Đối thoại, lắng nghe và tháo gỡ vướng mắc cho dân

07:45 - Thứ Ba, 14/06/2022 Lượt xem: 46351 In bài viết

ĐBP - Chỉ trong vòng nửa tháng, Thủ tướng Chính phủ đã có 2 buổi đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và những khó khăn vướng mắc của nông dân, công nhân, người lao động. Mỗi buổi gặp gỡ, đối thoại, người đứng đầu Chính phủ lắng nghe những chia sẻ, bức xúc của người dân để từ đó chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho nhân dân. Những buổi gặp gỡ, đối thoại như vậy người dân rất đồng tình nhưng điều cần hơn cả là những vấn đề nông dân, công nhân bức xúc, vướng mắc đã nêu ra, đề xuất phải có sự giải quyết thỏa đáng, thấu tình, thể hiện rõ sự chia sẻ với người dân.

Cuộc gặp gỡ, đối thoại của Thủ tướng Chính phủ với nông dân được tổ chức ngày 29/5 tại tỉnh Sơn La. Hơn 500 đại biểu trong đó 300 nông dân tiêu biểu toàn quốc có mặt tham dự trực tiếp tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Sơn La cùng đại biểu nông dân ở 63 điểm cầu các tỉnh, thành trong cả nước. Với chủ đề “Tiếp sức, hỗ trợ nông dân, phục hồi, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững”, nông dân cả nước đã gửi 1.600 câu hỏi về các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn tới người đứng đầu Chính phủ. Hội Nông dân Việt Nam đã tổng hợp và phân chia những vấn đề nông dân hỏi thành 8 nhóm vấn đề chủ yếu gồm: Nhóm giải pháp nhằm khôi phục sản xuất nông nghiệp sau dịch Covid-19, nhất là tình hình giá cả vật tư nông nghiệp đầu vào tăng cao; vấn đề đất đai và cơ chế để người nông dân, hợp tác xã được giao đất lâu dài, ổn định sản xuất; về thúc đẩy chuỗi liên kết giữa nhà nông - doanh nghiệp, đặc biệt phát huy vai trò của hợp tác xã nông nghiệp; vốn, tín dụng cho nông nghiệp, nông dân; vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn; về đào tạo nghề cho lao động nông thôn; vấn đề di cư lao động từ nông thôn lên thành phố và giải pháp để ly nông nhưng không ly hương; các vấn đề về biến đổi khí hậu, phát triển và giữ rừng, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Các vấn đề, nội dung đề xuất, kiến nghị của nông dân Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương phối hợp bình tĩnh giải quyết, làm đến đâu chắc đến đó. Đồng thời yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải thường xuyên tổ chức đối thoại với nông dân để phân cấp, giải quyết các vấn đề liên quan nông thôn, nông nghiệp, nông dân kịp thời, phù hợp với địa phương…

Trong cuộc gặp gỡ, đối thoại với công nhân, người lao động tổ chức ngày 12/6 tại tỉnh Bắc Giang có chủ đề “Công nhân Việt Nam với khát vọng phát triển đất nước”, Thủ tướng đã lắng nghe công nhân đề cập nhiều vấn đề nóng như chính sách hỗ trợ Covid-19, tình trạng rút BHXH một lần tăng, các vấn đề về lương, nhà ở, trường học... 4.500 công nhân lao động tại điểm cầu chính tỉnh Bắc Giang và 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố cùng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tham dự buổi đối thoại với Thủ tướng, mong muốn được người đứng đầu Chính phủ lắng nghe, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nâng cao đời sống người công nhân.

Thấu hiểu những mong muốn, nguyện vọng của công nhân, người lao động, Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với các cơ quan tổ chức cuộc đối thoại để Chính phủ cùng các bộ, ngành lắng nghe, chia sẻ, thấu hiểu và cùng có trách nhiệm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho công nhân, người lao động. Trên cơ sở các câu hỏi, ý kiến đề xuất của công nhân, người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổng hợp tập trung vào 10 vấn đề nhằm tìm giải pháp tốt nhất cả trước mắt và lâu dài để nâng cao đời sống công nhân, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, nhân dân được ấm no, hạnh phúc. Chia sẻ với những khó khăn trong đời sống của công nhân khi làm việc xa nhà, thu nhập thấp, Thủ tướng Chính phủ thông báo Chính phủ đã ban hành Nghị định 38/2022 quy định mức lương tối thiểu, theo đó sẽ tăng lương tối thiểu từ ngày 1/7/2022 cho người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

Ngoài vấn đề tăng lương tối thiểu, công nhân, người lao động quan tâm kiến nghị 9 nhóm vấn đề khác, gồm: Rà soát, sửa đổi toàn diện pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo đảm quyền lợi của công nhân lao động; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc giải quyết chế độ, chính sách, các gói hỗ trợ công nhân lao động; vấn đề quy hoạch, dành quỹ đất và tháo gỡ cơ chế, chính sách để triển khai xây dựng nhà ở, nhà trẻ, trường học, nơi khám chữa bệnh, nơi sinh hoạt văn hóa cho công nhân lao động; chính sách hỗ trợ tín dụng cho công nhân lao động; công tác đào tạo nghề, tạo điều kiện để công nhân nâng cao trình độ, kỹ năng nghề; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, xử lý nghiêm tình trạng vi phạm pháp luật của người sử dụng lao động đối với người lao động; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự tại nơi làm việc, nơi ở của công nhân lao động; vấn đề giá nhà trọ, giá điện, giá nước sinh hoạt bị một bộ phận chủ nhà trọ đẩy lên cao…

Từng nhóm vấn đề công nhân, người lao động kiến nghị đã được Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành trả lời cụ thể; đồng thời yêu cầu bộ, ngành phối hợp với chính quyền địa phương trong triển khai các chính sách hỗ trợ công nhân, người lao động đảm bảo kịp thời. Người đứng đầu Chính phủ đã làm rõ những việc đã làm được, chưa làm được, những giải pháp thời gian tới, có bước đi phù hợp, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người lao động nói chung, trong đó có công nhân.

Rõ ràng, qua các buổi đối thoại giữa người đứng đầu Chính phủ với nông dân, công nhân cho thấy sự trách nhiệm, mong muốn lắng nghe để chia sẻ và nắm tình hình thực tế, từ đó có những chỉ đạo sát sao, kịp thời. Những khó khăn, vướng mắc của người dân được thông tin tới Thủ tướng để có thể tháo gỡ về cơ chế, chính sách và giải quyết những vấn đề thuộc tầm vĩ mô hoặc cần sự phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong tổ chức thực hiện, giải quyết. Mặc dù vậy, không ít vấn đề đã được người dân kiến nghị, đề xuất từ những cuộc đối thoại trước đó nhưng chưa được giải quyết triệt để. Vì vậy, trước các cuộc đối thoại, cơ quan chuyên môn cần có sự tổng kết, xem xét những vấn đề, nội dung kiến nghị từ các cuộc đối thoại trước đã giải quyết, xử lý ra sao để có hướng tháo gỡ, giải quyết phù hợp.

Các cuộc tiếp xúc, đối thoại với nhân dân từ cấp Chính phủ tới các địa phương thể hiện trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong nắm tình hình, giải quyết các vấn đề bức xúc, vướng mắc của nhân dân. Qua các cuộc gặp gỡ, đối thoại cũng đã góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền; là chủ trương đúng đắn, được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Gia Huy
Bình luận
Back To Top