Rộn ràng điệu múa ngày xuân

08:37 - Chủ Nhật, 06/02/2022 Lượt xem: 4828 In bài viết

ĐBP - Xuân về không khí ngày hội rộn ràng khắp bản làng vùng cao, biên giới xa xôi. Sau những chén rượu ngọt đầu môi, những lời chúc, những ánh mắt thắm tình trao duyên của các chàng trai, cô gái… trong bộ váy áo truyền thống của dân tộc mình, cánh tay uyển chuyển, bàn chân nhịp nhàng theo điệu múa. Những điệu múa dân gian vốn là sinh hoạt văn hóa mang tính cộng đồng đã tồn tại lâu trong đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số có sức lôi cuốn mạnh mẽ. Đó không chỉ là bản sắc truyền thống mà còn chứa đựng nhiều giá trị nhân văn, thể hiện khát vọng về cuộc sống tốt đẹp, ấm no...

Uyển chuyển điệu múa nón

Múa nón là điệu múa nổi tiếng của đồng bào dân tộc Thái trắng. Những chiếc nón qua đôi bàn tay của người phụ nữ Thái trắng ở Mường Lay dần dần mở ra rồi khép lại như những cánh hoa ban trắng - loài hoa đặc trưng của núi rừng Tây Bắc. Ngoài điệu múa nón, đồng bào dân tộc Thái Điện Biên còn rất nổi tiếng với điệu múa xòe, múa sạp…

Vũ điệu Đao đao

Dân tộc Khơ Mú ở Điện Biên có nghệ thuật múa rất độc đáo với đạo cụ đặc trưng là các nguyên liệu tự nhiên. Các điệu múa thường tái hiện lại các hoạt động trong đời sống lao động sản xuất hàng ngày nên có động tác dứt khoát, khỏe khoắn với nhiều người tham gia. Trong đó điệu múa Đao Đao (tẹ tăm đao), một điệu múa dành cho nữ giới. Tăm đao thường được làm từ thân cây nứa nhỏ, thẳng, đẹp, cây không già mà cũng không quá non. Điệu múa này hình thành cùng việc đi rừng đi nương với gùi măng, thóc, rau rừng trên lưng, người phụ nữ sẽ đánh đao tạo ra những âm thanh vui tai để gửi gắm tâm tư, ước vọng mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Duyên dáng Lăm vông

Trong ngày hội mừng năm mới hoặc ngày vui của gia đình, bản làng người dân tộc Lào không thể thiếu điệu múa Lăm vông. Đây là hình thức sinh hoạt tập thể vui tươi, mang tính kết nối rất cao của cộng đồng Lào. Phụ nữ dân tộc Lào dường như ai cũng múa Lăm vông từ bé. Khi tiếng nhạc vang lên với những lời ca quen thuộc là họ mời nhau cùng vào điệu Lăm vông. Trong tiếng Lào “lăm” là hát, “vông” là tròn, múa lăm vông là hát múa theo hình tròn. Vì thế múa Lăm vông thường gồm một đội nữ xếp theo hình tròn. Từng chuyển động uyển chuyển theo tiếng nhạc tôn lên vẻ đẹp duyên dáng, sự khéo léo của phụ nữ dân tộc Lào. 

Nhịp nhàng múa ô

Ngày xuân lên các bản làng đồng bào dân tộc Mông, từ xa đã nghe tiếng khèn réo rắt của các chàng trai, bên cạnh là các cô gái với chiếc ô trong tay khéo léo theo nhịp khèn làm say lòng người. Múa ô là điệu múa đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông mỗi dịp tết đến xuân về. Hình ảnh thiếu nữ Mông tay cầm ô e ấp, dịu dàng, kín đáo đã trở thành biểu tượng trong đời sống sinh hoạt văn hóa đồng bào Mông ở vùng cao.

An Biên (tổng hợp)
Bình luận
Back To Top