Nghị quyết trồng rừng ở Mường Nhé không đạt mục tiêu: Bài học từ thiếu bám sát thực tiễn

Bài 5: Chưa có lời giải cho bài toán đầu ra

08:36 - Thứ Hai, 11/10/2021 Lượt xem: 3593 In bài viết

ĐBP - Hiện nay, một số diện tích cây keo đã đến kỳ khai thác, nhưng vấn đề “đầu ra” đang là bài toán nan giải với huyện Mường Nhé. Việc đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gỗ trên địa bàn đã thành nhiệm vụ bất khả thi. Trong khi cấp ủy, chính quyền địa phương đang loay hoay tìm phương án để tiêu thụ thì người dân cũng không còn tha thiết với loại cây này.

Bài 1: Viễn cảnh tươi sáng

Bài 2: Kỳ vọng lớn, thất vọng nhiều

Bài 3: Chậm giải quyết, dân chịu thiệt

Bài 4: Khó chồng khó

Ông Vừ Sái Lầu, bản Cà Là Pá, xã Leng Su Sìn kiểm tra kích thước cây keo. Ảnh: P.V

Cấp ủy, chính quyền lo một, người dân lo mười

Ở bản Cà Là Pá, xã Leng Su Sìn có nhiều hộ gia đình tham gia trồng cây keo từ năm 2016. Dẫn chúng tôi “mục sở thị” diện tích keo trồng cách đây 5 năm, ông Vừ A Và, Trưởng bản Cà Là Pá bày tỏ: “Hiện nay, bản có hơn 10ha keo của 7 hộ dân đã đủ điều kiện cho khai thác. Người dân đã có ý kiến xin chính quyền địa phương cho phép khai thác sau đó chuyển đổi diện tích đất sang trồng các loại cây trồng khác. Một số hộ có ý định muốn phá cây keo nhưng bản, chính quyền xã ngăn cản nên họ không dám tùy tiện phá rừng!”.

Theo quan sát của chúng tôi, nhiều cây keo trồng từ năm 2016 có đường kính khoảng 15cm. Điển hình như diện tích keo của gia đình ông Vừ A Thếnh trồng từ năm 2016, đến nay nhiều cây đã đến tuổi khai thác. Ông Thếnh tâm sự: “Cây keo tuổi thọ ngắn nên để lâu quá cây sẽ hỏng. Mong chính quyền địa phương sớm tìm đầu ra, thu mua gỗ cho bà con để người dân chuyển đổi sang trồng cây khác. Nếu không có ai thu mua, để lâu quá chúng tôi sẽ phá đi để trồng cây khác có giá trị hơn”.

Tiếp lời ông Thếnh, ông Vừ Sái Lầu, người dân bản Cà Là Pá cho biết: “Theo chu kỳ sinh trưởng của cây keo thì từ 5 - 7 năm cho khai thác. Ở độ tuổi này, cây keo sẽ đảm bảo chất lượng cho các nhà máy chế biến. Nếu để quá lâu, cây keo sẽ rỗng ruột, khi đó có bán được thì giá cũng rẻ, thậm chí không đủ tiền công chăm sóc chưa kể chi phí khai thác, vận chuyển từ trên nương xuống. Chúng tôi biết huyện đang tìm hướng tháo gỡ, nhưng huyện lo ít, người dân chúng tôi lo lắng hơn gấp nhiều lần. Vì nếu không khai thác đúng thời gian, cây keo sẽ giảm giá trị, đồng thời ảnh hưởng lớn đến việc canh tác, sản xuất của người dân trên những diện tích này”.

Xã Nậm Kè có 6 bản tham gia dự án trồng keo tai tượng theo Nghị quyết 05 của Huyện ủy Mường Nhé. Hiện nay những hộ dân tham gia dự án trồng keo cũng đang trong tình trạng “đứng ngồi không yên” khi cây keo đã đến thời gian khai thác nhưng chưa được thu hoạch.

