Ðào giao thông hào, xây dựng trận địa trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ

09:18 - Thứ Năm, 18/04/2019 Lượt xem: 12962 In bài viết

ĐBP - Trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ, sau khi quân địch mất 3 cứ điểm án ngữ phía Bắc là Him Lam, Ðộc Lập và Bản Kéo, quân địch vô cùng hoang mang lo sợ. Nhưng khi đó, chúng vẫn còn trên 10.000 quân và đóng trên 30 vị trí đều nằm tập trung giữa cánh đồng Mường Thanh. Trên địa hình bằng phẳng, địch có thể phát huy ưu thế về pháo binh, máy bay trong các trận đánh sắp tới. Vì vậy, cấp trên có chủ trương đào giao thông hào, xây dựng trận địa để bao vây và tiến vào gần các cứ điểm của địch, chia cắt các cứ điểm, uy hiếp sân bay tạo điều kiện thuận lợi để đảm bảo chắc thắng cho đợt tấn công tiếp theo.

Nghe trên phổ biến và phân tích những khó khăn thuận lợi, cả đơn vị và từng tiểu đội họp để xác định nhiệm vụ có chung một nhận thức: Việc đào hào từ đường trục tỏa đi các nhánh sẽ tạo thuận lợi cho việc cơ động, di chuyển, giữ được bí mật khi tiếp cận đồn địch. Ðây là việc làm cần thiết và vô cùng quan trọng. Cấp trên yêu cầu đường hào trục phải rộng, sâu ngập đầu người đủ cho các loại pháo 75mm, 120mm vận chuyển và những cáng thương đi lại dễ dàng. Ngoài ra phải đào các đường hào nhánh để tránh nhau khi đưa thương binh về phía sau. Sau khi nghe phổ biến nhiệm vụ đào giao thông hào, xây dựng trận địa, các cán bộ B, C đưa từng tiểu đội trưởng đến vị trí nhận cụ thể và bảo anh em về chuẩn bị các dụng cụ.

Cả ngày anh em được nghỉ, ngủ. Khi mặt trời khuất sau những dãy núi, màn đêm buông xuống, các cánh rừng trú quân của các đơn vị lại sôi động, náo nhiệt, người đi lấy lá ngụy trang, làm vòng ngụy trang cá nhân, người thì chuẩn bị cuốc xẻng, các đồng chí anh nuôi phát cơm nắm, nước uống cho mọi người. Tất cả ngồi chờ lệnh.

Khi được lệnh, từng đoàn người đổ xuống cánh đồng trông cứ như hàng cây chuyển động thật tấp nập. Cán bộ B, C chỉ từng đoạn đã phân công, các tổ nhanh chóng bắt tay vào công việc: người đào, người xúc đất đổ lên bờ, đổ đến đâu ngụy trang ngay đến đó để che mắt địch. Tuy lặng lẽ nhưng ai cũng khẩn trương làm không tiếc sức. Có lúc đang làm thì đèn dù, pháo sáng của địch thả sáng cả một vùng, anh em tạm dừng tay, người thì ngồi, người đứng im như một bụi cây vì địch trong các cứ điểm luôn quan sát động tĩnh. Ngược lại khi có pháo sáng anh em được dịp quan sát cánh đồng Mường Thanh loang lổ đã ố vàng ngang dọc như những sợi dây khổng lồ đang thắt dần vào cổ giặc.

Khi còn cách xa các cứ điểm anh em đứng để đào, xúc. Nhưng khi đã đào gần cứ điểm địch, hết yếu tố bất ngờ thì anh em vừa cúi vừa đào hoặc nằm sấp mà đào. Vì phát hiện tiếng động địch bắn không tiếc đạn nên quá trình đào giao thông hào cũng có lúc xảy ra thương vong nhưng anh em vẫn quyết tâm thực hiện bằng được chỉ đạo của cấp trên. Có khi địch nổ súng gây cản trở, ta cũng sẵn sàng nổ súng đánh trả. Thường là ban ngày chứ bọn địch không dám hành động vào đêm.

Có thể nói chiến hào ta đào càng gần cứ điểm của địch chúng càng run sợ vì thế chúng tìm mọi cách ngăn cản. Cứ đến gần sáng khi ta rút chúng lập tức vừa bắn vừa cho quân ra lấp. Có thể nói ta và địch tranh chấp nhau từng mét chiến hào, ta thì quyết tâm xây dựng, kẻ địch tìm mọi cách phá hoại, san lấp. Tôi nhớ mãi vào một ngày cuối tháng 3/1954, đơn vị đã đào lấn sâu chỉ cách đồn địch hơn 100m thì trời tờ mờ sáng. Anh em được lệnh rút. Ta vừa rút xong bọn địch cho quân ra lấp, phá trận địa. Rút kinh nghiệm, chiều hôm sau khi ra đào đơn vị bố trí sẵn một bộ phận để đánh địch khi chúng ra lấp. Ðúng như dự kiến, ta vừa rút thì bọn địch lùa nhau ra lấp. Chờ cho bọn chúng hành động, một tiếng hô “bắn” lập tức các loại hỏa lực của ta đồng loạt nổ súng làm bọn địch bất ngờ không kịp đối phó, chúng hoảng loạn chen nhau chạy có tên chết tại chỗ, số bị thương kêu la và khiêng nhau chạy về đồn.

