Lựa chọn phương thức xét tuyển phù hợp nhất để tăng cơ hội trúng tuyển đại học

14:49 - Thứ Tư, 08/05/2024 Lượt xem: 3342 In bài viết

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố danh mục các phương thức xét tuyển đại học năm 2024. Với 20 phương thức xét tuyển khác nhau, thí sinh có rất nhiều cơ hội để trúng tuyển vào những ngành học, trường học mà mình mong muốn.

Tuy vậy, Bộ GD&ĐT cũng lưu ý thí sinh cần tìm hiểu kỹ thông tin về ngành học mà mình quan tâm trong đề án tuyển sinh của cơ sở giáo dục đại học để lựa chọn phương thức xét tuyển phù hợp nhất; tuyệt đối không đăng ký nguyện vọng vào những ngành, chương trình đào tạo không đủ điều kiện.

Xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp và học bạ THPT vẫn chiếm tỷ lệ áp đảo

Các phương thức xét tuyển đại học năm 2024 vừa được Bộ GD&ĐT công bố gồm: Xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét kết quả học tập cấp THPT hay còn gọi là học bạ, xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT, xét tuyển kết hợp giữa tuyển thẳng theo đề án tuyển sinh của trường và các phương thức khác, xét tuyển theo đề án của cơ sở đào tạo, thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do cơ sở đào tạo tổ chức để xét tuyển, sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực, thi đánh giá tư duy của đơn vị khác tổ chức để xét tuyển, thi văn hóa do cơ sở đào tạo tổ chức để xét tuyển, kết hợp giữa điểm thi tốt nghiệp THPT với điểm thi năng khiếu để xét tuyển, kết hợp giữa kết quả học tập THPT với điểm thi năng khiếu để xét tuyển, kết hợp giữa kết quả học tập với điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển, kết hợp giữa điểm thi tốt nghiệp THPT với chứng chỉ quốc tế để xét tuyển, chỉ cần sử dụng chứng chỉ quốc tế để xét tuyển, xét tuyển qua phỏng vấn…

Mặc dù về mặt lý thuyết, có tới 20 phương thức xét tuyển đại học được Bộ GD&ĐT cho phép các trường sử dụng để xét tuyển. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tuyển sinh, thực chất chỉ có 6 phương thức gốc là tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD&ĐT, sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy; chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, học bạ THPT, kết quả thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển kết hợp. Các phương thức gốc trên kết hợp với nhau tạo nên nhiều nhánh nhỏ nhằm đa dạng phương thức tuyển sinh và tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh. Học sinh chỉ cần quan tâm và chuẩn bị đáp ứng tốt nhất có thể với các phương thức gốc trên, trong đó, phương án nào thể hiện được sở trường của bản thân thì đầu tư nhiều hơn để ưu tiên đăng ký nguyện vọng xét tuyển nhằm tránh tình trạng quá ôm đồm dẫn đến bị phân tán, hiệu quả thấp. 

Thực tế cho thấy, kết quả xét tuyển đại học trong những năm gần đây tỷ lệ học sinh trúng tuyển đại học chủ yếu tập trung vào một số phương thức xét tuyển cơ bản như điểm thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển học bạ, thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy và các phương thức xét tuyển kết hợp khác... Theo báo cáo kết quả tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng ngành Giáo dục mầm non của Vụ Giáo dục Đại học, GD&ĐT, trong năm 2023, số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT là hơn 1 triệu; tổng chỉ tiêu đại học, cao đẳng ngành Giáo dục mầm non là 663.063; số thí sinh trúng tuyển đã nhập học là 546.686. Trong đó, xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT chiếm tỷ lệ cao nhất là 49,45%; tiếp theo là phương thức xét kết quả học tập bậc THPT với tỷ lệ 30,24%. Thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy chiếm tỷ lệ 2,57% và các phương thức khác (bao gồm 12 phương thức) cũng chỉ chiếm tỷ lệ 14,10%.

Thí sinh không nên ôm đồm quá nhiều phương thức xét tuyển đại học. (Ảnh minh họa).

Không đăng ký xét tuyển vào những ngành, chương trình không đủ điều kiện

Để tránh nhầm lẫn, sai sót trong đăng ký xét tuyển đại học năm 2024, Bộ GD&ĐT lưu ý thí sinh cần tìm hiểu thông tin về mã trường, mã xét tuyển được cơ sở đào tạo công khai trong đề án tuyển sinh trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo để nhập liệu cho chính xác. Ngoài việc thực hiện đăng ký xét tuyển theo quy định của trường (về tiêu chí, điều kiện, hồ sơ, quy trình, thời gian dự tuyển) tại cổng thông tin tuyển sinh của trường thì tất cả nguyện vọng của thí sinh bắt buộc phải đăng ký xét tuyển trên cổng thông tin tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT hoặc tại Cổng dịch vụ công quốc gia.

Thí sinh đặc biệt lưu ý không đăng ký nguyện vọng vào những ngành, chương trình đào tạo không đủ điều kiện để xét tuyển; cần khai báo, cung cấp đầy đủ, chính xác tất cả thông tin đăng ký dự tuyển vào các trường; khai báo chính xác, trung thực và chịu trách nhiệm thông tin để hưởng khu vực ưu tiên, đối tượng ưu tiên (nếu có) tại thời điểm đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Thông tin nơi thường trú ở các giai đoạn do thí sinh khai báo sẽ được các cơ quan chức năng kiểm tra và xác thực trên cơ sở dữ liệu về dân cư.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, năm 2024, toàn bộ quy trình xét tuyển đại học, từ đăng ký xét tuyển, đăng ký nguyện vọng, thay đổi nguyện vọng, nộp lệ phí tuyển sinh và xác nhận nhập học đều tiến hành trực tuyến. Đây là điểm đầu tiên mà các thí sinh cần lưu ý. Bên cạnh đó, tất cả nguyện vọng của các em dù trúng tuyển sớm hay sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT đều phải đăng ký trên hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT. Theo bà Thủy, điều này vô cùng quan trọng bởi nếu không nhập các nguyện vọng của mình lên hệ thống, các em sẽ không được ghi nhận, không thể chính thức trúng tuyển và nhập học, dù đã trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm ở vài trường đi chăng nữa.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cũng lưu ý, quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT cho phép thí sinh được đăng ký không giới hạn số nguyện vọng. Tuy nhiên, trong quá trình đăng ký xét tuyển, các em cần sắp xếp các nguyện vọng mà bản thân thấy yêu thích nhất, có năng lực, sở trường và đam mê lên hàng đầu. Điều này nhằm đảm bảo quyền lợi của thí sinh, giúp các em có cơ hội trúng tuyển vào nguyện vọng ưu tiên cao nhất, tốt nhất có thể trong tất cả nguyện vọng mà các em đủ điều kiện trúng tuyển.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top