Pháp luậtAn ninh, trật tự

Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy

09:26 - Thứ Tư, 09/08/2023 Lượt xem: 3938 In bài viết

ĐBP - Ðiện Biên là 1 trong 13 tỉnh trọng điểm của cả nước về tệ nạn ma túy, nhất là tình hình mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép chất ma túy diễn biến phức tạp, tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, nhiều người nghiện ma túy. Thời gian qua, các cấp, ngành, các tổ chức đoàn thể và cộng đồng đã tham gia, nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy nhằm từng bước kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn ma túy ra khỏi đời sống xã hội.

Người nghiện ma túy trên địa bàn huyện Mường Ảng điều trị bằng thuốc thay thế Methadone. Ảnh: C.T.V

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Ðể tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai, ngay từ đầu năm HÐND, UBND tỉnh đã giao chỉ tiêu kế hoạch cai nghiện cho các ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh tổ chức cai nghiện ma túy bắt buộc, cai tự nguyện, điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế. Chính quyền các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng; điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế cho người nghiện ma túy trên địa bàn.

Năm 2022, toàn tỉnh tổ chức cai nghiện ma túy cho trên 900 người bao gồm cai tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh, cai tại gia đình và cộng đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Trung tâm đã thực hiện tốt quy trình tư vấn thường xuyên, tư vấn giáo dục học viên chấp hành tốt nội quy, tuyên truyền giáo dục tư tưởng cho học viên, đặc biệt là với những học viên mới. Ðể việc điều trị và quản lý đạt hiệu quả cao, Trung tâm áp dụng nhiều biện pháp quản lý đối tượng cai nghiện. Học viên đang điều trị được chia ra quản lý theo từng tổ, nhóm để tư vấn, giáo dục, quản lý sâu sát, không để xảy ra trường hợp học viên bỏ trốn, hay thẩm lậu ma túy vào trung tâm. Cùng với đó, các học viên được đào tạo cơ bản về các nghề: Ðiện dân dụng, điện công nghiệp; trồng trọt, nuôi cá nước ngọt; sửa xe, kỹ thuật chế biến món ăn… Ðối với học viên hết thời gian điều trị và đủ điều kiện để trở về với gia đình, cộng đồng, Trung tâm chủ động bàn giao hồ sơ cho ngành chức năng, đoàn thể, chính quyền để mở sổ quản lý, theo dõi, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng sau cai nghiện.

Quá trình học nghề, thực hành sẽ giúp học viên hiểu được giá trị của sức lao động cũng như hỗ trợ phục hồi sức khỏe tốt hơn. Nếu học viên có ý chí và chịu khó học hỏi, nghề được đào tạo sẽ giúp họ tìm việc làm, tham gia các hoạt động phát triển kinh tế tại địa phương, từ đó giảm nguy cơ tái nghiện. Thực tế đã chứng minh nhiều người từng sa ngã vào “cái chết trắng” nhưng sau thời gian cai nghiện, học nghề tại trung tâm đã mạnh mẽ đứng dậy làm lại cuộc đời. Các hoạt động giáo dục, dạy nghề là một trong những giải pháp thiết thực khuyến khích học viên phục hồi năng lực, tiếp thêm niềm tin, nghị lực, bỏ qua mặc cảm để tiếp tục vươn lên làm người có ích cho gia đình, xã hội.

Theo số liệu thống kê của Công an tỉnh, hiện toàn tỉnh có 6.493 người nghiện ma túy và 1.186 người sử dụng trái phép chất ma túy (chiếm gần 1,04% dân số toàn tỉnh) phần lớn người nghiện đang sinh sống tại cộng đồng. Với mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy và đẩy mạnh công tác phòng ngừa, ngày 13/6/2023 UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện dự án “Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy và phòng ngừa nghiện ma túy đối với nhóm người có nguy cơ cao và người sử dụng trái phép chất ma túy”. Từ đó tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành; các tổ chức chính trị xã hội và Nhân dân trong phòng ngừa nghiện ma túy, cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy; giảm tác hại của sử dụng trái phép chất ma túy, hạn chế sự gia tăng số người nghiện mới, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, hướng tới xây dựng “cộng đồng sạch ma túy”.

Anh Khôi
Bình luận
Back To Top