Kinh tếNông thôn mới

Bài dự thi Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng

Nông thôn mới… đã mới? (bài 3)

09:48 - Thứ Bảy, 01/10/2022 Lượt xem: 6026 In bài viết

Bài 3: Nông thôn mới không phải của cán bộ

ĐBP - Người dân là chủ thể chính trong chương trình xây dựng NTM, vì vậy tất cả các mục tiêu đều phải hướng đến và phục vụ người dân. Trong buổi làm việc với Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương diễn ra cuối tháng 8 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cũng đã từng nói: “NTM là của người dân chứ không phải của cán bộ quản lý, lãnh đạo. Chỉ khi nào chúng ta đánh giá một xã, huyện NTM bằng cảm xúc đón nhận của người dân, cuộc sống an vui, hạnh phúc của người dân thì khi ấy kết quả xây dựng NTM mới thực sự ý nghĩa”. Tại xã Sín Thầu, quá trình xây dựng NTM dù đã được “lòng” dân, thế nhưng vì nhiều lý do nên kết quả đạt được chưa cao, nhất là việc nâng cao đời sống người dân, xóa đói giảm nghèo. Vì vậy, với họ danh hiệu NTM đạt được chỉ tồm tại trên lý thuyết và của xã, chứ chưa thực sự chuyển hóa những cốt lõi đến được với người dân.

Bài 1: Đặt niềm tin vào nông thôn mới

Bài 2: Xứng danh hiệu “nông thôn mới”?

Anh Lỳ Lỳ Sinh, Trưởng bản A Pa Chải, xã Sín Thầu trao đổi với phóng viên.

Sau gần 2 năm được công nhận xã đạt chuẩn NTM, chúng tôi trở lại Sín Thầu. Phải thừa nhận rằng, cơ sở hạ tầng, đường làng, ngõ xóm cơ bản được đầu tư khang trang, bộ mặt nông thôn thay đổi tích cực. Tuy nhiên, trong quá trình tìm hiểu thực tế từ người dân, thậm chí cán bộ bản, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc đạt chuẩn NTM, nhất là liên quan đến chế độ, quyền lợi của người dân, học sinh khi xã được công nhận đạt chuẩn NTM.

Bản A Pa Chải, xã Sín Thầu hiện có 44 hộ dân với 222 nhân khẩu. Trước đây khi xã chưa được công nhận đạt chuẩn NTM, đời sống người dân không có gì xáo trộn, nhưng từ khi xã đạt chuẩn NTM, người dân mất nhiều quyền lợi, vay vốn ngân hàng, chế độ học sinh, sinh viên bị cắt. Vì vậy, đã ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Anh Lỳ Lỳ Sinh, Trưởng bản A Pa Chải chia sẻ: Gia đình anh có 3 người con đang học tại trung tâm xã Sín Thầu và điểm bản. Trước đây, ngoài được hưởng hỗ trợ chi phí học tập, miễn giảm học phí theo quy định thì học sinh còn được hưởng chế độ học sinh bán trú theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP với định mức 596 nghìn đồng và 15kg gạo/tháng. Hiện nay, sau khi xã đạt chuẩn NTM, để cho con đi học gia đình anh phải nộp 10kg gạo, 30 nghìn đồng tiền củi, tiền mua sách giáo khoa…

Theo thầy Bùi Văn Thủy, Hiệu phó Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Sín Thầu cho biết: Thời gian vừa qua, trên địa bàn xã một số học sinh bị cắt chế độ chi phí học tập, tiền hỗ trợ mua sách vở và hỗ trợ bán trú, bảo hiểm y tế. Trong đó, tại 2 bản A Pa Chải và Lỳ Mạ Tá có số học sinh bị ảnh hưởng nhiều nhất (50 học sinh), đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dạy và học của nhà trường. Để tạm thời khắc phục tình trạng này, nhằm huy động học sinh đến lớp và duy trì sĩ số, thời gian qua nhà trường đã phối hợp với chính quyền địa phương kêu gọi, vận động các nhà từ thiện, tài trợ cho những học sinh bị ảnh hưởng, cắt chế độ. Năm học 2022 - 2023, tổng số học sinh toàn trường khoảng 255 học sinh, trong đó, học sinh bán trú gần 200 học sinh. Vì vậy, việc kêu gọi vận động, tài trợ chỉ giải pháp tình thế trước mắt, còn về lâu dài cần có giải pháp khác, để tránh tình trạng học sinh bỏ học, không đến trường do không có chế độ.

Không chỉ học sinh mất quyền lợi, chế độ theo quy định, một số chính sách vay vốn của người dân cũng bị ảnh hưởng. Nhiều hộ muốn vay vốn làm ăn, xóa đói giảm nghèo nhưng khi xã đạt chuẩn NTM đã không được vay. Trước đây, người dân xã Sín Thầu có thể vay vốn theo chương trình hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn của Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện, nhưng từ khi đạt chuẩn NTM theo quy định bị cắt; hiện chỉ có một số đối tượng hộ nghèo được phép vay vốn chương trình này. Theo thống kê của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện Mường Nhé, trước khi xã đạt chuẩn NTM, tổng dư nợ chương trình cho vay này trên địa bàn xã dư nợ khoảng 14 tỷ đồng; hiện nay chương trình này dừng cho vay trên địa bàn xã Sín Thầu và cán bộ ngân hàng đang thu hồi lại vốn cho vay trước đó.

