Lắng nghe cơ thể để về đích an toàn

09:33 - Thứ Năm, 02/05/2024 Lượt xem: 5632 In bài viết

Phong trào chạy bộ đang phát triển mạnh tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Chạy bộ cũng như tập luyện thể dục, thể thao là rất đáng khích lệ, giúp cơ thể khỏe mạnh.

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho rằng, người tham gia môn thể thao chạy bộ nên lắng nghe và hiểu được các giới hạn của cơ thể để về đích an toàn.

Tại giải chạy Tay Ho Half Marathon năm 2024 diễn ra vào ngày 14-4, nam thanh niên sinh năm 1990 đã gục ngã khi còn cách vạch đích chỉ khoảng 100m. Bệnh nhân ngay lập tức được cấp cứu, sau đó chuyển đến Bệnh viện Tim Hà Nội cơ sở 2 và chuyển tiếp đến Bệnh viện Bạch Mai. Được biết, bệnh nhân này có tiền sử tăng huyết áp 4 năm, thường xuyên được điều trị bằng Coversyl.

Trước đó, một người đàn ông khoảng 30 tuổi đang chạy bộ tại Công viên Thanh Xuân (Hà Nội) bất ngờ ngã gục, ngừng tuần hoàn. Lập tức, người xung quanh gọi cấp cứu, đưa bệnh nhân vào Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Đáng tiếc, bệnh nhân đã tử vong ngoại viện.

Bác sĩ Ngô Đức Hùng, Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, thời gian gần đây, các giải chạy tổ chức liên tục và con số ngừng tim/chết tăng lên. “Thể thao là đáng khích lệ. Nhưng trước khi tham gia, chúng ta phải biết được các cơ quan trong cơ thể mình hoạt động như thế nào trước khi đổ lỗi cho rủi ro gây ra. Một cơn rối loạn nhịp tim, một tình trạng quá sức sốc nhiệt đều gây ra hậu quả đánh đổi bằng cả tính mạng… Đặc biệt phải nói thêm rằng, trước khi trải nghiệm chạm đến giới hạn, cá nhân sẽ phải có một cuộc kiểm tra sức khỏe nghiêm ngặt để chắc chắn rằng mình không có bệnh lý nào tiềm ẩn”, bác sĩ Ngô Đức Hùng nói.

Đồng quan điểm trên, nhiều chuyên gia y tế cũng cho rằng, các trường hợp tử vong, ngừng tim khi chạy bộ có thể do có vấn đề tim mạch trước đó. Bởi vì khi chạy bộ, nhịp tim thay đổi, tim đập nhanh hơn. Do đó, nếu không kiểm soát tốt sẽ khiến nhịp tim, huyết áp tăng nhanh và xuất hiện các cơn thiếu máu lên não, ngừng tuần hoàn. Đặc biệt, trong quá trình chạy, người bị tăng huyết áp rất khó phát hiện những dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm cho cơ thể. Khi vận động cường độ cao, cơ thể sẽ tiết ra chất Endorphin, giúp cho cơ thể cảm thấy sảng khoái, dễ chịu. Do vậy, đôi khi người chạy khó kiểm soát được bản thân, để huyết áp tăng cao nên dễ đối mặt với mối đe dọa cho sức khỏe.

Trước tình hình phong trào chạy bộ đang ngày càng nở rộ, nhất là khi sắp bước vào mùa hè, phải đối mặt với điều kiện thời tiết nắng nóng, các bác sĩ lưu ý, những người tham gia phong trào chạy bộ cần phải kiểm tra tình trạng sức khỏe trước, tìm hiểu về kỹ thuật chạy. Đặc biệt, người chạy phải biết lượng sức mình để đăng ký cự ly chạy phù hợp, không được quá gắng sức khi thấy cơ thể mệt mỏi hoặc có dấu hiệu bất thường.

Bên cạnh đó, người tham gia chạy nên đến gặp bác sĩ thể thao hoặc huấn luyện viên thể lực để được tư vấn, khám sàng lọc để nắm được liệu bản thân có đang mắc những bệnh liên quan đến tim, phổi, huyết áp, cơ xương khớp, thậm chí thực nghiệm chức năng tim phổi… Đặc biệt cần lưu ý, quá trình kiểm tra sức khỏe bao gồm kiểm tra tổng quát và kiểm tra thể lực, kiểm tra chuyên sâu tim mạch, hô hấp, hệ vận động. Có như vậy mới biết được khả năng và giới hạn của mình đến đâu để thử sức với bộ môn chạy bộ một cách khoa học và an toàn.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top