Phòng, chống dịch tả lợn châu Phi ở Mường Nhé

08:16 - Chủ Nhật, 03/04/2022 Lượt xem: 4282 In bài viết

ĐBP - Dịch bệnh tả lợn châu Phi tái phát tại một số xã trên địa bàn huyện Mường Nhé, như: Quảng Lâm, Leng Su Sìn, Chung Chải… gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Trước tình hình trên, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã chủ động triển khai các giải pháp nhằm kiểm soát, ngăn chặn và xử lý dứt điểm các ổ dịch, giúp người dân sớm khắc phục khó khăn.

Người dân bản Phiêng Vai, xã Nậm Kè làm thủ tục trước khi đưa lợn mắc bệnh đi tiêu hủy.

Sau thời gian dịch bệnh tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện Mường Nhé được khống chế, đã xuất hiện tâm lý chủ quan, lơ là ở một số hộ chăn nuôi trong việc áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Do đó từ cuối năm 2021 đến nay, tại một số xã trên địa bàn huyện tái phát dịch tả lợn châu Phi. Tại bản Phiêng Vai, xã Nậm Kè dịch tả lợn châu Phi tái phát làm 9 con lợn của 4 hộ gia đình mắc bệnh. Cơ quan chức năng đã phối hợp với chính quyền địa phương và các gia đình có lợn mắc bệnh tiến hành tiêu hủy theo quy định 9 con lợn với tổng trọng lượng 447kg. Đến đầu tháng 1/2022, dịch tả lợn châu Phi tiếp tục xuất hiện tại 2 bản Nà Pán, Nậm Là (xã Mường Nhé) và bản Quảng Lâm (xã Quảng Lâm) với 72 con lợn mắc bệnh có tổng trọng lượng tiêu hủy gần 1.100kg. Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mường Nhé, từ đầu năm đến nay, dịch tả châu Phi đã làm chết 79 con lợn trên địa bàn huyện, tổng trọng lượng tiêu hủy 5.316kg.

Theo ông Lò Văn Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mường Nhé, ngay sau khi xuất hiện các ổ dịch tả lợn châu Phi, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan, địa phương tổ chức giám sát, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn, lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm vi rút. Khi có kết quả xác định lợn đã nhiễm bệnh, tiến hành tiêu hủy toàn bộ số lợn mắc bệnh; đồng thời tổ chức tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc, đào hố chôn hủy đúng quy định. Bên cạnh đó, huyện cấm vận chuyển lợn và sản phẩm của lợn ra, vào vùng dịch; kiểm soát chặt chẽ việc giết mổ, buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn theo quy định. Thông tin kịp thời, chính xác cho người dân, người chăn nuôi về diễn biến tình hình dịch tả lợn châu Phi; yêu cầu các hộ chăn nuôi tạm ngừng tái đàn, nhập con giống lợn về nuôi và có trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Hiện nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa có thuốc điều trị cũng như vắc xin phòng ngừa, do vậy biện pháp phòng ngừa tốt nhất vẫn là tăng cường khử trùng tiêu độc và kiểm soát khâu buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn. Đối với các địa phương đang có dịch cần chủ động vật tư, nhân lực tổ chức triển khai các giải pháp nhằm khống chế, kiểm soát các ổ dịch trên địa bàn; tăng cường kiểm tra, theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch bệnh trên đàn lợn, nhất là khu vực tập trung chăn nuôi, khu vực nguy cơ cao, ổ dịch cũ nhằm phát hiện sớm, xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Đối với các xã chưa có dịch hoặc đã qua 21 ngày không phát sinh bệnh, khi phát hiện lợn ốm, chết nghi mắc bệnh phải báo cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh. Chính quyền các xã cần tổ chức rà soát, thống kê, nắm rõ số lượng hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn; phân công lực lượng chủ động triển khai giám sát dịch bệnh, kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm khi dịch mới xuất hiện không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Khi xuất hiện lợn ốm, chết phải lập bản cam kết với hộ chăn nuôi không bán chạy, không vứt xác lợn ra môi trường và thực hiện xử lý đúng quy định phòng, chống dịch; xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo, báo cáo chậm, giấu dịch bệnh. Người chăn nuôi cần chủ động phòng bệnh cho lợn. Nhất là việc tự giác tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, tiêu độc khử trùng định kỳ theo đúng quy trình. Khi thực hiện tái đàn cần phải đảm bảo con giống an toàn, có nguồn gốc, khai báo số lượng cụ thể để thuận tiện cho việc kiểm soát dịch bệnh, hạn chế thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top