Đột phá ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp

08:15 - Thứ Năm, 30/06/2022 Lượt xem: 4656 In bài viết

ĐBP - Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp tạo ra những sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao được coi là xu hướng tất yếu giúp sản xuất nông nghiệp phát triển vượt bậc, qua đó từng bước làm thay đổi bức tranh nông nghiệp tỉnh nhà.

Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật toàn bộ khâu chăm sóc nên vườn hoa hồng của anh Nguyễn Tiến Nghĩa, bản Phiêng Vai, xã Nậm Kè (huyện Mường Nhé) luôn ra hoa đều, đẹp, cho thu nhập ổn định.

Vốn có thế mạnh về kinh doanh thiết bị dân dụng, anh Trần Quốc Cường, phường Nam Thanh, TP. Điện Biên Phủ mạnh dạn “lấn sân” sang sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Chia sẻ về cơ duyên này, anh Cường cho biết: Thực hiện chủ trương của tỉnh về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp có đầu tư, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, tôi mạnh dạn đầu tư, đồng thời thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp công nghệ cao Phú Mỹ Xanh tại đội 17, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên để thực hiện mô hình trồng bí xanh chất lượng cao. Để đảm bảo chất lượng về cây giống, HTX nhập giống từ Công ty Giống nông nghiệp Nô Va tại Hà Nội và liên kết chuỗi sản phẩm với Công ty Giống nông nghiệp tỉnh Sơn La. Với diện tích trên 3ha, HTX Phú Mỹ Xanh đầu tư hệ thống cột bê tông và làm giàn đảm bảo tính lâu dài, khoa học; đầu tư hệ thống tưới tự động nhỏ giọt và phun sương theo tiêu chuẩn công nghệ Israel, áp dụng khoa học kỹ thuật toàn bộ khâu chăm sóc. Ngoài các công nhân lao động phổ thông, anh còn thuê một đội ngũ kỹ sư nông nghiệp làm việc, hàng ngày kiểm tra vườn bí để có hướng bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật đúng thời điểm, tránh sâu hại, ghi chép rất tỷ mỷ các loại sâu, bệnh trên vườn bí để có cách phòng trừ thích hợp; một vụ bí xanh kéo dài từ 90 - 100 ngày, sau khi xuống giống đến lúc thu hoạch lứa đầu chỉ mất 55 - 60 ngày. Với 1ha đất, nếu chăm sóc tốt, sẽ cho sản lượng từ 60 - 80 tấn/vụ. Giá bán trung bình cả vụ khoảng 5 nghìn đồng/kg, 1ha bí cho thu nhập khoảng 600 triệu đồng, cao hơn nhiều so với trồng lúa. Các sản phẩm nông nghiệp của HTX không bán tại thị trường Điện Biên, mà chủ yếu bán tại một số chợ đầu mối khu vực Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương. “Hiện nay chúng tôi tiếp tục liên kết với các tổ sản xuất tại xã Búng Lao (huyện Mường Ảng), thị trấn Mường Chà, TX. Mường Lay để mở rộng quy mô sản xuất; HTX cung cấp giống, phân bón, các vật tư đầu vào và chuyển giao kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm, giá cả theo thị trường, trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi” - anh Trần Quốc Cường cho biết thêm.

Tại huyện Mường Nhé, anh Nguyễn Tiến Nghĩa, bản Phiêng Vai, xã Nậm Kè là người mạnh dạn đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Năm 2019 anh chuyển đổi trên 3ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hoa hồng Pháp. Được chăm sóc bằng các biện pháp sinh học hữu cơ, với hệ thống tưới khoa học nên hoa phát triển tốt, bông to, cánh dày và thơm. Sản phẩm hoa hồng chủ yếu cung cấp cho các đại lý hoa tươi tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Mô hình đã giải quyết việc làm cho trên 10 lao động tại chỗ. Trừ chi phí thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

Cũng trên địa bàn huyện Mường Nhé, sản phẩm tinh dầu sả Java do HTX Nông nghiệp hữu cơ Suối Voi, bản Suối Voi, xã Leng Su Sìn được sản xuất theo công nghệ cao được nhiều người lựa chọn. Đây là sản phẩm thuộc đề tài: “Nghiên cứu phát triển giống sả Java Mường Nhé, Điện Biên phục vụ chiết xuất tinh dầu và phát triển thương mại nâng cao thu nhập cho người dân địa phương” của các nhà khoa học Trung tâm Tài nguyên thực vật, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam. Sản phẩm được chiết xuất 100% từ cây sả bằng phương tháp chưng cất điện inox, đảm bảo được các tiêu chuẩn đối với tinh dầu sả Java theo TCVN 11426:2016 của Bộ Khoa học và Công nghệ. Ngoài ra, có thể kể đến các mô hình hiệu quả như: Mô hình ứng dụng công nghệ nhân giống bằng nuôi cấy mô tế bào trong quá trình nuôi cấy nấm và sản xuất các giống nấm ăn, nấm dược liệu của Công ty Cổ phần Giống nông nghiệp Điện Biên đã cung ứng ra thị trường số lượng sản phẩm lớn; sản xuất rau ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao với diện tích 600m2 của Công ty TNHH Giáo dục và Thương mại dịch vụ Hoa Ba; sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP của Công ty Cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Điện Biên…

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Minh Hải chia sẻ, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp là hướng đi nhằm tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chất lượng, tác động tích cực đến việc thu hút, hình thành liên kết sản xuất theo chuỗi giữa doanh nghiệp và người dân, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế tạo giá trị hàng hóa. Để nâng cao thu nhập trên từng đơn vị đất sản xuất nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang rà soát, bổ sung quy hoạch chuyển đổi các diện tích đất trồng lúa hiệu quả thấp sang cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao, chú trọng xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp đạt tiêu chuẩn VietGAP; liên kết, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, truy xuất nguồn gốc; tập trung phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với bảo đảm an toàn thực phẩm để nâng cao giá trị gia tăng. Ngành Nông nghiệp đang tập trung triển khai chuyển đổi số như: Ứng dụng phần mềm trong truy xuất nguồn gốc thực phẩm an toàn; quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói; quản lý các chỉ dẫn địa lý; ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông tin để tự động hóa một số khâu trong quy trình sản xuất chăn nuôi. Để nâng cao giá trị gia tăng cho hàng nông sản, các bên liên quan, đặc biệt là doanh nghiệp và người dân phải nhìn về một hướng, cùng một mục tiêu, đồng hành chia sẻ lợi ích và khó khăn; cùng xây dựng vùng nguyên liệu để đạt chuẩn xuất khẩu, đẩy mạnh liên kết và đặt chữ tín lên hàng đầu; cơ chế, chính sách hỗ trợ trọng tâm, trọng điểm tạo động lực thúc đẩy liên kết doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân. Đồng thời tập hợp các nhà vựa, nhà sản xuất, doanh nghiệp vào câu lạc bộ hay hiệp hội và tổ chức hệ thống khuyến nông cộng đồng. Có như thế tình hình tiêu thụ nông sản trong thời gian tới mới phát triển ổn định và bền vững.

Tú Trinh
Bình luận

Tin khác

Back To Top