Mường Nhé nỗ lực phổ cập giáo dục, xóa mù chữ

06:21 - Chủ Nhật, 29/05/2022 Lượt xem: 4913 In bài viết

ĐBP - Xác định công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ là một trong những nhiệm vụ then chốt hướng tới mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, những năm qua huyện Mường Nhé đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, nâng tỉ lệ chuẩn phổ cập giáo dục xóa mù chữ trên địa bàn.

Hiện nay, huyện Mường Nhé được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở mức độ 2. Trong ảnh: Tiết dạy và học của cô trò Trường PTDTBT Tiểu học Leng Su Sìn.

Mường Nhé là huyện biên giới điều kiện kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, là nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số, trình độ dân trí không đồng đều. Trong khi đó một bộ phận dân cư chưa nhận thức rõ, chưa quan tâm, tạo điều kiện cho con em đi học. Công tác chỉ đạo của một số cấp ủy Đảng, chính quyền xã còn có những hạn chế nhất định trong thực hiện công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Những nguyên nhân trên ảnh hưởng đến việc tuyên truyền, huy động, duy trì số lượng học sinh ra lớp và tỷ lệ chuyên cần của học sinh.

Ông Phạm Thuyết Chùy, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé cho biết: Trước những khó khăn, hạn chế đó, Phòng đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đoàn thể huyện, chính quyền các xã đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ trên địa bàn. Bên cạnh việc xây dựng, duy trì chất lượng phổ cập trong các nhà trường, thì đặc biệt quan tâm rà soát đến đối tượng độ tuổi từ 15 - 60 tuổi chưa biết chữ. Từ đó phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện mở các lớp xóa mù chữ tại các bản. Ngoài ra, huyện Mường Nhé phối hợp chặt chẽ với lực lượng bộ đội biên phòng trong công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ, bởi tỷ lệ người mù chữ, tái mù của huyện tập trung nhiều ở khu vực biên giới.

Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc huyện và các tổ chức thành viên vào cuộc tích cực; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, duy trì mạng lưới trường lớp, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Thực hiện lồng ghép với các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội. Điển hình là thực hiện Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Cống tỉnh Điện Biên, giai đoạn 2011 - 2020”, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo mở các lớp xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ cho học viên dân tộc Cống trên địa bàn huyện Mường Nhé.

Nhờ nỗ lực triển khai thực hiện các giải pháp, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền các cấp, công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ trên địa bàn huyện Mường Nhé thời gian gần đây đạt được kết quả quan trọng. Đến nay, huyện Mường Nhé có 11/11 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; có 100% xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 và 8/11 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3. Huyện Mường Nhé được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở mức độ 2; 100% số xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2; có 3 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3.

Về kết quả công tác xóa mù chữ, trong năm 2021, toàn huyện có trên 15.900 người trong độ tuổi 15 - 35 được công nhận đạt chuẩn biết chữ mức độ 1 (đạt tỷ lệ 98,8%); hơn 9.000 người trong độ tuổi 15 - 25 được công nhận đạt chuẩn biết chữ mức độ 1 (đạt 99%). Toàn huyện có trên 22.250 người trong độ tuổi 15 - 60 được công nhận đạt chuẩn biết chữ mức độ 2 và hơn 15.500 người trong độ tuổi từ 15 - 35 được công nhận đạt chuẩn biết chữ mức độ 2. Đến nay, huyện Mường Nhé được công nhân đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2;  trong đó 100% xã trên địa bàn được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1 và mức độ 2.

Thời gian tới, ngành Giáo dục - Đào tạo huyện Mường Nhé tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đoàn thể tăng cường tuyên truyền, vận động người dân chưa biết chữ đi học; rà soát, thống kê nhu cầu để tổ chức lớp xóa mù chữ, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ. Từ đó nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, nâng cao dân trí góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Bài, ảnh: Quốc Huy
Bình luận

Tin khác

Back To Top