Giáo dụcKhoa học

Cơ hội lớn từ những con chip nhỏ

09:20 - Thứ Bảy, 10/02/2024 Lượt xem: 9727 In bài viết

Liên tiếp các chuyến thăm cấp cao giữa Hoa Kỳ với Việt Nam và của các hiệp hội, tập đoàn đã phát đi tín hiệu phát triển lĩnh vực chip bán dẫn tại Việt Nam.

Theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện có khoảng 50 doanh nghiệp trong nước với số lượng nhân sự hơn 5.000 kỹ sư đang làm việc trực tiếp trong lĩnh vực này. Việt Nam đứng thứ ba về doanh số xuất khẩu chip bán dẫn sang Mỹ, sau Malaysia và Đài Loan (Trung Quốc). Vì vậy, Việt Nam đang được đánh giá có nhiều tiềm năng để phát triển ngành bán dẫn, có thể trở thành điểm cung cấp nguồn lực kỹ sư bán dẫn cho các công ty nước ngoài.

Tập đoàn Samsung sẽ sản xuất chip bán dẫn tại Việt Nam.

Nhanh chân với những sản phẩm đầu tiên

Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, chỉ trong vòng 1 năm (tháng 2-2022 đến tháng 2-2023), doanh thu từ thị trường Mỹ của ngành chip Việt Nam tăng tới 74,9%, từ 321,7 triệu USD lên 562,5 triệu USD, chiếm 11,6% thị phần. Đây cũng là tháng thứ 7 liên tiếp chip "Made in Vietnam" đạt hơn 10% thị phần tại nước này. Dự tính, với sự chuyển dịch sản xuất, số lượng chip xuất khẩu từ Việt Nam trong thời gian tới sẽ tăng trưởng nhiều hơn.

Chia sẻ với báo chí, ông Trần Đăng Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Hệ thống thông tin FPT (Tập đoàn FPT) cho biết, FPT đã thành lập doanh nghiệp tập trung vào mảng bán dẫn, đồng thời thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Đà Nẵng với mục tiêu hợp tác cùng Đà Nẵng thúc đẩy lĩnh vực chip bán dẫn. FPT đã ra mắt thế hệ sản phẩm đầu tiên là dòng chip nguồn - Power Management IC. Trong đó, chip vi mạch ứng dụng trong sản phẩm internet vạn vật (IoT) ở lĩnh vực y tế ra mắt năm 2022 đã đánh dấu tên tuổi của FPT trên bản đồ công nghệ chip thế giới. Đến đầu năm 2024, FPT sẽ tiếp tục sản xuất dòng chip IoT platform cho ứng dụng thiết bị thông minh.

“Từ năm 2022, chúng tôi có hợp đồng cung cấp chip đầu tiên cho đối tác, với đơn đặt hàng 25 triệu chip trong 2 năm 2024, 2025” - ông Trần Đăng Hòa nói.

Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) cũng công bố nghiên cứu thành công chip 5G, khẳng định Viettel đã làm chủ hạ tầng viễn thông 5G, từ trạm thu phát vô tuyến, thiết bị chuyển mạch, thiết bị truyền dẫn, thiết bị truy cập vô tuyến cho đến mạng lõi.

Kể về quá trình làm chủ thiết kế này, Tiến sĩ Lê Thái Hà, Kỹ sư trưởng công nghệ, Trung tâm Vi mạch, Tổng Công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel (Tập đoàn Viettel) cho biết, là thành phần phức tạp nhất của hệ sinh thái 5G, dòng chip này đóng vai trò xử lý các thuật toán, điều khiển toàn bộ hoạt động của khối thu/chuyển tín hiệu và giao tiếp tốc độ cao với các khối xử lý 5G khác. Chip 5G có năng lực tính toán 1.000 tỷ phép tính/giây và được các đối tác uy tín như Synopsys (Hoa Kỳ) - nhà cung cấp thiết kế vi mạch hàng đầu thế giới - đánh giá cao.

Sản xuất camera AI sử dụng chip bán dẫn tại Tập đoàn Bkav.

Nắm bắt "cơ hội vàng"

Tổng doanh số ngành vi mạch bán dẫn thế giới ước đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2023. Năm 2024, dự báo nhu cầu chip trên toàn thế giới tăng đáng kể. Song làm thế nào Việt Nam có thể tận dụng được sự dịch chuyển sản xuất, cung ứng toàn cầu đang diễn ra, cũng như làm thế nào khai thác hiệu quả các thế mạnh để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, có lẽ là một thách thức không hề nhỏ.

Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT Nguyễn Văn Khoa cho rằng, nghiên cứu làm ra con chip đã khó, đưa chip ra nước ngoài còn khó hơn. Vì vậy, Việt Nam nên phát triển theo lộ trình 3 giai đoạn, trong ngắn hạn: Tập trung thiết kế, đóng gói, kiểm thử; trung hạn bắt tay sản xuất; dài hạn, làm chủ công nghệ lõi. Các lĩnh vực cần tập trung là viễn thông, xe điện, điện toán, năng lượng và hướng đến đưa AI vào mọi con chip. Việt Nam có đầy đủ lợi thế để nắm bắt "cơ hội vàng" trong phát triển chip, đó là chính sách đối ngoại cởi mở, vị thế địa chính trị của Việt Nam, Chính phủ dành sự quan tâm lớn...

Là một trong những doanh nghiệp công nghệ lớn, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel Tào Đức Thắng thông tin, Viettel đã đề xuất hợp tác với Tập đoàn NVIDIA (tập đoàn đa quốc gia chuyên về thiết kế, cung cấp giải pháp, công nghệ về đồ họa và trí tuệ nhân tạo) ở 2 trụ cột của công nghệ AI là: Hạ tầng siêu máy tính và đào tạo nhân lực. Viettel sẵn sàng cùng NVIDIA xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam; cùng NVIDIA xây dựng hạ tầng siêu máy tính sử dụng GPU tại Việt Nam. Viettel cũng đề nghị cùng NVIDIA thành lập trung tâm đào tạo về AI, xây dựng hệ sinh thái, thúc đẩy đổi mới sáng tạo về AI; trung tâm sẽ nằm trong cơ sở đào tạo có sẵn của Viettel với các công cụ và giáo trình do NVIDIA thiết kế, hỗ trợ. “R&D và sản xuất công nghiệp là những lĩnh vực trọng tâm của Viettel. Vì thế Viettel mong muốn hợp tác NVIDIA trong lĩnh vực trên, trở thành mắt xích trong chuỗi cung ứng của NVIDIA tại Việt Nam” - ông Tào Đức Thắng nói.

Để tranh thủ tiềm năng trong phát triển bán dẫn, đại diện các doanh nghiệp cũng đã có các đề xuất Chính phủ hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích sự hợp tác giữa doanh nghiệp trong lĩnh vực bán dẫn tại Việt Nam và trên thế giới. Điều này bao gồm việc đàm phán, ký kết các thỏa thuận thương mại, tạo ra môi trường kinh doanh ổn định, minh bạch, đẩy mạnh việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghệ.

Trong chia sẻ mới đây, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, công nghiệp bán dẫn là ngành công nghiệp nền tảng, trọng yếu quốc gia trong 30 - 50 năm tới. Việt Nam có tới 100 triệu dân, là một thị trường lớn, lại đang ở giai đoạn phát triển nhanh, công nghiệp hóa nhanh, chuyển đổi số nhanh, tiêu dùng điện tử nhiều, nên sẽ là bối cảnh thuận lợi cho ngành công nghiệp bán dẫn nước nhà.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top