Theo ông Trang Tự Sinh, bản Tả Kố Khừ, trước đây, gia đình được vay vốn sản xuất kinh doanh từ Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện với mức vay tối đa 100 triệu đồng/hộ, tuy nhiên từ khi xã đạt chuẩn NTM gia đình tôi không được vay khoản này, do gia đình không thuộc diện hộ nghèo. Đây là nguồn vay ưu đãi, lãi suất thấp, phù hợp với người dân; còn bây giờ để có tiền sản xuất, kinh doanh, người dân phải vay ngân hàng khác, hoặc chương trình tín dụng khác. Vì vậy, ông cho rằng, lên chuẩn NTM là điều cần thiết, mục tiêu hướng đến, nhưng lên vào thời điểm nào, bằng cách nào mới quan trọng, trong khi người dân đang nghèo, khó khăn thì càng ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Người dân bản Tả Kố Khừ, xã Sín Thầu mong muốn chính quyền địa phương đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp giảm nghèo bền vững.

Nguyên nhân trước đây Sín Thầu thuộc xã loại III, cán bộ, người dân, học sinh trên địa bàn được hưởng nhiều chế độ ưu đãi theo quy định. Tuy nhiên, từ khi Chính phủ ban hành các Quyết định số 33/2020/QĐ-TTg ngày 12/11/2020 về tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021 - 2025; Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, xã Sín Thầu ra khỏi danh sách xã đặc biệt khó khăn, đương nhiên, các chế độ ưu đãi, hỗ trợ dành cho người đến công tác, làm việc nơi đây bị cắt giảm, ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng, cuộc sống của người dân trên địa bàn. Điều này đồng nghĩa những đãi ngộ, hỗ trợ dành cho người công tác, làm việc ở vùng khó không còn được thụ hưởng như trước.

Trong khi, trên thực tế, dù đạt chuẩn NTM nhưng địa bàn xã Sín Thầu từng là khu vực III vẫn cách trở trung tâm huyện khoảng 50km, các điều kiện phục vụ cho cuộc sống hằng ngày của người dân vẫn còn hiện hữu những hạn chế, bất cập. Vì vậy, nhiều người dân chưa mong muốn địa phương lên chuẩn NTM trong thời điểm này, một số hộ phản đối việc đạt chuẩn NTM do đời sống người dân chưa đổi mới, chuyển biến; thậm chí đời sống một số hộ dân còn khó khăn, vất vả hơn khi phải lo tiền học hành, chi phí sinh hoạt, bán trú, bảo hiểm cho con. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý, hành động và quá trình xây dựng NTM của địa phương trong giai đoạn tới, nhất là tại những bản được lựa chọn để xây dựng bản NTM nâng cao.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé thừa nhận có sau khi công nhận xã Sín Thầu đạt chuẩn NTM đã có một số thông tin, ý kiến của người dân về việc đạt chuẩn NTM, mất quyền lợi, chế độ một số học sinh bán trú trong xã bị cắt. Thế nhưng, theo ông Hưng quá trình xây dựng NTM là điều tất yếu, không thể không thực hiện. Và chỉ có xây dựng NTM thì người dân mới dần xóa đói, giảm nghèo; cơ sở hạ tầng mới được đầu tư đồng bộ, khang trang, bộ mặt nông thôn thay đổi tích cực. Còn đối với một số ý kiến người dân về quyền lợi, chế độ là đường nhiên, bởi trước đây người dân đang được hưởng, giờ mất đi họ thấy hụt hẫng nên thắc mắc. Tuy nhiên, rồi dần dần người dân sẽ quen và nỗ lực, tự lực vươn lên xóa đói giảm nghèo, xóa bỏ sự ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Thiết nghĩ, việc xây dựng và phấn đấu công nhận đạt chuẩn NMT là điều đương nhiên, tất yếu để nâng cao đời sống người dân, thay đổi bộ mặt nông thôn. Thế nhưng, ý kiến của người dân Sín Thầu cũng không phải không có lý, khi đời sống họ còn nhiều khó khăn. Như chúng tôi đã nói trước đó, việc xây dựng NTM được người dân Sín Thầu rất đồng tình, ủng hộ từ vật chất đến tinh thần, vì vậy quá trình thực hiện cần xác định các mục tiêu đều phải hướng đến người dân để thực hiện, chứ không phải vì thành tích, chỉ tiêu mà phấn đấu bằng được danh hiệu NTM.

Bài 4: Để người dân thực sự hài lòng

Bài, ảnh: Phong Vân – Quyết Linh
Bình luận

Tin khác

Back To Top