Phiên chợ mở cửa mùa xuân

15:31 - Thứ Ba, 06/02/2018 Lượt xem: 6043 In bài viết
ĐBP - Chợ tết năm nào cũng đông. Người đông, già trẻ gái trai; hàng hóa đông, hoa các loại chen gà, vịt, măng, miến…, tiếng chào mời bán mua, tiếng hỏi han cười nói lâu ngày gặp nhau tay bắt mặt mừng… Mưa phùn bay bay trên một vùng âm âm tiếng tết. Bốn phía gió rét, thế mà bước một chân vào chợ thấy ấm hẳn. Chợ tết ấm lắm. 

Ấy là đang nói chợ ba mươi, phiên chợ cuối cùng của năm cũ. Tết bận nhiều, việc chồng lên người, người như con thoi, loang loáng thoăn thoắt. Anh chị cán bộ viên chức cuối năm bao nhiêu là báo cáo, họp hành tổng kết... Nông dân, tiếng giờ nông nhàn nhiều nhưng tết thì năm nào cũng cuống quít tít mù. Ruộng đã cấy xong, thóc nếp, đỗ xanh, lợn, gà… chuẩn bị sẵn sàng từ mùa; vậy mà mà tháng chạp chả thông cảm, cứ như trêu tròng, vù vù vèo vèo.

 

Minh hoạ của Minh Phúc.

Tết nào mẹ cũng dành thời gian đi chợ ba mươi, không đi nó thiêu thiếu chống chếnh làm sao. Các bà trong xóm cũng y như mẹ, bánh chưng gói xong rồi, ngâm đấy, tối đun; bàn thờ thằng con giai đảm nhiệm… còn mấy việc vặt nữa để đấy, đi chợ về ù cái là xong.

Thanh niên giai gái về quê cũng nghiện… món chợ tết. Lên đấy để chen nhau như đi hội, thấy mặt đứa này đứa kia, ơ ớ không nhận ra nhau một lúc, rồi ngỡ ngàng ôm chầm lấy hỏi han, xuýt xoa, mừng rỡ.

Ðúng là chợ tết, “tinh dững người là người”. Vai chen vai, tay sít tay, quần áo xoạt xoạt nhau. Mùi trẻ, mùi già, mùi trầu, mùi son phấn, mùi mồ hôi chua chua, mùi gà vịt, hương hoa đào cúc hồng… nghẽn lại, đặc đặc.

Vào giữa chợ rồi, có lúc thấy bổng lên, không cần đi bằng chân. Cả khối người như cái xe có bánh ở lưng lửng, chầm chậm rùng rùng. Mũi sát mái tóc thơm thơm con gái. Mũi sát mùi núi rừng, anh này là bộ đội biên phòng, được về tết sướng thế. Mũi sát mùi cấy cày, nghe bùn nghe lúa từ cánh đồng.

Cái “xe người” cứ đi, lên lên, xuống xuống. Ùn lại chỗ hàng hoa. Chị bán hoa mặt tươi như hoa, trán lấm tấm mồ hôi, tay thoăn thoắt bó, đưa, nhận tiền… Người mua đông, người ngắm, sờ mó còn đông hơn. Một cô gái đang giơ hai ngón tay lên mượn hoa làm phông, cái máy ảnh từ bạn trai liên tục lóe đèn. Ố ố… cô bị đẩy vào hoa, loạng choạng. Mặt cô đỏ ngại ngượng. Bạn trai đến nâng dậy, ôm gọn vào lòng, nói to, tôi mua “bông này”. Ðám đông thích chí được xem luôn phim Hàn Quốc giữa chợ quê.

Hàng gà thưa thớt nam thanh nữ tú, chỉ nhiều bà nhiều chị. Nhiều gà trống vừa đến độ “ngậm hoa hồng”, nhiều gà mái béo núc. Thấy nâng lên, sờ nắn, rập rình áng gầy béo nặng nhẹ. Mua đi, đảm bảo đi bộ chục cây số một ngày, giá mười em bớt còn chín rưỡi. Mua đi, đừng lẫn với loại đẹp mã, dính công nghiệp là các cụ trách đấy. Mấy chú trống đã xuôi theo tay người đi. Mấy chị bán gà lại vẫy mời. Lồng một dãy, có con lim rim, có con nhớn nhác, có con tròn mắt...

