Chính trịKỷ niệm 70 năm Chiến thắng ĐBP

Điện Biên Phủ - ngày trở về

15:48 - Thứ Sáu, 03/05/2024 Lượt xem: 1537 In bài viết

ĐBP - 70 năm sau ngày Giải phóng, những người chiến sĩ Điện Biên trở về thăm lại chiến trường xưa. Vô vàn cảm xúc khi gặp lại đồng chí, đồng đội; được cùng nhau ôn lại những ký ức của một thời hoa lửa; tưởng nhớ những đồng đội đã hy sinh vì Tổ quốc và chứng kiến những đổi thay của mảnh đất từng bị bom đạn cày nát…

Niềm vui của chiến sĩ Điện Biên Trương Sỹ Trì (ngoài cùng bên trái) khi được gặp đồng đội tại mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng.

Vượt hơn 1.800km từ Thành phố Hồ Chí Minh, 4 chiến sĩ Điện Biên gồm các ông Trịnh Hữu Cán (92 tuổi), Trần Quang Triệu (89 tuổi), Dương Chí Kỳ (89 tuổi), Trương Sỹ Trì (87 tuổi) đã cùng nhau trở lại vùng đất lửa Điện Biên. Đặt chân lên mảnh đất hội tụ của tinh thần tự hào dân tộc, những cụ ông đã trên dưới 90 tuổi, tóc đã bạc, sức đã yếu như được sống lại trong những ngày tháng hào hùng của lịch sử cách đây vừa tròn 7 thập kỷ. Họ đều có chung tâm trạng bồi hồi, bâng khuâng nhớ chiến trường xưa, nhớ những đồng đội đã gắn bó với mình một thời “khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn”.

Chiến sĩ Điện Biên Trương Sỹ Trì không thể nào quên được những ngày tháng cùng đồng đội của mình anh dũng chiến đấu nơi chiến trường ác liệt. Ông Trì thuộc Trung đoàn 174, Đại đoàn 316, đã cùng các đồng đội chiến đấu, tấn công cứ điểm A1.

Những cái ôm siết chặt của những đồng chí, đồng đội sau bao năm xa cách.

Ông Trì cho biết: Trận đánh đồi A1, quân ta tấn công 3 đợt, chiến sự ác liệt ngay từ những ngày đầu. Một mặt ta tiếp tục giữ trận địa, mặt khác lực lượng công binh đào đường hầm thọc sâu vào lòng địch. Vượt qua mọi hi sinh, gian khổ, khắc phục khó khăn về thời tiết, cuối cùng quân ta cũng hoàn thành nhiệm vụ đào đường hào đặt khối bộc phá 960kg trong lòng đồi A1 - mở ra thắng lợi cho toàn chiến dịch. Trận đánh đồi A1 trở thành nơi in đậm trong trí nhớ và trái tim ông Trì, bởi ở đó biết bao đồng đội mà ông biết mặt biết tên mãi mãi ra đi, nơi mỗi ngày có hàng trăm chiến sĩ hi sinh dưới họng súng của quân thù. Trở lại chiến trường xưa, ông chỉ biết lặng nhìn những đổi thay của mảnh đất Điện Biên, của khu di tích đồi A1, thương nhớ những người đồng chí, đồng đội của mình đã ngã xuống để có chiến thắng vang dội ngày đó.

70 năm đã trôi qua, những chiến sĩ Điện Biên trai trẻ năm xưa đều đã vào cái tuổi xưa nay hiếm. Trở lại nơi khắc sâu những ký ức một thời hoa lửa, họ tự hào về một thời tuổi trẻ đã hiến dâng cho đất nước, góp phần vào chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Cùng với đó là sự xúc động, bùi ngùi nhớ thương đồng đội cũ, những đồng đội đã hi sinh xương máu, mãi mãi nằm lại ở mảnh đất này, góp công sức để lập nên chiến công vẻ vang.

Chiến sĩ Điện Biên thăm Nghĩa trang Liệt sĩ A1, nơi yên nghỉ của những cán bộ, chiến sĩ hy sinh anh dũng trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tại Nghĩa trang Liệt sĩ A1, nơi an nghỉ của 644 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh anh dũng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, trong đó hầu hết là các ngôi mộ liệt sĩ chưa biết tên. Nhớ về những người đồng chí, đồng đội đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường, những chiến sĩ Điện Biên tự tay thắp nén nhang thơm cho đồng đội; đứng lặng trước những hàng bia mộ không giấu được sự xúc động, nghẹn ngào.

Cách đó không xa, chiến sĩ Điện Biên Trương Sỹ Trì bồi hồi tìm tên của đồng đội năm xưa trên Bảng vàng liệt sĩ. Đôi tay nhăn nheo chỉ vào từng cái tên được khắc rõ nét, chợt mắt ông sáng lên, tay run run dừng lại khi nhìn thấy những cái tên thân thuộc. “Tại đây, hai người em là con chú của tôi đã nằm xuống, họ hi sinh khi đào hào ngày 17/4/1954” - ông Trì nghẹn ngào nói, những giọt nước mắt khẽ rơi trên khuôn mặt nhiều nếp nhăn của người lính đã gần 90 tuổi.

Chiến sĩ Điện Biên Trương Sỹ Trì bồi hồi tìm tên của đồng đội năm xưa trên Bảng vàng liệt sĩ.

Nơi chiến trường hoang tàn, đổ nát chìm trong khói bom và những đau thương mất mát của cuộc chiến trường kỳ với thực dân Pháp xâm lược của 70 năm trước, nay đã thay da đổi thịt, trở thành thành phố trẻ vươn mình hội nhập, đổi mới và phát triển. Đó không chỉ là niềm vui của người dân nơi đây mà còn là niềm vui mừng, phấn khởi của những chiến sĩ Điện Biên từ khắp mọi miền Tổ quốc.

Chiến sĩ Điện Biên Trương Sỹ Trì lưu lại những hình ảnh đẹp của bức tranh panorama tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Thường xuyên theo dõi thông tin, hình ảnh Điện Biên trên truyền hình, báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng, song lần trở về Điện Biên này đã khiến chiến sĩ Điện Biên Vũ Văn Tri, tỉnh Lai Châu thật sự ngỡ ngàng khi tận mắt chứng kiến những đổi thay.

Những chiến sĩ Điện Biên đến từ thành phố Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Ông Tri cho biết: Sau Chiến dịch Điện Biên Phủ nơi này hoang tàn, xơ xác, chúng tôi đi từ đầu bên này sang đến đầu bên kia chỉ cách có vài ki lô mét, nhưng mất mấy ngày vì phải vòng lên núi. Không ai dám đặt chân xuống “lòng chảo” do sợ đạn pháo, bom mìn còn sót lại. Nhưng bây giờ thì không còn nhận ra đây là chiến trường năm xưa nữa. Điện Biên hôm nay có thêm nhiều tuyến giao thông hiện đại, đô thị khang trang, sạch đẹp, nhiều công trình xây dựng mới. Với chiến sĩ Điện Biên chúng tôi, trở lại Điện Biên không chỉ là hành trình về thăm lại chiến trường xưa, là cơ hội để cùng ôn lại ký ức với những con người kiên cường, bất khuất, từng làm nên chiến thắng lịch sử ngày trước. Đây còn là chuyến đi nối dài, trải rộng ký ức đẹp đẽ về tình đồng chí, đồng đội và tình yêu quê hương Tổ quốc.

Bài, ảnh: Minh Thảo
Bình luận

Tin khác

Back To Top