Nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân khu vực biên giới

08:42 - Chủ Nhật, 17/09/2023 Lượt xem: 7107 In bài viết

ĐBP - Trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên có đường biên giới quốc gia dài 455,573km tiếp giáp với Lào và Trung Quốc. Khu vực biên giới là địa bàn sinh sống chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số. Những năm qua Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân. Nhờ vậy, tình trạng vi phạm pháp luật trên địa bàn biên giới đã giảm đáng kể, an ninh trật tự được giữ vững. Người dân tin tưởng và tích cực tham gia cùng lực lượng biên phòng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng biên giới ổn định, phát triển.

Ðồn Biên phòng Pa Thơm kết hợp hiệu quả công tác tuyên truyền với giúp dân phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Trong ảnh: Cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Pa Thơm vận chuyển vật liệu giúp Nhân dân xây dựng nhà ở. Ảnh: Thành Đạt

Xã Pa Thơm, huyện Ðiện Biên có biên giới tiếp giáp với Lào, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Song những năm qua người dân luôn nêu cao ý thức, trách nhiệm chấp hành pháp luật, không vượt biên trái phép, chăm chỉ lao động sản xuất. Có được kết quả này là nhờ cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Pa Thơm đã “4 cùng” với Nhân dân. Vừa tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật vừa giúp dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từ bỏ các tập quán lạc hậu và xây dựng đời sống văn hóa trong cộng đồng. Nhờ vậy, các hộ giáp biên luôn đoàn kết, không vi phạm pháp luật, những vấn đề vướng mắc được hòa giải, tháo gỡ kịp thời.

Ngoài Pa Thơm, trên địa bàn tỉnh còn 28 xã biên giới thuộc 4 huyện (Ðiện Biên, Mường Chà, Nậm Pồ và Mường Nhé). Ðịa bàn biên giới có 299 thôn bản, 3 cụm dân cư, với tổng dân số 27.817 hộ, 134.351 khẩu thuộc 16 dân tộc cùng sinh sống. Việc đảm bảo an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội, giúp người dân luôn nêu cao ý thức, trách nhiệm chấp hành pháp luật là nhiệm vụ nặng nề đối với lực lượng bộ đội biên phòng và chính quyền địa phương. Nguyên nhân cũng bởi địa hình bị chia cắt, giao thông đi lại khó khăn; trình độ dân trí không đồng đều, nhiều hủ tục còn tồn tại; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao; tình hình hoạt động của các loại tội phạm, di cư tự do, xuất nhập cảnh trái pháp luật... diễn biến phức tạp.

Trước thực tế đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị triển khai đồng bộ, đa dạng các hình thức, biện pháp tuyên truyền phù hợp với đặc thù của từng địa bàn và đối tượng. Các chiến sĩ quân hàm xanh nắm chắc phong tục, tập quán của các dân tộc, đặc điểm địa bàn, đối tượng. Từ đó tham mưu, phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các cơ quan, đoàn thể địa phương đổi mới hình thức, biện pháp tuyên truyền đảm bảo tính quần chúng, giáo dục, thuyết phục cao. Các hình thức tuyên truyền như: Tuyên truyền miệng; tuyên truyền thông qua cổ động trực quan; thông qua hoạt động “Ngày Pháp luật”, các cuộc thi tìm hiểu, phong trào thi đua; thông qua hoạt động tư vấn pháp luật, tổ hòa giải. Cùng đó, tổ chức tuyên truyền tập trung, trên loa truyền thanh của bản, xã biên giới, qua “Tiếng loa biên phòng” và thông qua biểu diễn văn hóa, văn nghệ đã vận động quần chúng Nhân dân chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, Pháp luật của Nhà nước; trọng tâm là Luật Biên giới quốc gia, Luật Biên phòng Việt Nam, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo... Trong 6 tháng đầu năm 2023, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp tổ chức được 780 buổi với 35.868 lượt người; tuyên truyền không di cư tự do, xuất nhập cảnh trái phép đối với 645 hộ, 2.055 khẩu.

Ðể công tác tuyên truyền đạt hiệu quả, bộ đội biên phòng đã tích cực hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Trong 6 tháng đầu năm, bộ đội biên phòng tỉnh tổ chức 956 ngày công giúp dân lao động sản xuất; phối hợp làm và sửa 25km đường thôn, bản; tu sửa 11,5km kênh mương thủy lợi; thu hoạch và chăm sóc 18ha hoa màu; giúp dân sửa chữa và làm mới 12 căn nhà; giúp 98 hộ gia đình xóa đói, giảm nghèo; huy động 150 lượt cán bộ, chiến sĩ với 450 công giúp dân phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai; di dời 12 căn nhà, 60 người đến nơi an toàn. Thực hiện mô hình “Hũ gạo chiến sĩ”, các đơn vị đã ủng hộ được 2.700kg gạo hỗ trợ các gia đình khó khăn trên địa bàn khu vực biên giới, góp phần củng cố, tăng cường tình đoàn kết gắn bó giữa cán bộ, chiến sĩ với đồng bào các dân tộc.

Công tác tuyên truyền pháp luật đạt hiệu quả đã góp phần giảm tình trạng vi phạm pháp luật trên địa bàn biên giới, an ninh trật tự được giữ vững, nhân dân tin tưởng và tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Hiện nay, trên khu vực biên giới có 81 tập thể và 3.398 hộ, 4.412 cá nhân đăng ký tự quản 408,616km đường biên giới; 302 tổ với 1.682 thành viên tự quản an ninh trật tự thôn, bản. Người dân đã phối hợp tham gia 288 đợt tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc với 1.728 lượt người; tố giác tội phạm 15 vụ, 21 đối tượng.

Thành Đạt
Bình luận

Tin khác

Back To Top