Nâng cao vai trò, vị thế của trẻ em gái

07:25 - Thứ Hai, 10/10/2022 Lượt xem: 4306 In bài viết

ĐBP - “Nâng cao vai trò, vị thế của trẻ em gái góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh” là chủ đề Ngày Quốc tế Trẻ em gái (11/10) do Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) phát động năm 2022. Với tỷ số giới tính mất cân bằng giữa bé trai và bé gái của tỉnh ta, thông điệp này càng ý nghĩa và cần được lan tỏa rộng rãi.

Cán bộ dân số xã Hẹ Muông, huyện Điện Biên tuyên truyền người dân về chăm sóc sức khỏe sinh sản, không chọn lọc giới tính khi sinh.

Số liệu đến thời điểm 30/6/2022 tại địa bàn tỉnh ta, ở độ tuổi 0 - 4 tuổi có tỷ lệ giới tính hơn 109 bé trai/100 bé gái; độ tuổi 5 - 9 có 110 bé trai/100 bé gái, tuổi 10 - 14 có 107 trẻ em trai/100 trẻ em gái, 15 - 19 tuổi có 103 nam/100 nữ. Chỉ số giới tính khi sinh được coi là bình thường trong khoảng 103 - 106 nam/100 nữ. Duy trì chỉ số này trong giới hạn trên sẽ bảo đảm sự cân bằng trong phát triển tự nhiên và xã hội. Nhưng thực tế trong xã hội vẫn còn trường hợp chọn lọc giới tính khi sinh, tư tưởng trọng nam khinh nữ, làm mất cân bằng giới tính và mất đi cơ hội của một bộ phận trẻ em gái.

Ngày Quốc tế Trẻ em gái ra đời nhằm trao cơ hội nhiều hơn cho trẻ em gái và nâng cao nhận thức về bất bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực: Giáo dục, dinh dưỡng, y tế, bảo vệ khỏi sự kỳ thị, bạo lực và không còn nạn tảo hôn... Các em có quyền được hưởng một cuộc sống an toàn, có sức khỏe và giáo dục tốt, không chỉ trong suốt những năm tháng đầu đời quan trọng mà cả khi trưởng thành. Nếu được quan tâm, trẻ em gái sẽ có điều kiện phát huy khả năng, theo đuổi ước mơ, làm chủ cuộc đời mình, trở thành những người thành công và hạnh phúc, tạo ra những giá trị cho xã hội.

Ngày Quốc tế Trẻ em gái năm nay, Tổng cục Dân số - KHHGĐ phát đi thông điệp “Nâng cao vai trò, vị thế của trẻ em gái góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”. Tại Điện Biên, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đã ban hành công văn triển khai các hoạt động truyền thông hưởng ứng Ngày Quốc tế Trẻ em gái. Tập trung truyền thông phổ biến, tuyên truyền các văn bản, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước như: Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Hôn nhân và Gia đình, nhằm thúc đẩy cộng đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ nâng cao vai trò, vị thế của trẻ em gái nói riêng và phụ nữ nói chung. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục về thực trạng, nguyên nhân và hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; vận động từng bước làm thay đổi nhận thức và tư tưởng lạc hậu phân biệt sinh con trai, con gái; tuyên truyền các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi...

Trong 9 tháng đầu năm, Chi cục Dân số - KHHGĐ đã tổ chức 2 buổi nói chuyện chuyên đề về hôn nhân, sức khỏe sinh sản cho hơn 400 sinh viên trên địa bàn. Tại cấp huyện đã tổ chức sinh hoạt ngoại khóa, tư vấn sức khỏe vị thành niên/thanh niên tại 55 trường THPT, THCS cho gần 9.200 người; truyền thông kiểm soát tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh cho cán bộ về học tại trường chính trị các huyện tổng 11 buổi với 340 người để họ tuyên truyền, phổ biến tại địa bàn; 93 cuộc truyền thông hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh và giảm thiểu tình trạng này tại các xã cho hơn 2.000 cán bộ và nhân dân, 379 buổi tại thôn, bản cho gần 7.700 người dân... Ngoài ra, tại nhiều xã, bản còn duy trì và hoạt động tích cực các câu lạc bộ phụ nữ và trẻ em gái, trong trường học tại các khu vực được tài trợ cũng có câu lạc bộ trẻ em gái với nhiều chương trình thiết thực, ý nghĩa.

Mới đây, Tổng cục Dân số - KHHGĐ đã phát động Cuộc thi “Sống chủ động - Cùng viết nên câu chuyện ngày mai”. Cuộc thi được phổ biến rộng rãi trên địa bàn tỉnh với mong muốn chia sẻ, nhắc nhở các bạn trẻ nâng cao ý thức, hành động đúng để tránh có thai ngoài ý muốn. Đây cũng là thực trạng đang diễn ra tại một số khu vực vùng cao tại tỉnh ta, do thiếu hiểu biết, nhiều học sinh nữ đang ngồi trên ghế trường THCS, THPT nhưng mang thai ngoài ý muốn, dẫn đến bỏ học, tảo hôn, hoặc phá thai. Và trên địa bàn tỉnh ta, hàng năm không ít nữ sinh vì gia đình khó khăn phải nghỉ học sớm, ở nhà phụ giúp bố mẹ hoặc lập gia đình. Bởi vậy Ngày Quốc tế Trẻ em gái càng cần thiết để nâng cao nhận thức, hành động của toàn xã hội trong chung tay bảo vệ, chăm sóc trẻ em gái, tạo cơ hội cho các em học hỏi, vươn lên thoát khỏi vòng luẩn quẩn “nghèo đói - thiếu hiểu biết - bỏ học - tảo hôn - đói nghèo”.

Bài, ảnh: Bảo Anh
Bình luận

Tin khác

Back To Top