Trải nghiệm làm chiến sĩ Điện Biên:

Thêm hiểu và trân trọng lịch sử

11:33 - Thứ Bảy, 21/05/2022 Lượt xem: 7241 In bài viết

ĐBP - Sôi động, hấp dẫn, bổ ích và ý nghĩa là cảm nhận của các giáo viên, phụ huynh và học sinh Trường THCS Thanh Bình (TP. Điện Biên Phủ) khi tham gia chương trình trải nghiệm “Chúng em làm chiến sĩ Điện Biên”, do Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ tổ chức vào một ngày tháng 5 lịch sử.

Đại đội trưởng – cán bộ Bảo tàng hướng dẫn các chiến sĩ chằng buộc và sử dụng xe đạp thồ.

“Nhập ngũ”, khoác lên mình bộ quân phục bộ đội cụ Hồ, những thiếu niên tuổi 15 (khối lớp 9) trông chững chạc hơn hẳn. 61 học sinh được chia làm 2 đại đội, đại đội trưởng là cán bộ Bảo tàng – người sẽ hướng dẫn, đồng hành cùng các em hoàn thành nhiệm vụ, thử thách mà “tiểu đoàn trưởng” đặt ra. Hào hứng nhưng vẫn giữ được sự nghiêm túc trong quân đội, các chiến sĩ nhỏ cùng hành quân vào Nghĩa trang Liệt sĩ A1 dâng hoa, thắp hương tri ân các anh hùng, liệt sĩ trước khi chính thức trải nghiệm thời gian làm chiến sĩ Điện Biên.

Trải nghiệm đầu tiên là đẩy xe đạp thồ, mỗi đại đội cử 8 chiến sĩ, chia 2 lượt tiếp sức, đẩy xe chở lương thực 2 vòng khuôn viên Bảo tàng (khoảng 700m). Trở ngại của thử thách này chính là khách tham quan ra vào Bảo tàng. Các đội vừa phải cố gắng di chuyển thật nhanh, bảo đảm bao lương thực không bị đổ, rơi vãi vừa phải tránh người đi lại liên tục khu vực lối vào Bảo tàng.

Các chiến sĩ nhỏ trong phần trải nghiệm đẩy xe đạp thồ.

Sau khi đẩy xe về đích, em Mùa A Hồng, lớp 9D2 tựa lưng gốc cây, thở phì phò. Hồng đưa tay quệt ngang mồ hôi lăn thành giọt trên trán, lấy lại nhịp thở và chia sẻ: “Chúng em đẩy xe chở 3 bao trấu và đường bằng thôi mà về đến đích đã mệt nhoài. Đội em đã cố gắng hết mình nhưng chỉ về nhì vì chằng buộc bao chưa đúng cách, khiến xe di chuyển khó, bao còn bị cọ thủng làm rơi vãi “lương thực” trên đường đi. Qua hoạt động này em càng khâm phục và biết ơn ông cha ta ngày xưa đã vượt qua mọi gian khổ, nguy hiểm để đảm bảo vận chuyển lương thực cho mặt trận, góp phần quan trọng làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ”.

