Để Tràng An xứng đáng là mô hình mẫu mực về bảo tồn và phát triển kinh tế - xã hội

07:20 - Thứ Bảy, 02/03/2024 Lượt xem: 3882 In bài viết

Sau 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới, Tràng An đã khẳng định được là một trong những điểm đến du lịch nổi tiếng của Việt Nam và trên toàn thế giới, là nơi kết hợp một cách hài hòa giữa vẻ đẹp tự nhiên và những giá trị lịch sử, văn hóa.

Toạ đàm "Phát triển sản phẩm du lịch di sản trong khu Di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An".

Ngày 1/3, tỉnh Ninh Bình tổ chức Toạ đàm "Phát triển sản phẩm du lịch di sản trong khu Di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An". Đây là sự kiện quan trọng trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, đánh dấu sự hợp tác và nỗ lực của nhiều bên liên quan trong việc bảo tồn, phát triển và tôn vinh các giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An gắn với phát triển du lịch bền vững.

Lưu truyền cho thế hệ sau những giá trị quý báu của Tràng An 

Quần thể danh thắng Tràng An là nơi lưu giữ bảo tồn các di tích khảo cổ học Tiền sơ sử và di tích lịch sử văn hóa với nhiều dấu tích về lịch sử nhân loại, dân tộc trong nền cảnh địa chất, địa mạo riêng có với hệ sinh thái rừng ngập nước, rừng trên núi đá vôi, có vẻ đẹp hết sức riêng biệt và độc đáo.

Quần thể danh thắng Tràng An đã lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa, thể hiện những câu chuyện của lịch sử cổ xưa và là một cuốn biên niên sử nguyên vẹn ghi lại sự biến đổi môi trường và những ứng phó của con người trong quá khứ xa xôi, lưu giữ một truyền thống cư trú của con người, truyền thống sử dụng vùng đất, vùng biển của người tiền sử với nhiều nền văn hóa tiếp nối liên tục, kéo dài tới 30.000 năm.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Trần Sơn Tùng khẳng định, với lợi thế tài nguyên tự nhiên và nhân văn sâu sắc của vùng đất cố đô Hoa Lư, cùng các giá trị nổi bật toàn cầu về địa chất, địa mạo, cảnh quan tự nhiên và văn hóa, việc phát triển các sản phẩm du lịch Di sản tại Quần thể danh thắng Tràng An không chỉ thuần túy là phục vụ nhu cầu tham quan, trải nghiệm của khách du lịch và phát triển kinh tế du lịch, mà quan trọng hơn là thể hiện trách nhiệm trong gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa và lịch sử và diễn giải các giá trị di sản một cách chân thực, sống động và khoa học để đảm bảo rằng những giá trị quý báu này sẽ được lưu truyền cho các thế hệ hôm nay và mai sau. 

Đặc biệt góp phần thiết thực lan tỏa các giá trị của di sản, đáp ứng mục tiêu, định hướng phát triển Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch quốc gia, quốc tế dựa trên nền tảng di sản, trong đó công nghiệp văn hóa và kinh tế di sản là trọng tâm để xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn phục vụ sự phát triển của cộng đồng cư dân địa phương và của đất nước.

Phải đảm bảo những giá trị quý báu của Tràng An sẽ được lưu truyền cho thế hệ sau.

"Bảo tồn để phát triển chứ không phải đóng băng di tích"

Những vấn đề đặt ra đối với Quần thể Danh thắng Tràng An được Sở Du lịch Ninh Bình lưu ý trước hết là xu hướng lượng khách du lịch khá lớn muốn tiếp cận với di tích khảo cổ, như là một trong những nhu cầu tự nhiên của con người là tìm hiểu về quá khứ, hiểu về thời đã qua, để "ôn cố tri tân" tìm hiểu về cái cũ để nhận biết được cái mới trong hiện tại và mong muốn cao hơn nữa là dự đoán được tương lai. 

Việc bảo tồn di tích khảo cổ, tạo không gian (hành lang bảo vệ) cho khách du lịch tiếp cận được di tích, hiểu được giá trị của di tích mà không làm ảnh hưởng tiêu cực tới di tích cần thực hiện bài bản, công phu, có đầu tư lớn, cần được khuyến khích đầu tư.

Hầu hết những di tích khảo cổ đều nằm ở những vị trí có cảnh quan đẹp, thiên nhiên hùng vĩ, thuận lợi giao thông. Hiện tại con người vẫn lấy nơi đây làm nơi cư trú, phát triển kinh tế-xã hội thông thường, một số di tích mới được phát hiện, nghiên cứu, ở những nơi hẻo lánh, khó tiếp cận. Do vậy công tác lập quy hoạch di tích khảo cổ là rất cần thiết, nhằm sớm nhận biết, đánh giá giá trị di tích khảo cổ có kế hoạch dài hơi trong việc bảo vệ, có chính sách di dời dân cư, nhường không gian cho bảo tồn, diễn giải giá trị di sản bằng công nghệ hiện đại, khuyến khích du lịch có trách nhiệm tạo xu hướng phát triển bền vững. 