Việc bố trí lực lượng đánh trả không phải chỉ riêng mũi chúng tôi mà các đơn vị khác cũng rút kinh nghiệm và làm theo. Từ đó đã ngăn chặn được việc lấp hào của bọn địch.

Trừ những đơn vị sẵn sàng đánh địch, còn đơn vị tôi nhiệm vụ chính là đào chiến hào, xây dựng trận địa. Có thể nói cuộc chiến đấu thầm lặng chỉ bằng cuốc, xẻng để tạo ra những giao thông hào ngày càng thắt chặt vào đồn thù tưởng như đơn giản nhưng cũng thật vô cùng khó khăn gian khổ và ác liệt. Ngoài việc bỏ ra công sức, mồ hôi có khi còn hy sinh cả xương máu và không chỉ 1 ngày, một tuần mà liên tục trong nhiều ngày. Chả thế có đồng chí mệt quá tranh thủ dựa vào vách hào nghỉ buồn ngủ quá để xẻng rơi khỏi tay và ngủ luôn. Khi tiếng súng của địch bắn cầm canh vội choàng tỉnh vơ lấy dụng cụ tiếp tục công việc. Trung bình một đêm, ngày anh em phải lao động từ 14 đến 15 tiếng đồng hồ.

Ngoài đào hào, anh em còn đào hầm hàm ếch để rút ngắn cự ly đi lại, tranh thủ cho bộ đội nghỉ, tránh phi pháo của địch. Theo lệnh trên, mỗi tổ Tam Tam đào 1 hầm ven đường trục chính cao 1m, rộng đủ cho tổ nằm và lát cành cây ngụy trang. Tổ nào may lấy được dù hàng của địch chưa phải nộp thì trải chỗ nằm được êm hơn. Sau một đêm đào hào, làm trận địa, đơn vị cử người về phía sau lấy cơm, nước uống, còn lại về các hầm hàm ếch nghỉ, ngủ. Trong lúc chờ cơm, anh em tranh thủ chơi vài ván tú lơ khơ, có đồng chí cắt những bức ảnh của Báo Quân đội Nhân dân trang trí trong hầm để hầm vừa sạch lại vui mắt. Nhờ có hầm hàm ếch anh em không phải đi lại nhiều, sức khỏe được bảo đảm.

Khi trời mưa thì việc đào hào, xây trận địa và làm các việc khác rất bất lợi, bởi đường hào lõng bõng nước. Nhưng do yêu cầu của trên dù mưa anh em vẫn tiếp tục công việc. Có đêm đi làm về trông anh nào cũng lấm như ma lem, tóc đỏ hoe, quần áo bết đất, mặt hốc hác vì thiếu ngủ, ấy thế nhưng vẫn cười hát rất vui. Ðặc biệt bài “Qua miền Tây Bắc” của nhạc sĩ Nguyễn Thành lại vang lên rất yêu đời.

Là người lính của Sư đoàn chủ lực đã từng tham gia nhiều chiến dịch thời đánh Pháp, cũng đào hầm, hào, công sự nhưng chưa có chiến dịch nào mà công sức của bộ đội phải bỏ ra nhiều để đào hàng trăm ki lô mét đường hào trục và các đường hào ngang dọc như chiến dịch Ðiện Biên Phủ.

Nhờ chủ trương sáng suốt của trên, hợp với việc “đánh chắc, tiến chắc” việc đào hào, xây dựng trận địa đã tạo thuận lợi cho việc giấu lực lượng khi cơ động đánh địch, mang vác, hay việc cáng thương binh, tránh được phi pháo địch, hạn chế rất nhiều thương vong trong tác chiến, tăng sức mạnh cho toàn mặt trận đánh thắng quân Pháp trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ lịch sử.

***

Nhân kỷ niệm 65 năm chiến thắng Ðiện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2019) tôi viết những dòng suy nghĩ và việc làm đã trải qua để ôn lại một thời gian khổ nhưng đầy vinh quang mà tuổi trẻ chúng tôi đã đi qua. Mong muốn những người lính Ðiện Biên Phủ năm xưa giờ đã ở tuổi xưa nay hiếm nhớ lại với niềm tự hào trong cuộc đời đã góp phần nhỏ bé tạo nên thiên sử vàng vô cùng sáng chói như nhà thơ Tố Hữu viết:

“Chín năm làm một Ðiện Biên

Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”.

Lê Trung Kiên

(Nguyên chiến sĩ Trung đoàn 88, Ðại đoàn 308)

Bình luận
Back To Top