Phát triển cây ăn quả theo hướng bền vững

14:52 - Thứ Hai, 08/01/2024 Lượt xem: 3100 In bài viết

ĐBP - Phát huy tiềm năng, lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, tỉnh Điện Biên chú trọng phát triển các vùng sản xuất tập trung gắn với điều kiện của từng địa phương, đồng thời xây dựng liên kết sản xuất giữa người dân và doanh nghiệp. Trong đó Đề án phát triển cây ăn quả lợi thế, đặc sản theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, bền vững giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án) đã mang lại hiệu quả tích cực.

Hình thành vùng chuyên canh

Đề án phát triển cây ăn quả đã làm thay đổi cách thức lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong phát triển cây ăn quả trên địa bàn; thay đổi nhận thức và phương thức sản xuất của người dân. Theo đó, các địa phương thực hiện cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng cây ăn quả, hình thành các vùng chuyên canh.

Sau 3 năm triển khai Đề án, hiện nay toàn tỉnh có 3.982,5ha cây ăn quả, 1.524,9ha đã cho thu hoạch; sản lượng ước đạt 15.257,8 tấn. Trong đó, huyện Điện Biên có diện tích lớn nhất (1.215ha), tiếp đến là các huyện Tuần Giáo (600ha), Mường Ảng (400ha)... Trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng cây ăn quả tập trung: Dứa (Mường Chà), xoài (Mường Ảng, Tuần Giáo, Điện Biên); quả có múi (huyện Điện Biên, Tuần Giáo, Mường Ảng).

Huyện Mường Ảng hình thành vùng chuyên canh cây ăn quả có múi.

Tại 2 xã vùng cao: Pú Nhung và Rạng Đông (huyện Tuần Giáo), nếu như trước đây người dân chỉ tập trung trồng cây ngô thì những năm gần đây, được sự định hướng, vận động, khuyến khích của cấp ủy, chính quyền địa phương, các hộ dân đã từng bước chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả như: Xoài, bưởi da xanh, dứa… Đến nay, Pú Nhung (100ha) và Rạng Đông (50ha) đã trở thành vùng cây ăn quả tập trung của huyện Tuần Giáo.

Ông Lầu A Sính, Chủ tịch UBND xã Rạng Đông cho biết: Người dân chủ yếu trồng xoài và mít. Năm 2023, bà con thu hoạch lứa quả đầu tiên với tổng sản lượng khoảng 20 tấn và được bao tiêu 100% sản phẩm.

Nhiều diện tích nương ngô, lúa nương tại xã Rạng Đông đã được chuyển đổi sang trồng cây xoài.

Đến hết năm 2023, huyện Tuần Giáo đã có trên 600ha cây ăn quả, trong đó diện tích cho thu hoạch khoảng 400ha. Bà Phạm Thị Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo cho biết: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tuần Giáo nhiệm kỳ 2020 - 2025, huyện đã vận dụng linh hoạt các chính sách, nguồn vốn để mở rộng diện tích cây ăn quả. Đến nay cơ bản hoàn thành mục tiêu nghị quyết, hình thành vùng trồng cây ăn quả tập trung tại các xã: Quài Nưa, Quài Cang, Pú Nhung, Rạng Đông, Mùn Chung, Nà Tòng.

Tương tự, với định hướng và chính sách hỗ trợ phù hợp, diện tích cây ăn quả huyện Nậm Pồ đã tăng lên gần 170ha, gồm: 18,67ha cam; 18,95ha dứa; 16,5ha nhãn; 7ha vải; 28,3ha xoài; 16,5ha mận; 5,2ha bưởi; 52,3ha chuối... Bà Phạm Thị Thu Yến, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nậm Pồ cho biết: Thực hiện Đề án, các xã tăng cường chuyển đổi sang trồng cây ăn quả. Nhiều giống chất lượng tốt được đưa vào trồng, giá trị sản xuất trên diện tích đất canh tác được nâng lên kéo theo thu nhập, đời sống người dân cũng tăng so với trước đây.

Người dân xã Nậm Tin chăm sóc vườn cam.

Xây dựng liên kết bền vững

Xác định xây dựng liên kết sản xuất bền vững giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với người dân là mục tiêu quan trọng, huyện Tuần Giáo đã thực hiện 56 dự án trồng cây ăn quả theo hướng liên kết chuỗi giá trị với tổng diện tích 484,2ha. Bao gồm: 248,1ha xoài; 52,9ha mít; 22ha nhãn chín muộn; 80,9ha lê; 66,9ha bưởi; 13,4ha chanh leo tím. Nhiều diện tích cây ăn quả đã cho thu hoạch, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ dân.

Đến nay, huyện Tuần Giáo có 3ha cây ăn quả được cấp mã số vùng trồng. Năm 2023, huyện Tuần Giáo đã xuất bán trên 100 tấn xoài cho Công ty Cổ phần Rau quả Trung ương, với giá bán 7.500 - 10.500 đồng/kg.

Từ nguồn kinh phí các chương trình mục tiêu quốc gia, huyện Mường Ảng xây dựng dự án “Liên kết sản xuất trong trồng và tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả”, trong đó chú trọng kết nối với các doanh nghiệp uy tín, có năng lực. Doanh nghiệp có trách nhiệm hướng dẫn người dân quy trình kỹ thuật chăm sóc cây, khảo sát thị trường, thực hiện bao tiêu sản phẩm theo đúng hợp đồng và giá cả thỏa thuận. Hiện nay, diện tích cây ăn quả thực hiện liên kết ở Mường Ảng đã nâng lên gần 200ha, 100% diện tích đã cho thu hoạch, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Năm 2022, huyện Mường Ảng có 1 sản phẩm bưởi da xanh của HTX Cây ăn quả sạch được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Gia đình ông Tòng Văn Ông, bản Co Nỏng, xã Búng Lao (huyện Mường Ảng) có 480 gốc xoài Đài Loan. Đến nay, toàn bộ diện tích xoài đã cho thu hoạch và được bao tiêu sản phẩm. Ông Tòng Văn Ông cho biết: Trước đây, diện tích này được gia đình trồng ngô, sắn nhưng sau nhiều năm năng suất thấp, tôi đăng ký tham gia dự án trồng cây ăn quả với mong muốn tìm được hướng đi lâu dài trong phát triển kinh tế. Đến nay, vườn cây mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn các loại cây trồng trước đây.

Ông Tòng Văn Ông, bản Co Nỏng, xã Búng Lao (huyện Mường Ảng) chăm sóc diện tích xoài Đài Loan.

Mục tiêu Đề án đến năm 2025, toàn tỉnh hình thành 5 vùng sản xuất cây ăn quả tập trung, bền vững: Tuần Giáo, Mường Ảng, Điện Biên, Mường Chà và thành phố Điện Biên Phủ với tổng diện tích là 1.800ha; phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh và tạo vùng nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến. Đồng thời, tạo nhiều liên kết bền vững giữa các tổ chức với các hộ gia đình trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả.

Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top