Nghỉ ngơi sau hoạt động ngoài trời, cần thể lực và sự khéo léo, các chiến sĩ nhỏ Trường THCS Thanh Bình tiếp tục hành quân vào tham quan nhà trưng bày Bảo tàng và bức panorama tái hiện trận chiến. Tại đây các em không chỉ nghe thuyết minh mà mỗi tài liệu, hiện vật, câu chuyện gắn với hiện vật, nhân vật lịch sử được giới thiệu có thể sẽ liên quan trực tiếp tới phần trải nghiệm sau đó. Bởi vậy, các em đều cố gắng ghi nhớ và chủ động ghi chép các thông tin chủ chốt. Hoạt động hoạt náo được mong chờ cũng đã bắt đầu. Đó là trò chơi “Truyền tin đồng đội”. Mỗi đội cử 4 chiến sĩ/lượt, đứng cách nhau 2m. “Tiểu đoàn trưởng” đưa lệnh bằng giấy cho người đầu tiên của mỗi đội. Người nhận lệnh phải dùng cử chỉ, hành động, lời nói không trùng từ nào trong lệnh để miêu tả lại nội dung thông tin cho người sau. Cứ như vậy, lệnh được truyền đến người cuối cùng. Đội trả lời chính xác và nhanh nhất là đội chiến thắng. Rất hào hứng với trò chơi và trực tiếp tham gia truyền tin, em Lò Đức Duy (lớp 9D1) chia sẻ: “Lệnh là những thông tin rất quen thuộc, tiêu biểu, như: Anh hùng Tô Vĩnh Diện, anh hùng Phan Đình Giót, phá đá mở đường, mũ nan... Nhưng ban đầu chúng em chưa biết cách diễn tả, các cô cán bộ Bảo tàng làm mẫu và hướng dẫn rất nhiệt tình, nhờ đó chúng em tư duy, phân tích các thông tin tốt hơn để truyền tin lại cho đồng đội. Thông qua hoạt động này cùng các tài liệu, hiện vật, nhân vật được nhắc đến trong trò chơi, em có thêm nhiều kiến thức và nhớ sâu hơn về Chiến dịch Điện Biên Phủ”. Ngoài các nội dung trên, các em còn tham gia “Em tập làm hướng dẫn viên”, hoạt động trí tuệ “theo dòng lịch sử”.

Học sinh ghi chép thông tin để phục vụ cho các phần trải nghiệm tiếp theo, khi tham quan nhà trưng bày Bảo tàng.

Cô Vũ Thị Kim Duyên, Tổng phụ trách Đội Trường THCS Thanh Bình, cho biết: “Khi triển khai hoạt động này, học sinh các khối đăng ký rất đông, phụ huynh cũng rất ủng hộ cho con em mình tham gia. Nhưng do giới hạn về số lượng nên lần này Trường ưu tiên cho các học sinh lớp 9, để thêm kỷ niệm đẹp, đáng nhớ cho các em trước khi chuyển cấp. Ngoài ra, vì cả học sinh và gia đình mong muốn, nên phụ huynh khối lớp 6 đã chủ động đề xuất, đứng ra phối hợp cùng nhà trường và đơn vị chuyên môn tổ chức 1 chương trình tương tự cho học sinh lớp 6. “Chúng em làm chiến sĩ Điện Biên” thực sự ý nghĩa, thú vị, mang lại nhiều trải nghiệm lịch sử cho các em, phù hợp và bổ trợ tốt cho chương trình giáo dục mới, hướng tới phát triển kỹ năng và trải nghiệm cho học sinh”.

Được biết, “Chúng em làm chiến sĩ Điện Biên” là hoạt động nằm trong chương trình phối hợp giữa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Sở Giáo dục và Đào tạo, về “Phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với hoạt động giáo dục và xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2020 – 2025”. Bà Lương Thị Hồng Lưỡng, Tổ trưởng Tổ Trưng bày - Giáo dục, Phòng Nghiệp vụ, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, cho biết: “Ngay từ đầu năm học, Bảo tàng đã gửi phiếu đăng ký tham gia chương trình trải nghiệm cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, giúp các em học sinh hiểu sâu sắc hơn về lịch sử hào hùng của dân tộc, sự hy sinh gian khổ, cũng như công lao to lớn của cha ông trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do dân tộc, đặc biệt là Chiến dịch Điện Biên Phủ; tạo không khí vui tươi, giúp học sinh tìm hiểu, gần gũi hơn với môn học lịch sử... Tháng 5 này, Bảo tàng tổ chức trải nghiệm cho học sinh 2 trường là THCS Thanh Bình và THPT huyện Điện Biên. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục xây dựng kế hoạch, triển khai với những chủ đề, nội dung thu hút, hấp dẫn hơn cho học sinh tham quan, trải nghiệm”.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top