Tản văn

Ði qua mùa hạ

09:01 - Thứ Năm, 10/06/2021 Lượt xem: 3678 In bài viết

ĐBP - Trưa hè hun nắng hầm hập. Từng gương mặt nhễ nhại. Tiếng còi xe, tiếng động cơ cháy khét. Chợt thèm vị ngọt mát của ly thạch găng. Quán nước bà Bình mái tranh nâu nép dưới gốc cây bàng là thiên đường với đám trẻ con quê tôi ngày ấy. Một cái bàn nhỏ bày dăm ba chiếc cốc thủy tinh và bốn thanh ghế dài xếp vuông vắn xung quanh. Chỉ có thế thôi mà khiến đám trẻ con mê tít thò lò.

Ðược mẹ cho năm trăm, một nghìn đồng tiền bán tóc rối hay đồng nát, lũ chúng tôi rồng rắn kéo nhau náo động cả quán bà Bình. Bà mở chiếc vung nồi, mùi thơm dìu dịu tỏa ra đủ khiến những gương mặt đang héo queo bừng tỉnh.

Ðôi mắt đám trẻ quê nghèo hau háu nhìn không rời theo đôi tay bà thoăn thoắt. Vỏ lon bia cắt đôi hớt từng lát thạch nõn nường, dẻo mượt, sóng sánh, bồng bềnh nối đuôi nhau trượt vào ly. Rồi bà chan thêm mấy muỗng nước đường thoang thoảng hương hoa nhài, vài giọt tinh dầu chuối nồng nàn và ít đá viên đập nhỏ bên trên. Từng thìa thạch găng vừa chạm vào đầu lưỡi mà cảm giác mát lạnh đã chạy thẳng vào tâm can. Ðứa nào đứa nấy dốc ngược ly, húp xoàn xoạt đến tận những giọt cuối cùng rồi lại thòm thèm, ngấp nghển muốn ăn thêm cốc nữa.

Chúng tôi mê thạch găng bà Bình là còn bởi giọng kể chuyện ấm như chuông chùa của bà. Bà kể chuyện cổ tích, chuyện ngày xưa, chuyện về vùng đất xa xôi nơi bà đến. Bà Bình thương lũ trẻ quê nghèo chúng tôi. Bà thường múc thêm cho mỗi đứa vài muôi thạch. Ðứa nào không có tiền, bà cho ăn chịu mà không trả cũng chẳng sao.

Ði qua bao mùa nắng cháy, ăn thạch găng ở nhiều nơi nhưng chẳng thể tìm lại được mùi vị thân thương ngày ấy. Có lẽ mỗi món ăn đều có linh hồn, chất chứa câu chuyện, tình cảm của người làm ra.

Đào Mạnh Long
Bình luận
Back To Top