Để cuộc sống không bạo lực gia đình

08:47 - Thứ Hai, 14/03/2022 Lượt xem: 6669 In bài viết

ĐBP - Tệ nạn xã hội, kinh tế khó khăn, mâu thuẫn cá nhân, gia đình… được xem là những nguyên nhân cơ bản làm gia tăng tình trạng bạo lực gia đình. Nạn nhân của bạo lực gia đình không chỉ là phụ nữ mà xảy ra ngay cả với trẻ em và người già. Để ngăn chặn tình trạng đó, thời gian qua, các cấp, ngành đã đẩy mạnh tuyên truyền; đồng thời xây dựng, nhân rộng các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình ở cơ sở, từ đó góp phần đẩy lùi bạo lực, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Mường Nhé tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật về bình đẳng giới cho phụ nữ và người dân bản Nậm Là 2, xã Mường Nhé.

Một trong những nội dung của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình nêu rõ: Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với các thành viên khác trong gia đình. Hiểu rõ được mỗi nguy hại của bạo lực gia đình, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác gia đình, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa. Nhờ đó, tình trạng bạo lực gia đình có nhiều chuyển biến.

Cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh, trước kia tình trạng bạo lực gia đình ở thôn Duyên Long, xã Noong Hẹt (huyện Điện Biên) thường xuyên diễn ra. Có trường hợp thì mâu thuẫn, cãi vã giữa các thành viên trong gia đình, cũng có những trường hợp xảy ra xô xát, đánh đập. Nạn nhân của các sự việc trên phần đa là phụ nữ. Trước thực trạng đó, được sự nhất trí của cấp ủy, chính quyền địa phương, Câu lạc bộ Vì hạnh phúc gia đình thôn Duyên Long được thành lập với những thành viên cơ bản là cán bộ, người có uy tín ở thôn. Nhiệm vụ của các thành viên là vừa đẩy mạnh tuyên truyền, đồng thời giúp đỡ chị em tiến bộ, vươn lên trong cuộc sống thông qua các cuộc họp thôn, sinh hoạt chi hội phụ nữ, đoàn thể... Bà Đỗ Thị Oanh, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ chia sẻ: Bên cạnh tuyên truyền, chúng tôi cũng xây dựng các “địa chỉ tin cậy” tại nhà trưởng thôn, bí thư chi bộ, nhà người lớn tuổi, có uy tín trong thôn. Nhờ hoạt động tích cực của các thành viên, hiện nay vấn đề bình đẳng giới tại đây đã có nhiều tích cực. Có chăng thi thoảng một số gia đình chỉ xảy ra cãi vã nhỏ nhưng đều được hòa giải êm thuận Ngoài thôn Duyên Long, xã Noong Hẹt, hiện nay, mô hình phòng, chống bạo lực gia đình đã được triển khai tại 10/10 huyện, thị, thành phố; 70/130 xã, phường có ban chỉ đạo; 417 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững; 538 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình; hơn 500 tổ tư vấn, hòa giải cơ sở. Trong đó, các câu lạc bộ, nhóm phòng, chống bạo lực gia đình duy trì sinh hoạt định kỳ 2 tháng/lần, một số khác duy trì sinh hoạt định kỳ 1 lần/quý. Riêng “địa chỉ tin cậy” toàn tỉnh hiện có 796 địa chỉ. Điều này cho thấy, việc tuyên truyền, vận động và xây dựng “địa chỉ tin cậy” ở cộng đồng đã được các cấp, ngành cũng như cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm hơn nhằm hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời cho nạn nhân bị bạo lực gia đình, tránh rủi ro về sức khỏe, tính mạng, giảm thiểu được hậu quả của bạo lực gia đình.

Đánh giá của cơ quan chức năng, các hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình thời gian qua đã được cả hệ thống chính trị quan tâm. Năm 2021 vừa qua, toàn tỉnh xảy ra 62 vụ bạo lực gia đình (giảm 28 vụ so với cùng kỳ năm 2020), trong đó, bạo lực tinh thần 17 vụ, bạo lực thân thể 43 vụ, bạo lực tình dục 1 vụ, bạo lực kinh tế 1 vụ. Các vụ cơ bản được giải quyết và xử lý hài hòa, thuận lý, hợp tình. Bà Nguyễn Thị Loan, Phó phòng Quản lí văn hóa và Gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Để việc phòng, chống bạo lực gia đình đạt hiệu quả cao, các câu lạc bộ, mô hình, nhóm phòng, chống bạo lực gia đình sẽ kết hợp công tác tuyên truyền với ngăn chặn, đồng thời giải quyết kịp thời khi có hành vi bạo lực gia đình hoặc nguy cơ bạo lực gia đình xảy ra trên địa bàn. Cùng với đó, tích cực giáo dục, vận động các gia đình tự giác, tự nguyện thực hiện tốt nếp sống văn minh; các quy ước, hương ước; chia sẻ những suy nghĩ, ý tưởng và kinh nghiệm của bản thân; kỹ năng giữ gìn hạnh phúc gia đình, nuôi dạy con cái, giao lưu các hoạt động văn hóa, thể thao… từ đó, góp phần làm giảm số vụ bạo lực gia đình.

Mặc dù công tác phòng, chống bạo lực gia đình đã có nhiều chuyển biến, tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Loan, để công tác này mang lại hiệu quả hơn nữa, trước hết cần xem đây là trách nhiệm của toàn xã hội chứ không của riêng ai. Cùng với đó, các cấp, ngành tăng cường phối hợp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình ở địa phương, làm cho mỗi gia đình hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của mình để xây dựng gia đình hạnh phúc, thuận hòa.

Bài ảnh: Quang Long
Bình luận

Tin khác

Back To Top