Chính trịKỷ niệm 70 năm Chiến thắng ĐBP

Lính Điện Biên kể chuyện pháo cao xạ

14:33 - Thứ Tư, 13/03/2024 Lượt xem: 3318 In bài viết

ĐBP - Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ngoài 9 trung đoàn bộ binh, 1 trung đoàn sơn pháo 75mm, 2 tiểu đoàn lựu pháo 105mm và 4 đại đội súng cối 120mm, quân ta còn được trang bị 1 trung đoàn pháo cao xạ 37mm với 24 khẩu pháo thuộc Trung đoàn pháo cao xạ 367 - đơn vị tiền thân của Binh chủng Phòng không không quân ngày nay.

Theo các tài liệu lịch sử, ngày 14/3/1954, khi sương mù tan gần hết, một chiếc máy bay trinh sát bay vào gần trận địa của Đại đội cao xạ 815. Khoảng 8 giờ 30 phút, một loạt điểm xạ đã bắn trúng mục tiêu trên không, máy bay địch bốc cháy, rơi xuống cách trận địa 500m, bộ đội ta tận mắt nhìn thấy. Khắp khu rừng vang dậy tiếng hoan hô. Bộ chỉ huy mặt trận điện khen và tặng cờ cho đơn vị pháo phòng không lập chiến công đầu.

Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Phòng không 383 (Trung đoàn 367) bắt bám mục tiêu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Nhớ lại thời điểm đưa pháo vào trận địa, Chiến sĩ Điện Biên Phạm Đức Cư, Tiểu đoàn 394, Trung đoàn pháo cao xạ 367 cho biết: Ngày 14/3/1954, tiểu đoàn 394 bắt đầu kéo pháo từ Nà Nhạn qua dãy núi Tha Phu Sông (cao 1.150m so với mực nước biển), trên tuyến đường khoảng 12km dốc cao lên xuống liên tục.

Nhiệm vụ của tiểu đoàn 394 khi đó là khống chế vùng trời phía Tây, kéo dài hơn 5km từ Độc Lập xuống tận khu vực sân bay Hồng Cúm; tiêu diệt, không cho máy bay oanh tạc và thả dù tiếp tế cho quân lính của Pháp tại chiến trường Điện Biên Phủ. Cùng với Tiểu đoàn 383, Trung đoàn pháo cao xạ 367 trấn giữ ở vùng trời phía Đông, Tiểu đoàn 394 đã tạo thành thế gọng kìm ôm lấy lòng chảo, khống chế toàn bộ vùng trời, bảo vệ cho bộ binh dưới mặt đất chiến đấu.

Chiến sĩ Điện Biên Phạm Đức Cư kể chuyện pháo cao xạ cho thế hệ trẻ.

“Máy bay địch khi bay trên độ cao hơn 2.000m, không đủ tầm thì chúng tôi không bắn. Nếu xuống thấp vào tầm khoảng 2.000m, hay 1.500m đúng tầm bắn thì chúng tôi tập trung tiêu diệt!” - ông Phạm Đức Cư kể lại.

Theo phương châm “đánh chắc, tiến chắc” mà Bộ chỉ huy chiến dịch đề ra, bộ đội ta được lệnh kéo pháo về vị trí tập kết ban đầu 2 lần với muôn vàn khó khăn về giao thông, chưa kể việc hỏa lực của địch luôn tìm cách đánh phá.

Trong đêm 25/1/1954, trọng pháo của ta đã được đưa vào vị trí chiến đấu ở các trận địa sát các cứ điểm của địch và sẵn sàng nổ súng tấn công. Tuy nhiên, giữa lúc này, ta phát hiện quân Pháp cũng đã hoàn thành việc tăng cường ồ ạt quân số và vũ khí cho Điện Biên Phủ, nên phải thay đổi phương châm từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Chính trong lần kéo pháo ra này, chiến sĩ pháo binh Tô Vĩnh Diện đã dũng cảm lấy thân mình chèn pháo, không để pháo bị rơi xuống vực tại dốc Chuối.

Chiến sĩ Điện Biên Nguyễn Hữu Chấp kể chuyện lịch sử.

Trong khi công binh, bộ binh mở đường thì bộ đội pháo binh bắt tay xây dựng trận địa. Trung đoàn 367 đã chọn điểm cao 630 làm địa điểm đặt sở chỉ huy. Đây là quả đồi gần Tiểu đoàn 383, cách cụm cứ điểm Him Lam khoảng 3km. Đứng trên đồi này có thể nhìn bao quát lòng chảo Điện Biên và quan sát trận địa địch rất rõ.

Nhờ phối hợp chặt chẽ với các binh chủng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, pháo cao xạ của ta đã anh dũng chiến đấu và lập công xuất sắc. Sáng ngày 14/3/1954, đại đội 815 đã bắn rơi chiếc máy bay đầu tiên của Pháp. 5 ngày tiếp theo, Trung đoàn 367 tiếp tục bắn rơi 14 máy bay địch, bắn bị thương 25 chiếc khác.

Chiến sĩ Điện Biên Phủ Nguyễn Hữu Chấp, đội trưởng cối 82 ly, đại đội 290, tiểu đoàn 166, Trung đoàn 209, Sư đoàn 312 cho biết thêm: “Lúc đầu quân Pháp chưa biết quân đội ta có pháo cao xạ, nên mới vào trận rất hung hăng. Máy bay đi thành từng tốp, mỗi tốp 3 chiếc, 3 tốp là 9 chiếc, cứ tốp này bắn phá xong tốp kia lại đến. Nhưng sau khi pháo cao xạ của ta bắn lên, lúc ấy địch mới phát hiện, không dám hung hăng như trước nữa. Thời điểm đó, pháo cao xạ đã hỗ trợ cho bộ binh rất lớn, nếu không sẽ rất khó khăn!”

Di tích đường kéo pháo bằng tay tại xã Nà Nhạn, TP. Điện Biên Phủ trong mùa hoa Ban tháng 3.

Chiến tranh đã lùi xa 70 năm, song huyền thoại về pháo cao xạ - nỗi khiếp đảm của quân Pháp tại Điện Biên Phủ còn mãi lưu truyền trong sử sách và những câu chuyện chiến sĩ Điện Biên kể lại cho thế hệ trẻ hôm nay.

Ngày nay, Tượng đài kéo pháo bằng tay tại Di tích đường kéo pháo bằng tay, bên quốc lộ 279 (thuộc địa phận xã Nà Nhạn, TP. Điện Biên Phủ) như một biểu tượng của chiến thắng, của lòng yêu nước, ý chí quyết tâm của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng, Bác Hồ trong công cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược, giành độc lập tự do cho Tổ quốc.

Bài, ảnh: Hà Linh
Bình luận
Back To Top