Kinh tếNgân hàng CSXH

Người nghèo Mường Nhé vươn lên nhờ tín dụng ưu đãi

09:11 - Thứ Hai, 13/02/2023 Lượt xem: 1884 In bài viết

ĐBP - Hơn 20 năm đồng hành với người nghèo Mường Nhé, nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Mường Nhé đã góp phần tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm và đảm bảo an sinh xã hội tại vùng đất cực Tây Tổ quốc.

Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Mường Nhé thăm mô hình chăn nuôi của hộ vay vốn tại bản Nậm Pố 4, xã Mường Nhé.

Với đặc thù huyện đặc biệt khó khăn, Mường Nhé có 11/11 xã thuộc vùng III, trình độ dân trí thấp so với mặt bằng chung của toàn tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo còn cao chiếm 59,92%. Địa bàn các xã cách xa trung tâm huyện, đường sá đi lại khó khăn đặc biệt vào mùa mưa. Bởi vậy, các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã được cấp ủy chính quyền địa phương, Ban đại diện Hội đồng Quản trị và Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện, hội đoàn thể nhận ủy thác các cấp đặc biệt chú trọng quan tâm thực hiện. Từ dư nợ nhận bàn giao của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hơn 160 triệu đồng năm 2003, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện tại thời điểm 31/12/2022 đạt 331,8 tỷ đồng. Hiện nay, toàn huyện có 7.802 hộ vay còn dư nợ, 161 tổ tiết kiệm và vay vốn trải khắp 115 bản và tổ dân cư trên địa bàn huyện, góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm nghèo bền vững, an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Đến thăm cơ ngơi của gia đình anh Vừ Chống Phùa, bản Nậm Pố 4, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé nhiều người không khỏi ngỡ ngàng. Ít ai nghĩ, chỉ trong thời gian ngắn, cùng xuất phát điểm như bao gia đình khác nhưng nhà anh Phùa lại vươn lên trở thành hộ khá giả. Anh Phùa tâm sự: “Trước đây gia đình tôi cũng là hộ nghèo. Nhưng từ khi được vay vốn Ngân hàng CSXH huyện, đầu tư mua trâu về chăn nuôi, gia đình tôi mới dần thoát khỏi cơ cực. Tôi tiếp tục mở rộng mô hình phát triển chăn nuôi, chuyển đổi sang nuôi thủy sản, nuôi lợn và mở dịch vụ xay xát, bán hàng tạp hóa… Từ mô hình này, trừ chi phí gia đình tôi có nguồn thu từ 100 - 150 triệu đồng. Trong quá trình đó, tôi luôn có “người bạn đồng hành” là vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng CSXH huyện. Hiện nay, đang có số dư nợ 170 triệu đồng. Trong bản Nậm Pố 4 hiện có 51 hộ vay vốn tín dụng ưu đãi với tổng dư nợ trên 2,7 tỷ đồng...”.

Còn gia đình ông Lỳ Tư Xá, bản Pờ Nhù Khò, xã Sín Thầu cũng như những gia đình khác trong bản, từ trước tới nay vẫn chăn nuôi chủ yếu bằng hình thức thả rông, thả tự nhiên trên rừng nên hiệu quả kinh tế mang lại thấp, gia súc phát triển rất chậm. Không những thế, dịch bệnh xảy ra thường xuyên ảnh hưởng rất lớn đến việc chăn nuôi, phát triển gia súc. Ông Xá đã mạnh dạn vay vốn từ nguồn hỗ trợ sản xuất của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Mường Nhé để chuyển đổi mô hình kinh tế. Với số tiền 100 triệu đồng, ông đầu tư xây dựng chuồng trại, con giống, chuyển từ chăn thả tự nhiên sang bán chăn thả và nuôi nhốt tập trung, từ đó đã mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn. Ông Xá phấn khởi cho biết: “Hiện tại nhà tôi đang có 25 con trâu, bò. Từ khi chuyển đổi mô hình chăn nuôi, đàn gia súc của gia đình tôi phát triển tốt, không xảy ra bệnh tật, lại giảm được công chăn sóc, khi xuất bán được giá hơn so với khi chăn thả tự nhiên”.

Gia đình ông Phùa, ông Xá chỉ là 2 trong số hàng ngàn hộ gia đình huyện Mường Nhé được vay vốn Ngân hàng CSXH và vươn lên thoát nghèo. Ông Hoàng Xuân Quyết, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Mường Nhé cho biết: “Hành trình 20 năm qua cùng với các chương trình mục tiêu của huyện, nguồn vốn vay ưu đãi chính sách đã góp phần giúp trên 6.608 hộ gia đình trên địa bàn huyện Mường Nhé thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo ở huyện biên giới cực Tây giảm xuống còn 60,08% năm 2021, bình quân mỗi năm giảm trên 4%, giúp 2.806 hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn được vay vốn không lãi suất và lãi suất thấp để phát triển sản xuất, ổn định đời sống, sớm vượt qua đói nghèo, 2.366 hộ gia đình có điều kiện sử dụng nước sạch và công trình vệ sinh đảm bảo trong sinh hoạt, giúp 117 học sinh sinh viên hoàn cảnh khó khăn có đủ điều kiện tiếp tục theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học và dạy nghề, góp phần nâng cao lao động qua đào tạo, trình độ dân trí. Số lao động được tạo việc làm thông qua vay vốn chương trình cho vay giải quyết việc đạt trên 751 lượt, trên 3.632 lượt hộ vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn. Nguồn vốn vay ưu đãi chính sách còn góp phần giải quyết việc làm cho lao động phụ, lao động dôi dư ở nông thôn, góp phần giảm bớt các tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện.

Các nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã góp phần quan trọng cùng với cấp ủy, chính quyền huyện Mường Nhé trong công tác giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới thời gian qua”.

Bài, ảnh: Diệp Chi
Bình luận

Tin khác

Back To Top