tiếp tục phát huy những thành quả hiện có nhằm phát hiện và phát triển toàn diện những học sinh có tư chất thông minh để bồi dưỡng thành những người có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ... tạo nguồn đào tạo nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Đồng thời tiếp tục phát triển các trường THPT chuyên thực sự là hình mẫu của các trường THPT về cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo và tổ chức các hoạt động giáo dục. Từ đó đề ra nhiệm vụ và giải pháp: Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các trường THPT chuyên; phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý trong các trường THPT chuyên; phát triển chương trình trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông 2018; đổi mới mô hình trường chuyên; đẩy mạnh hội nhập quốc tế.

Tin, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top