ĐBQH tỉnh tham gia ý kiến vào dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ

17:30 - Thứ Sáu, 07/01/2022 Lượt xem: 4631 In bài viết

ĐBP - Chiều nay (7/1), kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.

ĐBQH Tạ Thị Yên, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu phát biểu tại phiên thảo luận trực tuyến chiều ngày 07.01.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Tạ Thị Yên, Phó Trưởng ban Công tác đại biểu, ĐBQH tỉnh Điện Biên đồng tình cao với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ, trung tâm kinh tế, hạt nhân phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long. 

Việc ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù về tài chính, ngân sách; quản lý đất đai, quy hoạch; thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức… đã được thực hiện thí điểm ở một số địa phương khác, như: thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và mới đây, tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV đã tiếp tục cho thí điểm ở các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên - Huế. Đại biểu băn khoăn về việc không có số liệu hay báo cáo về việc sơ kết, tổng kết việc thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù dạng thí điểm. Như vậy, với 7 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đang thực hiện thí điểm và thành phố Cần Thơ tới đây thực hiện thí điểm nữa, chiếm tới 12,6% tổng số địa phương trong cả nước và về tỷ trọng đóng góp trong GDP thì chắc chắn là rất lớn, nhưng không biết khi nào những chính sách đặc thù này sẽ được áp dụng cho các địa phương khác cũng theo hướng tương thích với những đặc điểm riêng có và tạo cơ sở phát huy lợi thế so sánh về vị trí địa lý, tiềm năng kinh tế, nguồn lực con người của từng địa phương? Chính phủ liệu có dự liệu một lộ trình nào đó hay không?

Về cơ chế chính sách đặc thù đề xuất thí điểm cho thành phố Cần Thơ, cụ thể là Dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ. Đại biểu bày tỏ sự đồng tình với những lưu ý của cơ quan thẩm tra về các nội dung: tính hiệu quả gắn với quy hoạch vùng; tác động môi trường, chế độ dòng chảy, xói mòn, sạt lở… nhất là trong bối cảnh Đồng bằng sông Cửu Long đang chịu những tác động, ảnh hưởng rất lớn của biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng và quản lý nguồn nước sông Cửu Long ở thượng nguồn. Hơn nữa, trước đây, theo đề nghị của Chính phủ, Quốc hội đã quyết định đầu tư kênh Quan Chánh Bố hơn 6 nghìn tỷ, là kênh nối tắt từ sông Hậu đi qua tỉnh Trà Vinh để ra biển với chiều dài 46,5 km, cho phép tàu biển có trọng tải 10.000 tấn đầy tải, 20.000 tấn giảm tải ra vào các cảng ở khu vực Hậu Giang, Cần Thơ, An Giang, đáp ứng khối lượng hàng hóa hàng chục triệu tấn một năm, thay thế cho cửa Định An? Có lẽ Bộ Giao thông vận tải nên có giải trình thêm với Quốc hội về vấn đề này?

Về Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, đại biểu cho rằng nên định hướng đây là trung tâm sản xuất, chế biến nông nghiệp công nghệ cao và cần có tiêu chí cụ thể. Như vậy mới có thể áp dụng các chính sách ưu đãi đặc biệt cho nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, phát triển nông nghiệp công nghệ cao với giá trị gia tăng lớn, thương hiệu mạnh, khả năng cạnh tranh cao để thâm nhập thị trường toàn cầu bởi vì nông sản hàng hóa do Đồng bằng sông Cửu Long sản xuất ra chủ yếu để xuất khẩu. Có như vậy mới dễ xác định được các tổ chức, doanh nghiệp tham gia vào Trung tâm này để hưởng các chính sách đặc biệt về thuế và đất đai. Nếu chỉ là sản xuất, chế biến với công nghệ bình thường thì các địa phương hiện nay vẫn đang làm tốt.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị nên đưa vào Nghị quyết nội dung sớm xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao nối Cần Thơ với thành phố Hồ Chí Minh và hệ thống đường sắt quốc gia, hình thành đồng bộ mạng lưới vận tải hàng hóa, hành khách thủy, bộ, hàng không và đường sắt cho Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối các hình thức vận tải đa phương thức, đảm bảo vận chuyển khối lượng lớn với giá thành hợp lý, kết nối với hệ thống vận tải liên vận quốc tế. Trong những ngày vừa qua, việc ách tắc thông quan nông sản hàng hóa ở một số cửa khẩu phía Bắc là một ví dụ điển hình của việc còn thiếu các phương thức vận tải thay thế bên cạnh những khiếm khuyết về hạ tầng, như: kho mát, kho lạnh, bãi chứa và phương thức buôn bán, giao nhận tiểu ngạch, biên mậu. Trước khi khởi công tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, mong Quốc hội, Chính phủ cân nhắc sớm xây dựng tuyến đường sắt tiên tiến này. Đây cũng có thể coi là dự án thí điểm bởi vì quy mô nhỏ hơn rất nhiều so với tuyến cao tốc Bắc - Nam và có lẽ cũng đáp ứng sự mong đợi của nhân dân đồng bằng sông Cửu Long, nhất là khi vừa mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021 phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó định hướng nghiên cứu triển khai tuyến đường sắt thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ.

Tin, ảnh: Mai Hồng
Bình luận

Tin khác

Back To Top