Vì một F bình yên

08:30 - Thứ Năm, 03/03/2022 Lượt xem: 3633 In bài viết

ĐBP - Điện Biên vốn xa xôi, núi cùng rừng kịt nhưng thời mở cửa, Covid đã gần ngay - đến ngay từ những đợt dịch đầu. Khắp các bản làng xóm phố, cơ quan, dẫu là vùng sâu vùng xa Nậm Pồ, Mường Nhà hay vùng thấp huyện Điện Biên, Mường Ảng, TP. Điện Biên Phủ... đâu đâu cũng tiếng dịch, chống dịch.

Ngay từ những ngày đầu dịch dã, các văn nghệ sĩ Điện Biên, bằng tình cảm trái tim, ý thức nghề nghiệp đã có ngay những tác phẩm nóng hổi, phản ánh kịp thời những cung bậc diễn biến của nạn dịch Covid-19. Hội Văn học - Nghệ thuật (VHNT) tỉnh đã luôn đồng hành sâu xa với mặt trận không tiếng súng. Những tác phẩm văn chương trở thành một vũ khí tinh thần quan trọng trong cuộc chiến đầy gian khổ khó khăn, chưa từng có trong lịch sử này.

Tháng 1/2021, Hội VHNT tỉnh đã tổ chức cuộc vận động sáng tác “VHNT Điện Biên chung tay phòng chống Covid-19”. Mặc dù chỉ sáng tác theo chủ đề, nhưng ngay từ những ngày đầu, cuộc vận động đã nhận được sự hưởng ứng sôi nổi của các nhà văn, nhà thơ. Bằng trách nhiệm công dân, năng lực nghệ thuật, các văn nghệ sĩ đã vượt qua sự khô cứng, khó viết của đề tài. Đến hết tháng 12/2021, Hội VHNT tỉnh đã nhận được hàng trăm bài thơ, truyện ngắn, bút ký, bài viết, tranh ảnh… phản ánh đa dạng sâu sắc mọi mặt của cuộc chiến chống Covid. Nhiều tác phẩm chất lượng tốt đã được đăng tải trên tạp chí Văn nghệ Điện Biên, trang thông tin điện tử -vannghe.dienbien.gov.vn và các báo tạp chí trung ương. Những tác phẩm ấy tuy nghệ thuật cao thấp khác nhau nhưng đã tạo nên một dòng thơ văn chống Covid đậm nét Điện Biên. Và, điều quan trọng, từ cuộc vận động sáng tác này, VHNT, văn nghệ sĩ gắn bó máu thịt hơn với nhịp sống nóng hổi, thường ngày của tỉnh.

Thơ là thể loại nhanh nhạy, đến ngay những vấn đề mới của cuộc sống bằng con đường của trái tim. Thời chung sống với Covid, người làm thơ không thể là mây gió trăng hoa. Thơ đi cùng những người chống dịch nơi tuyến đầu, cùng tâm trạng, nghĩ suy, cung bậc cảm xúc và đặc biệt chia sẻ những gian khổ, hi sinh của lực lượng chống dịch nơi tuyến đầu cũng như những hệ lụy, đau thương, mất mát không tránh khỏi của những F0, F1. Hầu hết các bài thơ hưởng ứng cuộc vận động sáng tác đều chung cảm xúc, ý tưởng ấy, nhưng nổi lên là hình ảnh những y bác sĩ, lực lượng cốt lõi của cuộc chiến. Những vần thơ của các tác giả: Trương Hữu Thiêm, Đỗ Trọng Luân, Bùi Quang Huy, Nguyễn Thị Hồng Miên, Nguyễn Đình Hải, Hoàng Công Mai, Phạm Đình Thi, Lò Đặng Thếm, Văn Hòa, Lan Chinh... ngày thường đã chan chứa tình nay ngày Covid càng neo vào lòng người nhiều hơn nhờ những chia sẻ thấu lòng.

Đó là niềm tự hào về cha - người chiến sĩ áo trắng, chiến binh thầm lặng trong mặt trận đầy cam go, khốc liệt của tác giả Bùi Quang Huy: “Con tự hào khi được viết về cha/ Người chiến sĩ khoác trên mình áo trắng/ Chống Covid người chiến binh thầm lặng/ Vũ khí chống kẻ thù là khối óc, bàn tay..” (Cha là dũng sĩ áo trắng - Bùi Quang Huy).

