Tiến đến Olympic 2016: Chỉ ngại chấn thương

14:26 - Thứ Ba, 26/07/2016 Lượt xem: 3171 In bài viết
Tay vợt Vũ Thị Trang thừa nhận không kịp bình phục hoàn toàn chấn thương gót chân trước khi bước vào thi đấu tại Olympic 2016. Hai tuần là quãng thời gian quá ngắn, chỉ đủ giúp cô tiêm thuốc giảm đau để thi đấu, phong độ vì thế sẽ bị ảnh hưởng khá nhiều.

Trong khi đó, tay vợt Nguyễn Tiến Minh mặc dù không chấn thương nhưng việc vắt kiệt sức lực ở nhiều giải đấu quốc tế diễn ra trong năm khiến anh không còn duy trì được sự nhanh nhẹn và sức mạnh trong các pha tấn công. Chưa kể, tay vợt 33 tuổi này cũng vừa dứt cơn sốt và chưa hết mỏi mệt sau vài ngày bệnh cảm cúm hành hạ, vì thế vấn đề thể lực suy giảm là điều hiển nhiên.

 

Chấn thương luôn là nỗi ám ảnh của các VĐV.

Đấy là 2 trường hợp vận động viên (VĐV) mới nhất của đoàn thể thao Việt Nam phải điều trị tích cực và bằng mọi giá trước giờ lên đường. Tuy nhiên, còn có những VĐV vẫn đang âm thầm sống chung với chấn thương, “Nữ hoàng thể dục dụng cụ” Phan Thị Hà Thanh và đồng nghiệp Phạm Phước Hưng là những bằng chứng sống động nhất.

Suốt 19 năm theo đuổi môn thể dục dụng cụ, Hà Thanh không dưới vài chục lần dính chấn thương, có thể xếp vào tốp nhiều nhất trong làng thể thao Việt Nam. Cô gái vàng của đội tuyển thể dục dụng cụ hiện  vẫn đang thi đấu trong tình cảnh chấn thương ở nhiều bộ phận trên cơ thể (cổ, đầu gối, hông, vai, tay…). Tương tự, Phước Hưng cho biết anh từng suýt từ bỏ nghiệp VĐV vì căn bệnh lao xương, nhiều lần phải điều trị chấn thương lưng, vai, tay và đầu gối. Chấn thương tưởng chừng đã tước bỏ cơ hội giành vé ở vòng loại Olympic vừa rồi của anh và đội tuyển thể dục dụng cụ. Cho đến hiện tại, nghĩa là chỉ còn hơn 1 tuần trước thời điểm khởi tranh Olympic 2016, Phước Hưng vẫn chưa hết đau lưng.

Ở đội tuyển cử tạ, Thạch Kim Tuấn và Trần Lê Quốc Toàn là những VĐV dễ dính chấn thương cả trong tập luyện lẫn thi đấu, bởi lẽ khối lượng vận động của họ luôn cao hơn nhiều so với các đồng nghiệp. Cử tạ là môn kỳ vọng giành huy chương, nên giúp các lực sĩ tránh chấn thương, giảm bớt khối lượng của giáo án tập luyện là những điều mà các HLV đang thực hiện.

Trong đoàn thể thao Việt Nam đến Rio de Janeiro 2016, có 2 bác sĩ chuyên khoa thể thao Nguyễn Trọng Hiền và Nguyễn Văn Phú. Mặc dù chỉ có 23 tuyển thủ, nhưng khối lượng công việc của họ không hề ít, nhất là khi các niềm hy vọng của thể thao Việt Nam thi đấu ở cường độ cao để tranh chấp thành tích.
Theo SGGP
Bình luận
Back To Top