Ông Giàng A Ly, Chủ tịch UBND xã Nậm Kè cho biết: “Chủ trương đã ban hành thì bà con cũng nhất trí thôi nhưng nhiều hộ vẫn chưa đồng thuận. Bà con nghĩ đơn giản là đã làm phải có đầu ra, không có đầu ra thì trồng rừng keo không giải quyết được gì. Nếu có đầu ra ổn định và hiệu quả kinh tế thì không cần tuyên truyền, vận động bà con cũng tự trồng, không cần đến lượt mình đến gõ cửa từng nhà vận động. Hiện nay, một số diện tích cây keo trên địa bàn đã đến thời kỳ thu hoạch, người dân kiến nghị xã nhiều lần, nhưng cấp ủy, chính quyền xã cũng chỉ biết kiến nghị, đề xuất lên huyện tìm hướng giải quyết”.

Chưa tìm được đầu ra

Để người dân không “quay lưng” với việc trồng keo, vấn đề mấu chốt là phải mang lại hiệu quả kinh tế, giúp người trồng có thu nhập từ loại cây này. Nhưng do đầu ra bế tắc, khiến người dân không còn mặn mà với cây keo, nhiều diện tích keo không còn được chăm sóc, cằn cỗi, một số đang chết dần!

Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé cho biết: Việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về hỗ trợ chế độ, chính sách cũng như tìm đầu ra cho cây keo đang được huyện đặc biệt quan tâm. Thời gian vừa qua, huyện chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND các xã rà soát lại diện tích trồng keo để tìm phương án giải quyết. UBND huyện đã báo cáo với UBND tỉnh và xin ý kiến tham vấn của các sở, ngành liên quan để có giải pháp tháo gỡ những tồn tại, hạn chế như: Tháo gỡ diện tích trồng rừng chưa có hồ sơ thiết kế; diện tích trồng rừng nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng; kinh phí chi trả hỗ trợ tiền cây giống, trồng và chăm sóc rừng (còn thiếu); kinh phí thực hiện hỗ trợ gạo cho các hộ nghèo tham gia trồng rừng chưa được hưởng đầy đủ theo quy định.

Đối với vấn đề đầu ra cho cây keo, đến năm 2022 toàn huyện sẽ có khoảng 200 - 300ha cây keo cho khai thác lấy gỗ. Phương án kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức thu mua và chế biến ngay tại địa bàn khó khả thi, bởi diện tích cây keo cho thu hoạch không nhiều, không tập trung. Nếu kêu gọi các doanh nghiệp thu mua và vận chuyển về xuôi để gia công, chế biến cũng không đơn giản bởi khi đó giá cước vận chuyển sẽ “ép” giảm giá bán cây. Như vậy sẽ thiệt thòi cho người trồng keo.

Có thể nói rằng, đến nay mục tiêu Nghị quyết 05 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Mường Nhé khóa IV, nhiệm kỳ 2015 - 2020 không hiệu quả, ảnh hưởng lớn tới đời sống người dân. Ông Vũ Thái Thụy, Bí thư Đảng ủy xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé cho biết: Chủ trương, mục tiêu của Nghị quyết số 05 huyện Mường Nhé chưa được tính toán kỹ lưỡng và trong quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, mục tiêu chưa gắn sát với thực tiễn. Đó là việc vận động người dân tham gia trồng keo nhưng huyện chưa tính toán sản phẩm đầu ra cho cây keo; trong quá trình thực hiện trồng keo, chưa, chậm chi trả các chế độ chính sách cho người dân tham gia… dẫn đến chưa hiệu quả, người dân không mặn mà. Trong 5 năm (2015 - 2020), xã Mường Nhé đã tuyên truyền, vận động người dân trồng hơn 150ha keo, tuy nhiên, thực tế đến nay chỉ còn khoảng 33ha trồng keo. Nguyên nhân là do chậm chi trả các chế độ chính sách nên người dân không chăm sóc, bảo quản dẫn đến cây trồng bị chết, trâu, bò phá… Người dân, chính quyền xã kiến nghị huyện sớm tìm cách tháo gỡ khó khăn, giải quyết việc hỗ trợ cho người dân tham gia trồng keo và tìm đầu ra cho cây keo trong thời gian tới.

Việc ban hành và thực hiện một nghị quyết có thể đạt được mục tiêu hoặc không đạt được mục tiêu đề ra. Song kết quả của “Nghị quyết trồng keo” là bài học không chỉ cho Đảng bộ, chính quyền huyện Mường Nhé nhiệm kỳ 2020 - 2025 và thời gian tiếp theo mà đối với cả những địa phương khác, để các nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống!

Văn Tâm - Phạm Quang
Bình luận
Back To Top