Video

Phòng chống HIV ở Mường Chà

Khó chồng thêm khó

Thứ Hai, 15/10/2018 09:22 Lượt xem: 8974 In bài viết

ĐBP - Chị Lò Thị Sen (36 tuổi) là 1 trong 9 ca nhiễm HIV tại bản Co Đứa, xã Na Sang, huyện Mường Chà, đang được quản lý. Lấy chồng cách đây 12 năm, sinh được 2 người con thì không may cả chị và đứa con thứ 2 đều lây nhiễm HIV từ chồng. Hiện nay chồng chị đã bỏ đi làm ăn xa không về. Trong túp lều tranh rách nát giờ chỉ còn chị và con ngày lại ngày chăm sóc nhau. Sức khỏe ngày một yếu đi, mới đây chị lại phát hiện đang mang thai đứa con thứ 3; trong khi đó, sự kỳ thị vẫn chưa hẳn đã được xóa bỏ, khiến chị càng lo cho tương lai của những đứa trẻ.

Là một trong những xã có tỷ lệ người nghiện ma túy cao nhất toàn huyện, Na Sang đồng thời cũng là địa bàn “nóng” về HIV/AIDS. Tuy nhiên, ý thức tuân thủ điều trị của người có HIV ở đây không được đánh giá cao. Nghèo đói và cách trở về giao thông là những lý do người bệnh thường đưa ra cho việc không tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị.

Lũy tích số người nhiễm HIV trên địa bàn huyện Mường Chà cho đến thời điểm hiện tại là 259 người, rải khắp 12/12 xã, thị trấn. Trong đó, 9 tháng qua phát hiện 5 người nhiễm mới, 3 người đã tử vong. Qua phân tích từ cơ quan chuyên môn, việc lây nhiễm mới HIV trên địa bàn hiện nay có xu hướng chuyển dịch về các khu vực vùng sâu, vùng xa nên gây khó khăn cho quá trình kiểm soát. Ngoài ra, nhiều trường hợp vẫn chưa nhận thức đầy đủ về bệnh nên không tuân thủ điều trị cũng như phòng lây nhiễm cho người khác.

Quan điểm về HIV hiện nay đã tiến bộ hơn, HIV không còn là căn bệnh thế kỷ, hay đại dịch, mà được xem là một bệnh mãn tính tương tự viêm gan B, C… Tuy nhiên, trong khi sự thiếu ý thức tuân thủ điều trị hiện đang là khó khăn lớn nhất, thì việc triển khai áp dụng khám chữa bệnh theo BHYT trong điều trị HIV/AIDS, với những ràng buộc pháp lý lại càng làm tăng thêm thách thức và nguy cơ tái “bùng nổ” HIV ở các địa bàn vùng cao Mường Chà.

Hà Linh

Back To Top