Video

Khát vọng gieo chữ vùng cao

Thứ Bảy, 14/11/2020 10:23 Lượt xem: 15005 In bài viết

ĐBP - Một buổi sáng của cô giáo Đinh Thị Thu Trang, giáo viên duy nhất tại Điểm trường Tiểu học Nậm Hà (thuộc Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Mường Toong số 1, xã Mường Toong, huyện Mường Nhé) thường bắt đầu từ 5 giờ sáng. Công việc đầu tiên của cô là soạn giáo án, chuẩn bị cho một ngày dài lên lớp dạy học cho các em học sinh tại điểm trường.

Chưa đến 30 tuổi nhưng cô giáo Trang đã có 8 năm dạy học tại các điểm trường vùng cao trong xã Mường Toong. Riêng tại Điểm trường Tiểu học Nậm Hà (thuộc bản Nậm Hà), cô giáo Trang cũng đã gắn bó được 7 năm. Đây là bản thuộc diện xa xôi, khó khăn bậc nhất của xã Mường Toong; bởi đường giao thông từ trung tâm xã vào bản dài gần 20km vẫn còn là đường đất; bản lại chưa có điện, thiếu nguồn nước sạch và chưa được phủ sóng điện thoại. Chính vì thế, những năm tháng gieo chữ ở nơi đây, cô giáo Trang gặp vô vàn khó khăn, trở ngại. Trong đó, nỗi nhớ nhà, nhớ chồng và 2 con nhỏ ở quê cứ thường trực trong tâm trí cô giáo trẻ. Song, bằng khát vọng gieo chữ cho trẻ vùng cao, cô giáo Trang có thêm động lực để hy sinh thời gian dành cho gia đình và gắn bó với Điểm trường Tiểu học Nậm Hà như mái nhà thứ hai của mình.

Điểm trường Tiểu học Nậm Hà hiện có 10 học sinh người dân tộc Dao và Mông. Các em đang theo học lớp 1 và lớp 2. Chính vì thế, lớp học của cô Trang luôn phải tổ chức thành một lớp ghép. Mỗi buổi lên lớp, cô Trang rất bận rộn, bởi phải cầm tay, uốn nắn từng nét chữ cho các em lớp 1; lại vừa phải chỉ bảo, tính toán cộng trừ cho học sinh lớp 2.

Bận rộn là thế, nhưng cô giáo Trang vẫn dành thời gian chia sẻ, tâm sự với học sinh và dạy các em thể dục, vui chơi. Do đó, Điểm trường Tiểu học Nậm Hà luôn trở nên ấm áp, vui tươi và tràn ngập tiếng cười của trẻ; khiến phụ huynh trong bản Nậm Hà yên tâm hơn khi gửi gắm con em theo học tại trường.

Ở các điểm trường khác thuộc Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Mường Toong số 1 cũng có nhiều thầy, cô giáo trẻ đang gắn bó nhiều năm với khát vọng gieo chữ cho học sinh vùng cao. Như tại Điểm trường Tiểu học Tà Hàng, hiện có 5 thầy, cô giáo đang dạy học cho gần 100 học sinh là con em trong bản Tà Hàng, xã Mường Toong. Trong số đó, thầy giáo Nguyễn Chí Thông là người có thâm niên dạy học ở đây lâu nhất, với 10 năm dìu dắt cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 tại điểm trường.

Khi vừa tốt nghiệp ngành Sư phạm, thầy giáo Thông đã xung phong, tình nguyện đi vùng cao dạy học. Khi được phân công công tác về bản Tà Hàng,  thầy giáo Thông đã từng bước chỉ bảo, rèn luyện cho nhiều thế hệ học sinh trong bản, để các em thêm hành trang kiến thức, học lên cấp 2, cấp 3. Sống xa nhà tới hàng trăm cây số nên thầy giáo Thông chỉ có thể về thăm nhà 2 lần/năm (vào dịp Tết Nguyên đán và dịp nghỉ hè). Để vơi đi nỗi nhớ nhà, thầy Thông đã dành trọn tâm huyết, thời gian, miệt mài đem kiến thức truyền đạt cho từng em nhỏ nơi đây.

Nhiệt huyết gieo chữ là thế, nhưng hiện nay, đội ngũ gần 30 thầy, cô giáo cắm bản đang dạy học tại 12 điểm trường của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Mường Toong số 1 đang gặp không ít khó khăn về điều kiện ăn ở, sinh hoạt. Bởi các điểm trường đều chưa được đầu tư xây dựng về cơ sở vật chất, nên chưa có nhà công vụ cho giáo viên. Bên cạnh đó, số lượng giáo viên lại thiếu nên đa phần mỗi thầy, cô giáo phải dạy học lớp ghép từ 2 – 3 trình độ.

Ở nhiều điểm bản vùng cao trong huyện Mường Nhé nói riêng, tỉnh Điện Biên nói chung, hiện nay vẫn có nhiều giáo viên đang can trường bám lớp, bám bản và dành trọn thanh xuân để gieo chữ cho trẻ vùng cao. Những tâm huyết và sự hy sinh đó đã đem lại kiến thức, hành trang và niềm tin vào tương lai tốt đẹp cho bao thế hệ học sinh là con em đồng bào các dân tộc thiểu số đang sinh sống ở vùng cao. Mong rằng, với sự quan tâm, hỗ trợ của ngành Giáo dục; sự thấu hiểu, sẻ chia của toàn xã hội, mỗi thầy, cô giáo cắm bản sẽ dần vơi bớt những khó khăn, vất vả; từ đó thêm yên tâm, vững vàng để tiếp tục cống hiến với khát vọng gieo chữ vùng cao.

Phương Liên

Back To Top