Ðiện Biên Ðông thiếu nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông

08:49 - Chủ Nhật, 17/09/2023 Lượt xem: 5343 In bài viết

ĐBP - Là một trong những nền tảng vật chất có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, song với huyện vùng cao Ðiện Biên Ðông, hạ tầng giao thông còn nhiều khó khăn. Ðây được xem là một trong những yếu tố cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 

Tuyến đường từ xã Phì Nhừ đi Xa Dung đã xuống cấp nghiêm trọng.

Ông Ðinh Quang Bạo, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Ðiện Biên Ðông cho biết: Hiện nay huyện đang quản lý 11 tuyến đường nội thị, đường huyện và liên xã với tổng số 199,15km. Trong đó, trên 105km đã được rải nhựa hoặc bê tông hóa (đạt 53,18%). 10 xã, thị trấn cơ bản đã có đường nhựa hoặc bê tông đến trung tâm xã. Tuy nhiên qua thời gian khai thác sử dụng, đến nay hầu hết các tuyến đường đều đã xuống cấp và thiếu kinh phí duy tu, bảo dưỡng thường xuyên. Vì vậy việc đi lại, giao thương của người dân rất khó khăn. Bên cạnh đó, hệ thống thoát nước trên các tuyến đường cơ bản chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ, hoàn chỉnh, nên mùa mưa bão thiệt hại do thiên tai gây ra đối với các tuyến đường này rất lớn.

Trong tháng 6, 7 vừa qua, trên địa bàn huyện xảy ra mưa lớn liên tiếp, kéo dài trên diện rộng đã gây sạt lở, ách tắc nhiều đoạn đường thuộc các tuyến đường huyện, liên xã. Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện không được để tắc đường kéo dài nhiều ngày, Phòng Kinh tế - Hạ tầng đã tham mưu UBND huyện hợp đồng với các doanh nghiệp trên địa bàn khẩn trương thực hiện công tác đảm bảo giao thông, tập trung máy móc nhân lực thông tuyến tạm thời tại các điểm sạt lở lớn. Ðiển hình là các tuyến: Phì Nhừ - Xa Dung, Pá Vạt - Háng Lìa - Tìa Dình,  Phì Nhừ - Phình Giàng - Pú Hồng - Mường Nhà và một số tuyến trọng điểm khác. Bên cạnh đó, Phòng cử cán bộ trực tiếp phối hợp với các xã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, huy động sức dân để tổ chức phát tuyến, khơi thông cống rãnh thoát nước, sửa chữa cầu cống tạm, vá ổ gà, san lấp mặt đường, hót đất đá sạt lở có khối lượng vừa và nhỏ để đảm bảo giao thông được thông suốt. Một số xã đã dùng nguồn vốn dự phòng của xã để khắc phục hậu quả, đảm bảo giao thông như: Tìa Dình, Keo Lôm, Luân Giói.

Hiện nay, huyện vẫn còn xã Noong U mới đạt 73,33% nhựa hóa đường từ huyện đến xã (11/15km) và xã Pu Nhi mới đạt khoảng 30% nhựa hóa và bê tông xi măng, còn lại là đường cấp phối. Ðặc biệt, trên địa bàn huyện còn 4 xã chưa có đường nhựa hoặc bê tông đến trung tâm xã với tổng chiều dài khoảng 94km. Dự tính, nhu cầu vốn để thực hiện cứng hóa các tuyến đường này khoảng 940 tỷ đồng; trong khi mỗi năm Nhà nước chỉ đầu tư khoảng 30 - 40 tỷ đồng. Ðối với các tuyến đường do xã quản lý, toàn huyện còn trên 296km đường nông thôn chưa được bê tông hóa, với nhu cầu vốn khoảng 600 tỷ đồng. Trong khi đó, theo nguồn vốn đầu tư công hiện nay mới chỉ đáp ứng 40 - 50 tỷ đồng. Nếu chỉ có nguồn lực đầu tư như vậy thì phải hơn 20 năm nữa Ðiện Biên Ðông mới có thể cứng hóa hết các tuyến đường của huyện.

Ðiện Biên Ðông là huyện 30a còn nhiều khó khăn, trong đó hạ tầng giao thông còn rất hạn chế nên huyện rất cần thêm các nguồn lực đầu tư để xây dựng hạ tầng giao thông, phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo.

Bài, ảnh: Tú Anh
Bình luận

Tin khác

Back To Top