Bài dự thi Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng

Sàng lọc đảng viên ở Điện Biên: “Cắt bỏ cành sâu để cứu cả cây” (bài 3)

09:16 - Thứ Tư, 28/09/2022 Lượt xem: 6245 In bài viết

Bài 3: Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh từ gốc

ĐBP - Những năm qua, nhất là từ khi có Hướng dẫn số 02-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương về việc hướng dẫn tiêu chí, quy trình rà soát, phát hiện, giáo dục, giúp đỡ, sàng lọc, đưa đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng, việc rà soát, sàng lọc đảng viên trên địa bàn tỉnh đã góp phần nâng cao chất lượng tổ chức đảng, đảng viên.

Bài 1: Nhận diện đúng để có giải pháp hữu hiệu

Bài 2: Khó nhưng phải làm

Một cuộc họp xem xét tiến hành các bước kỷ luật đảng viên tại Chi bộ 20, bản Pú Nhi B, xã Pu Nhi (huyện Điện Biên Đông).

Kết quả rà soát, sàng lọc, đưa đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng trên địa bàn tỉnh đã có tác động tích cực trong việc quản lý đảng viên, giáo dục, nhắc nhở những cá nhân vi phạm có giải pháp khắc phục, sửa chữa sai lầm, khuyết điểm. Bên cạnh đó, các cấp ủy, tổ chức đảng cũng nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng tổ chức đảng, đội ngũ đảng viên. Đảng viên cùng công tác tại đơn vị có các trường hợp bị xử lý, kỷ luật cũng phát huy vai trò nêu gương, tự nhủ bản thân cần tích cực tu dưỡng, rèn luyện hơn nữa, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bản thân nhiều đảng viên sau quá trình rà soát, sàng lọc được giáo dục, bồi dưỡng đã có sự thay đổi tích cực. 

Đánh giá hiệu quả, tác động tích cực của công tác rà soát, sàng lọc đảng viên, đưa những đảng viên không đủ tư cách ra khỏi Đảng thời gian qua, đồng chí Phạm Khắc Quân, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy khẳng định: Không phải từ khi Hướng dẫn số 02 của Ban Tổ chức Trung ương được ban hành (tháng 4/2021) mà nhiều năm qua công tác rà soát, sàng lọc đảng viên đã được tỉnh đặc biệt chú trọng triển khai, thực hiện. Nhờ đó, các cấp ủy đã nhận thức rõ hơn, cụ thể hơn, phân biệt rõ hơn giữa công tác rà soát sàng lọc đảng viên với công tác xử lý kỷ luật đảng viên theo Điều lệ Đảng. Việc nhận diện đối tượng cần được giáo dục, sàng lọc được cụ thể hơn; trách nhiệm của cấp ủy các cấp, của đảng viên được rõ ràng hơn ở mỗi bước. Các bước triển khai theo quy trình rà soát, sàng lọc gắn với công tác đánh giá, xếp loại đảng viên hàng năm được các cấp ủy, tổ chức đảng quan tâm, thực hiện đi vào nền nếp. Từ đó từng bước khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, hình thức trong công tác đánh giá, xếp loại đảng viên theo đúng tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Theo báo cáo tình hình công tác tổ chức xây dựng Đảng 6 tháng đầu năm 2022, toàn Đảng bộ tỉnh có 43.072 đảng viên; trong đó 40.608 đảng viên được đánh giá xếp loại; 1.724 đảng viên được miễn công tác và sinh hoạt; 740 đảng viên phải đánh giá, xếp loại nhưng chưa tổ chức đánh giá, xếp loại tại thời điểm 14/3/2022. Kết quả, có 5.913 đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (chiếm 14%), 32.483 đảng viên hoàn thành nhiệm vụ (chiếm 80%), 1.955 đảng viên hoàn thành nhiệm vụ (chiếm 4,8%), 257 đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ (chiếm 0,6%).

Là tỉnh miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn, trên 80% dân số là dân tộc thiểu số, nhằm nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đảng viên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới, thời gian tới tỉnh ta sẽ triển khai nhiều giải pháp trọng tâm nhằm thực hiện hiệu quả, khách quan việc rà soát, sàng lọc đảng viên, đưa đảng viên không đủ tư cách ra khỏi Đảng. Giải pháp hàng đầu là xây dựng chi bộ, đảng bộ trong sạch, vững mạnh từ gốc, từ mỗi đảng viên; tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng làm thay đổi nhận thức, thái độ và việc làm của mỗi đảng viên. Cấp ủy nắm diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân; chủ động phát hiện, có biện pháp phòng ngừa, uốn nắn kịp thời những biểu hiện tiêu cực. Đồng thời, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động của cấp ủy, tổ chức đảng; đổi mới nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ; đối với các chi bộ ở thôn, bản tổ dân phố cần có nội dung sinh hoạt phù hợp theo địa bàn. Từ đó, có biện pháp quản lý, giáo dục phù hợp, tạo điều kiện để đảng viên khắc phục các điểm hạn chế của bản thân, kiên quyết không để xảy ra các vụ việc vi phạm kỷ luật, pháp luật nghiêm trọng, không có đảng viên bị đưa ra khỏi đảng. Mục tiêu, mong muốn giữ lại đảng viên là chính song khi phải áp dụng biện pháp “cắt bỏ cành sâu mọt ” cũng việc làm cần thiết của cấp ủy, tổ chức đảng để “cứu cả cây.” Có như vậy mới giáo dục, rèn luyện đảng viên hiệu quả, giữ gìn Đảng thật trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là “người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Bài, ảnh: Mai Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top