Sở Du lịch Ninh Bình cho rằng, chúng ta bảo tồn để phát triển chứ không phải đóng băng di tích, hằng ngày di tích cần có người chăm nom, theo dõi đánh giá tác động của môi trường từ đó mới có biện pháp bảo vệ tốt. 

Giá trị của di tích cũng cần nhiều người nhận biết được thông qua chương trình diễn giải giá trị của di sản. Chỉ khi cộng đồng địa phương và nhiều người khác biết đến giá trị của di tích thì cùng chung sức bảo vệ di tích tốt hơn. Và vấn đề bảo tồn cũng cần phải có nguồn lực, nguồn lực từ đâu ra, chắc không ngoài chính nguồn lực từ cộng đồng địa phương và từ việc khuyến khích phát triển du lịch trách nhiệm. 

Du lịch có trách nhiệm đòi hỏi sự tham gia của tất cả các bên liên quan trong hệ thống du lịch bao gồm Chính phủ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, nhân viên làm việc trong ngành du lịch, cộng đồng địa phương và khách du lịch. 

Các đại biểu tham dự Tọa đàm.

Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch cho nhiều nhóm đối tượng khác nhau

Gợi ý để giúp Ninh Bình biến tiềm năng di sản thành tài sản du lịch TS. Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á đề xuất, khoa học hóa và dân chúng hóa" các kết quả nghiên cứu địa chất học, khảo cổ học, sử học, cổ dân tộc học. Phục dựng chân dung người, thú dựa trên xương cốt khai quật khảo cổ bằng các phương pháp khoa học hiện đại. Cần đầu tư để đưa các kết quả nghiên cứu khoa học thành một dạng sản phẩm du lịch để một mặt tăng hiểu biết, niềm tin và thông qua đó tạo ra những sản phẩm vật chất bán cho khách du lịch.

Có thể ứng dụng các thành tựu media hiện đại kết hợp với tạo dựng truyền thống tạo ra những sản phẩm du lịch mới độc đáo, hấp dẫn mang tính giáo dục cao. Hay phục dựng lối sống kinh đô Hoa Lư và hành cung Vũ Lâm (cả đi lại lẫn sinh hoạt, trang phục dung đình); Phục hồi cách sống tiền sử, lịch sử : Tạo công cụ, chế gốm, đan lát tre nứa, chế tạo dụng cụ bẫy thú, bắt cá, chế biến thức ăn tiền sử...

TS. Lê Thị Liên (Hội Khảo cổ học Việt Nam) cũng nhấn mạnh đến vấn đề khai thác tiềm năng khảo cổ học phong phú của Tràng An nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch cho nhiều nhóm đối tượng khác nhau.

TS. Lê Thị Liên cho biết, kết quả khảo sát trong quá trình xây dựng kế hoạch quản lý du khách cho thấy mặc dù lượng khách tới thăm khu di sản Tràng An đã tăng nhanh sau khi được vinh danh là di sản thế giới, điểm đến của phân khúc thị trường du lịch văn hóa vẫn chủ yếu là khu vực cố đô Hoa Lư. 

Trải nghiệm chủ yếu vẫn là thăm các công trình lịch sử, đền, chùa, thưởng thức các sự kiện văn hóa, lễ hội, đặc biệt là lễ hội Hoa Lư. Nhiều nguồn di sản khảo cổ học khác vẫn đang chờ được đánh thức.

Một số điểm du lịch hang động (Thung Bình, Hang Mòi….) đã bắt đầu được chỉnh trang để mở cửa cho khách thăm. Tuy nhiên, các gói sản phẩm chuyên biệt cho các loại hình di tích này chưa thực sự được xây dựng hoặc mới được đặt ra trên cơ sở nhu cầu của các nhiệm vụ riêng biệt liên quan đến việc nghiên cứu, đánh giá di sản.

Ngoài ra, các khách du lịch thiên nhiên, sinh thái hoặc tâm linh, tôn giáo cũng mới phần lớn chiêm ngưỡng di sản một cách thụ động (ngồi trên thuyền tam bản, đi thăm viếng các di tích đền, chùa) mà chưa thực sự có cơ hội trải nghiệm các nội dung kết hợp khảo cổ học – các biến động tự nhiên; lịch sử tôn giáo tín ngưỡng – đặc điểm tự nhiên; khảo cổ học lịch sử - quá trình hình thành và phát triển nhà nước Đại Cồ Việt; khảo cổ học nghệ thuật - giao lưu và trao đổi văn hóa…

Cùng với đó, sau một thời kì suy thoái do đại dịch COVID-19, ngành du lịch đang hồi sinh và phát triển mạnh mẽ. Nhu cầu tham quan nghỉ dưỡng và thưởng thức tinh thần cho người lớn tuổi, nhu cầu học tập, trải nghiệm cho lứa tuổi thiếu niên và nhu cầu học tập, rèn luyện tinh thần, thể chất cho thanh niên đang ngày càng tăng cao.

