Sự kiện và bình luận

Giám sát lời hứa

17:38 - Thứ Năm, 17/11/2022 Lượt xem: 64060 In bài viết

ĐBP - Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra sớm hơn dự kiến, với nhiều nội dung được đưa ra bàn thảo, chất vấn. Sau kỳ họp, các đại biểu Quốc hội thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri, báo cáo những nội dung đã thảo luận, vấn đề cử tri gửi gắm và tiếp thu ý kiến cử tri cho kỳ họp tiếp theo. Điều cử tri quan tâm, mong mỏi hơn cả là việc thực hiện lời hứa của các đại biểu trước cử tri, đưa vấn đề cử tri quan tâm tới nghị trường và việc giải quyết những vướng mắc, tồn tại ở cơ sở. Để qua đó cử tri giám sát việc thực hiện lời hứa của đại biểu trong mỗi lần tiếp xúc, ghi nhận ý kiến cử tri.

Ngay sau kỳ họp thứ 4, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên tổ chức tiếp xúc cử tri tại huyện miền núi biên giới Nậm Pồ. Về với cử tri vùng cao, ngoài báo cáo nội dung kỳ họp, các đại biểu Quốc hội đã vận động, kết nối thực hiện chương trình chăn ấm cho vùng cao, tặng quà gia đình chính sách, hộ nghèo. Đây là hoạt động thiết thực, ý nghĩa, làm ấm lòng cử tri đồng thời thể hiện trách nhiệm của người đại biểu nhân dân không chỉ là cầu nối đưa tâm tư, nguyện vọng của cử tri đến nghị trường mà còn quan tâm đời sống của người dân, hỗ trợ để người dân giảm bớt khó khăn trong cuộc sống.

Trước kỳ họp thứ 4, các đại biểu Quốc hội tỉnh đã tiếp xúc cử tri, ghi nhận, tổng hợp kiến nghị của cử tri. Theo đó, cử tri trong tỉnh kiến nghị một số vấn đề liên quan việc thực hiện chính sách cho hộ nghèo, các cơ chế liên quan chương trình xây dựng nông thôn mới ban hành từ lâu không còn phù hợp với tình hình hiện nay, việc thực hiện các chương trình dự án trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn vướng mắc… Những vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ngành tỉnh đã được giải thích, trả lời ngay tại cuộc tiếp xúc; các vấn đề thuộc cấp cao hơn được đại biểu Quốc hội tỉnh tổng hợp để có ý kiến đóng góp xác đáng tại các phiên họp của Quốc hội.

Tham gia kỳ họp, các đại biểu Quốc hội tỉnh đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri và nhân dân, nghiên cứu tài liệu kết hợp nắm tình hình thực tiễn và chắt lọc phản ánh, kiến nghị của cử tri để có ý kiến xác đáng, đóng góp, thảo luận các dự thảo luật, nội dung kỳ họp.

Tại kỳ họp thứ 4 vừa qua, theo đánh giá của phần lớn cử tri, những vấn đề, nội dung đưa ra chất vấn khá phù hợp với sự mong mỏi của cử tri. 4 nhóm vấn đề được chất vấn gồm: lĩnh vực xây dựng, lĩnh vực thông tin truyền thông, lĩnh vực nội vụ và lĩnh vực thanh tra đều là những nội dung được đông đảo cử tri quan tâm. Các phiên thảo luận tại hội trường và thảo luận tổ, nhiều đại biểu đã nói lên tiếng nói của cử tri, chất vấn, tranh luận việc xử lý, giải quyết các vấn đề tại địa phương, đơn vị; không ít thắc mắc, phản ánh của cử tri đã được làm rõ… Báo cáo sau kỳ họp tại các buổi tiếp xúc cử tri giúp cử tri biết được lời hứa của đại biểu đã thực hiện đến đâu, vướng mắc chỗ nào bởi không phải lời hứa nào cũng có thể được thực hiện trọn vẹn; không phải vấn đề nào cử tri quan tâm, bức xúc cũng được tổng hợp, phản ánh đầy đủ. Tuy nhiên, không ít vấn đề đã được cử tri phản ánh, kiến nghị từ kỳ họp này tới kỳ họp khác nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để. Những lời hứa của các trưởng ngành, bộ trưởng trước nghị trường Quốc hội như sẽ “xử lý dứt điểm”, “không để tồn tại”, “xin chịu trách nhiệm”… cử tri đã nghe quen tai nhưng vấn đề vẫn kéo dài từ kỳ họp trước sang kỳ họp sau, nhiều công trình, dự án treo năm này qua năm khác…

Tình trạng bỏ việc của giáo viên, bác sĩ, nhân viên y tế ở nhiều địa phương được phản ánh khá nhiều tại kỳ họp thứ 4 nhằm tìm giải pháp phù hợp. Vì vậy, việc tăng lương cơ sở từ ngày 01/7/2023 được xem là một trong những giải pháp quan trọng tháo gỡ tình trạng bỏ việc của công chức, viên chức. Nhiều đại biểu cho rằng, việc tăng lương, cải cách chính sách tiền lương được làm sớm hơn sẽ hạn chế rất nhiều số công chức, viên chức nghỉ việc, bỏ việc.

Không phải lời hứa nào cũng dễ thực hiện, nhất là những vấn đề liên quan quốc kế dân sinh, tác động toàn diện đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân. Với các đại biểu Quốc hội, cử tri mong muốn đại biểu truyền tải đầy đủ, đúng kiến nghị, phản ánh tới Quốc hội và các bộ, ngành chức năng để được xử lý, giải quyết. Do đó, sau các phiên chất vấn, Quốc hội đều ban hành nghị quyết giám sát việc thực hiện lời hứa của bộ trưởng, trưởng ngành khi trả lời vấn đề đại biểu chất vấn. Điều này tạo điều kiện để cử tri giám sát việc thực hiện lời hứa trước Quốc hội.

Rõ ràng, việc tổng hợp, ghi nhận ý kiến cử tri phản ánh tới Quốc hội, chất vấn các bộ, ngành là vấn đề đại biểu Quốc hội đã thực hiện trước mỗi kỳ họp. Điều cử tri mong muốn là việc thực thi lời hứa của lãnh đạo các bộ, ngành để khắc phục những tồn tại, giải quyết những vướng mắc. Và như vậy, cần thiết có báo cáo giám sát, đánh giá cụ thể việc thực hiện lời hứa của các bộ, ngành trước đại biểu, trước Quốc hội.

Hà Anh
Bình luận
Back To Top