Đó là Những bông hoa thép giữa mùa xuân - Một nhan đề giàu tính biểu tượng về những y, bác sĩ đang ngày đêm nơi tuyến đầu chống dịch của nữ tác giả Nguyễn Thị Hồng Miên. “...Chẳng có bữa cơm giao thừa hạnh phúc đoàn viên/ Chỉ có sương sa chất chồng mưa nắng/ Hộp cơm, ống mì giọt mồ hôi đắng/ Bữa ăn vội vàng giấc ngủ chẳng tròn canh/... Đất nước bình yên hạnh phúc ngọt ngào/ Giữa xuân hồng nở bao bông hoa thép/ Người chiến sĩ là những bông hoa đẹp/ Sống quên mình vì hạnh phúc nhân dân...”. Bằng những câu thơ hòa quyện chất trữ tình và chất công dân, xoay quanh sự cảm phục biết ơn, bài thơ đã có sức lan tỏa rộng rãi.

Cùng chung mạch ngợi ca, biết ơn những chiến sỹ chống dịch là nhiều bài thơ của các tác giả. Thơ phòng chống Covid đã ở vùng sâu vùng xa, bản làng heo hút, đến với sương mù giá buốt biên thùy, chia sẻ những khó khăn vất vả của những chiến sỹ biên phòng nơi tiền tiêu. Nhà thơ Nguyễn Đình Hải trong bài Giữ đường biên đã có những vần thơ đơn sơ, mộc mạc nhưng chứa chan tình cảm: “Quân phục vương màu bụi đỏ/ Nắng gió biên thùy làn da đen sạm/ Gian khổ khó khăn các anh không nản/ Kiên quyết giữ gìn không cho dịch lây lan”. Biên cương những ngày chống dịch trở thành một trong những tâm điểm hướng tới của các nhà thơ.

Nhà thơ Đỗ Trọng Luân có một chùm thơ khá ấn tượng, trải bày nỗi lòng của một công dân Điện Biên trong những ngày dịch dã. Bạn đọc có thể bị hút ngay vào những câu thơ như thế này từ bài Đợi em về: “Quê hương tôi đẹp tên đất, tên người/ Xưa đánh giặc đạp lên bom đạn/ Nay chống dịch ngoan cường, dũng cảm/ Mỗi phố, mỗi làng một trận địa công kiên”.

Đến với cuộc vận động sáng tác, nhà thơ Trương Hữu Thiêm, một cây bút già dặn trong cách tiếp cận đời sống, có bài thơ Chở giúp nhớ thương này. Đó là câu chuyện từ khu cách ly tập trung, người đang làm nhiệm vụ nơi xa với người ở nhà, hai người đang ở hai đầu nỗi nhớ ngóng trông... bức tranh khu cách ly thật cụ thể với những nhớ thương, lo lắng, gửi gắm... chỉ có ở mùa dịch:  “Một mình em “tu” ở chỗ cách ly/ Hơn chục người quen còn toàn người lạ/ Lạ hay quen chả dám nói chuyện gì/ Cơm đóng hộp mỗi người ngồi một chỗ/ Mở ra rồi, cứ để đấy cho khô...”

Đại dịch Covid-19 khiến tất cả buộc phải thay đổi để thích ứng, để chung sống. Trường học thành nơi cách ly, học sinh không được đến trường... và những lớp học online trở nên phổ biến. Cô trò đến với nhau qua đường net trở thành chuyện thường ngày ở lớp. Về mảng lớp học trực tuyến này, nhiều bài thơ thể hiện khá đầy đủ sinh động về những ngày cô trò nhìn nhau qua màn hình.

Cũng như xã hội, thơ phòng chống dịch Covid-19 đã sang trạng thái “bình thường mới” để vững bước trên con đường dựng xây, phát triển. Cuộc chiến mới này đòi hỏi tất cả các lực lượng xã hội, trong đó có các văn nghệ sĩ, luôn chung sức chung lòng vì một ngày mai tất cả đều là F bình yên.

Nguyễn Dũng
Bình luận

Tin khác

Back To Top