TS. Lê Thị Liên đề xuất một số sản phẩm du lịch khảo cổ học cho khu di sản Tràng An như thăm các di chỉ hang động Tiền sử. Trong đó, thiết kế một số tuyến dẫn tới các hang động Tiền sử nằm hẻo lánh, ở các độ cao khác nhau. Các tuyến đường kết hợp đi qua những địa điểm có cảnh quan thiên nhiên đẹp, có các chứng tích của sự biến đổi mực nước biển hoặc dấu ấn của sự biến động môi trường. Nội dung diễn giải bao gồm lịch sử hình thành di tích, các chứng tích tìm được và ý nghĩa khoa học của chúng.

Hoặc thăm các di chỉ khảo cổ học lịch sử. Theo TS. Lê Thị Liên, do số lượng di tích khảo cổ học lịch sử ngày càng lớn, nội dung phong phú, có thể xây dựng một hoặc nhiều tuyến thăm cho các đối tượng khác nhau với thời lượng khác nhau. Các tuyến thăm có thể kết hợp tới các di tích bảo tồn tại chỗ trong lòng đất (các đoạn tường thành, các khu vực cung điện, hành cung) hay vị trí/ cảnh quan của đô thành cổ (cổng thành, chợ, cầu cổ), các công trình hiện còn trên mặt đất, các điểm có phòng trưng bày ..., các địa điểm liên quan đến các nhân vật hoặc sự kiện lịch sử đáng chú ý. 

Khuyến khích phát triển du lịch xanh, tạo xu hướng phát triển bền vững

Sở Du lịch Ninh Bình cho rằng, trong tương lai những di tích khảo cổ cần tiếp tục được nhận diện, nghiên cứu, bảo tồn tốt, đặc biệt cần được phát huy tốt giá trị trong đó có việc khuyến khích phát triển du lịch xanh, tạo xu hướng phát triển bền vững.

Đổi mới trong những cơ chế chính sách để thu hút đầu tư vào lĩnh vực bảo tồn di sản văn hoá, xây dựng hành lang pháp lý cho việc bảo tồn di sản, phát huy giá trị di sản.

Có cơ chế chính sách để cộng đồng địa phương, thực sự gắn bó với di sản, có trách nhiệm cùng bảo vệ di sản và hưởng lợi từ di sản. Khuyến khích bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể gắn với việc phát triển sản phẩm nông nghiệp địa phương (Phục hồi nghi lễ tế tam sinh trâu-dê-lợn trong lễ hội Hoa Lư, là một ví dụ)

Thực hiện công tác lập quy hoạch bảo tồn di sản, quy hoạch di tích, quy hoạch khảo cổ một cách khoa học bài bản gắn với những kế hoạch, đề án, dự án lộ trình cụ thể cho việc bảo tồn phát huy giá trị di sản cần đi trước một bước.

Đổi mới trong việc xây dựng nguồn nhân lực cho việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản (nhân sự làm nghiên cứu khoa học bảo tồn, lực lượng thuyết minh giới thiệu giá trị di sản chuyên nghiệp).

Đổi mới hình thức diễn giải giá trị di sản, áp dụng công nghệ hiện đại, bước đầu đã làm một phần nhỏ ở khu di tích Hoa Lư (công nghệ trình chiếu Mapping) cho thấy có hiệu quả trong việc thu hút khách du lịch. Trong tương lai cần kết hợp với việc trải nghiệm dân tộc học, từ quá khứ đến hiện tại để tang phần hấp dẫn thu hút khách du lịch.

Tăng cường công tác đầu tư nghiên cứu, nhận diện giá trị di tích để đưa ra phương án cho khách du lịch tiếp cận, dễ dàng nhận biết giá trị di tích thông qua các phương pháp trưng bày hiện đại.

Bảo tồn tốt bối cảnh không gian di tích, không gian sống của người tiền sử bên những hang động, mái đá, thung lũng cần có thêm những tượng sáp để cuốn hút du khách cũng như dễ mường tượng về cuộc sống của người tiền sử. Khu di tích cố đô Hoa Lư cần có thêm những sa bàn giới thiệu toàn cảnh sinh động, các tuyến tường thành cần làm nổi bật thông qua khai quật phục hồi cũng như bối cảnh không gian của chúng, có cửa thành (cửa bộ, cửa nước), không gian quy hoạch khu hoàng thành, cấm thành, cung điện cùng bối cảnh cuộc sống của cư dân thế kỷ 10 cũng cần được nhận diện, phục hồi.

Toạ đàm đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý để có thể xây dựng và hình thành các sản phẩm du lịch Di sản tốt nhất dựa trên các di tích, di vật khảo cổ học kết hợp trải nghiệm dân tộc học, đồng thời đáp ứng được yêu cầu diễn giải các giá trị của Di sản theo khuyến nghị của UNESCO, để Tràng An thực sự là mạch nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa lịch sử và cảnh quan, giữa thiên nhiên và con người, là trung tâm, nền tảng để xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ trong tương lai không xa.

Theo Chinhphu.vn
Bình luận

Tin khác

Back To Top