Kinh tếQuản lý, bảo vệ rừng

Hiệu quả mô hình quản lý rừng cộng đồng

09:23 - Thứ Ba, 10/10/2023 Lượt xem: 2436 In bài viết

ĐBP - Xác định giữ rừng và phát triển rừng cần dựa vào cộng đồng, năm 2020 Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã ban hành kế hoạch thí điểm xây dựng mô hình quản lý rừng cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, nhiều địa phương đã thành lập được các mô hình quản lý rừng cộng đồng tại các thôn, bản mang lại hiệu quả, không chỉ bảo vệ và phát triển rừng mà còn nâng cao thu nhập cho cộng đồng, người dân trực tiếp tham gia. Thông qua các mô hình này, công tác bảo vệ, phát triển rừng đã có nhiều chuyển biến tích cực, ý thức người dân được nâng lên; qua đó góp phần hạn chế các vụ vi phạm liên quan đến rừng, thúc đẩy phát triển kinh tế rừng bền vững.

Lực lượng chức năng xác định ranh giới quản lý, bảo vệ rừng trên bản đồ cho người dân tham gia mô hình quản lý rừng cộng đồng tại bản Bua 1, xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng.

Năm 2020, bản Ðun Nưa, xã Mường Ðun, huyện Tủa Chùa thành lập mô hình quản lý rừng cộng đồng và nhận quản lý, bảo vệ gần 200ha rừng. Ðể phát huy hiệu quả, bản đã thành lập ban quản lý rừng cộng đồng và thành lập tổ bảo vệ rừng. Ðồng thời xây dựng hương ước, quy ước của bản về quản lý, bảo vệ rừng bền vững. Ðịnh kỳ hằng tuần, hằng tháng tổ chức tuần tra, bảo vệ rừng; chú trọng tuyên truyền, vận động người dân, chủ rừng tích cực tham gia bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng.

Theo ông Cà Văn Vinh, Tổ trưởng tổ quản lý và bảo vệ rừng của bản Ðun Nưa, thì trước đây khi người dân chưa tham gia mô hình quản lý rừng, thường xảy ra các vụ vi phạm, cháy rừng, nhưng từ khi thực hiện mô hình quản lý rừng cộng đồng không còn việc chặt phá cây rừng và nhà nào cũng có người tham gia tổ bảo vệ rừng của bản. Ai vi phạm các quy định đều được bản xử lý theo quy ước của bản. Nhờ đó diện tích rừng giao cho bản quản lý phát triển tốt, không bị xâm hại, không xảy ra tình trạng phá rừng làm nương. Tham gia mô hình, người dân còn có thêm thu nhập do được hưởng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Trung bình mỗi năm, cộng đồng bản được chi trả hơn 110 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng.

Tương tự bản Ðun Nưa, tại bản Bua 1, Bua 2, xã Ẳng Tở (huyện Mường Ảng) cũng thành lập mô hình quản lý rừng cộng đồng và nhận quản lý, bảo vệ hơn 200ha rừng. Mỗi bản đều thành lập ban quản lý cộng đồng, có quy chế hoạt động cụ thể. Các gia đình trong bản thường xuyên bố trí người luân phiên tham gia tuần tra, bảo vệ diện tích rừng được giao mỗi tuần một lần trong mùa mưa. Riêng mùa khô, nguy cơ cháy rừng cao nên sẽ tăng cường thực hiện 2 - 3 lần/tuần, cao điểm 1 lần/ngày. Thực hiện mô hình, ý thức trách nhiệm của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng được nâng lên rõ rệt. Người dân luôn tuân thủ các quy định của pháp luật đối với diện tích rừng được giao quản lý. Hộ nào có nhu cầu khai thác gỗ làm nhà đều viết đơn, xin ý kiến của ban quản lý rừng cộng đồng, UBND xã, cơ quan chức năng, nếu được cho phép thì mới khai thác và khai thác đúng vị trí, số lượng. Mô hình quản lý rừng dựa vào cộng đồng đã phát huy hiệu quả tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Những năm qua, diện tích rừng do cộng đồng bản Bua 1, Bua 2 quản lý, bảo vệ phát triển tốt, không xảy ra tình trạng chặt phá rừng hoặc cháy rừng.

Thông tin từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh, hiện nay toàn tỉnh có hơn 415.361ha rừng song lực lượng kiểm lâm còn mỏng. Trung bình mỗi kiểm lâm địa bàn phải phụ trách trên 3.500ha rừng, có cán bộ kiểm lâm địa bàn phụ trách xã có từ 7.000 đến 10.000ha. Vì vậy, để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, thời gian qua Chi cục Kiểm lâm tỉnh xác định cách tốt nhất là phải dựa vào cộng đồng. Từ khi triển khai kế hoạch thí điểm xây dựng mô hình quản lý rừng cộng đồng đến nay toàn tỉnh đã thành lập được 33 mô hình, trong đó có 25 mô hình cộng đồng quản lý bảo vệ rừng; 3 mô hình quản lý rừng bền vững; 3 mô hình phát triển rừng; 1 mô hình phòng cháy chữa cháy rừng; 1 mô hình tuyên truyền. Tổng diện tích giao đất, giao rừng cho các cộng đồng tham gia mô hình quản lý rừng hơn 104.000ha rừng. Qua hơn 3 năm triển khai, các mô hình này đã góp phần nâng cao nhận thức và năng lực quản lý, bảo vệ rừng, tạo mối liên kết giữa cộng đồng với các đơn vị lâm nghiệp, giảm xung đột lợi ích từ rừng. Công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng được thôn, bản quản lý bảo vệ tốt, tình hình khai thác, chặt phá rừng trái pháp luật giảm rõ rệt.

Cùng với đó, khi tham gia mô hình, người dân được hưởng lợi từ việc thu hái các nguồn lâm sản ngoài gỗ, nhằm phục vụ cho đời sống hàng ngày; nhất là được hưởng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tạo thêm thu nhập cho các hộ gia đình, góp phần ổn định đời sống, an ninh trật tự trên địa bàn. Ðặc biệt, nhận thức của người dân về vai trò của rừng cộng đồng đã có sự thay đổi về quyền hưởng lợi cũng như trách nhiệm trong việc quản lý bảo vệ rừng. 6 tháng đầu năm 2023 các cộng đồng quản lý bảo vệ rừng đã phối hợp, tham gia cùng lực lượng kiểm lâm tuần tra, phát hiện và xử lý vi phạm 203 vụ vi phạm lâm luật. Hiện nay tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 43,54%.

Ðể tiếp tục nhân rộng, phát huy hiệu quả mô hình quản lý rừng cộng đồng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã có kiến nghị các cơ quan, cấp có thẩm quyền quan tâm việc bảo đảm quyền lợi về cơ chế, chính sách đối với những người tham gia mô hình; hỗ trợ kinh phí để mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực quản lý rừng cộng đồng; quản lý sử dụng có hiệu quả tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Bài, ảnh: Thành Ðạt
Bình luận
Back To Top