Dòng chợ cứ trôi, cứ trôi, quấn áo chen chân. Ðây măng miến, mấy người dừng. Ðây hàng cây mùi từng bó từng bó thơm thơm, thấy mẹ đang lom khom ở đó rồi, chiều nay cả nhà sẽ tắm. Ðây hàng mã, cành vàng lá ngọc, chuông khánh… cũng xúm xít người ăn tết càng nhớ đến tổ tiên.

… Tôi cứ đi cứ đi trong dòng chợ tết. Trong những lòa nhòa người người, những bán mua hỏi han. Tết nay vẫn giống tết xưa, chợ ba mươi vẫn đông như hội. Người đi chơi nhiều hơn mua bán. Nhớ bốn chục năm trước, hồi trẻ con đi chợ Mới. Ấy là chợ bên sông, trên chợ dưới thuyền, lại gần ga tàu nên người đông lắm, hàng hóa các thứ cũng đủ đầy các món xuôi ngược. Trẻ con hồi ấy, tầm năm sáu tuổi là biết tự đi chợ. Ði từng đoàn, quần dải rút, rải đeo, lếch thếch chạy gằn chỉ sợ đến muộn chợ tan mất. Hàng pháo là hàng của trẻ con, bởi vòng trong vòng ngoài những cái mặt gầy đen, những cái tay khẳng khiu nhao nhao cười nói chen lấn. Bà bán pháo béo ị, hàm răng đen, lại mặc cái áo trắng; giọng Thái Bình cứ uốn lưỡi r..a… r…a… mấy cái thằng này. Bọn trẻ không nghe hay không nghe thấy bởi tiếng chợ, bởi đang quá tập trung vào đôi tay bà bán pháo. Bà đang gỡ một bánh vì có thằng chỉ đủ tiền nửa bánh. Bà đang đếm vì một thằng mua mười quả pháo cối, hai mươi quả tép…. Bà chiều hết nhưng cái mồm thì gà mái quang quác quang quác. Kệ, chả ai nghe. Những cái tay xông lên, giơ tiền như khoe, như bảo… tiền cháu bắt cua, bán lá dong đấy. Còn mấy hàng pháo nữa nhưng hàng bà béo cứ đông nhất. Vì quen rồi, trăm quả nổ cả trăm không biết xịt là cái gì. Mình bà mướt mồ hôi, xung quanh khách hàng cứ nheo nhéo, nhanh lên nhanh lên. Có lúc bà gắt, muốn nhanh ta dứt cho đứt ngòi, về cho vào bếp nổ nhé. Ối ối pháo nổ bếp thì có mà ăn lươn vào mông, mất rông, cả năm đen đủi. Bà pháo mải mê đưa pháo lấy tiền, thỉnh thoảng lại nâng cái bị lên, vục tay xuống nhâng lên những tờ một hào, hai hào, năm hào nhàu nhàu. Lúc bà đang thế, thì… xì xì xì, đùng. Một làn khói, một tiếng nổ chói tai. Bà bật đứng người lên, đám trẻ cũng nhảy dựng lên, cười ré. Ðứa nào đốt, đứa nào liều thế? Cháu có đốt đâu, cháu đang xem bà thấy tự nhiên có một quả quay quay dưới đất… Tổ cha chúng mày, bà chết ra đây ai bán cho chúng mày! Thì về chơi pháo bù (pháo đất) cũng nổ điếc tai. Bà pháo chửi thế nhưng giọng yêu. Bà lại tiếp tục gỡ gỡ, đưa đưa, nhận tiền. Tôi nhìn bà thấy thương, nói dại nếu không có bà chúng tôi chả thèm đi chợ.

Tôi đã được một bánh tép, hai chục quả cối, đút lòi túi quần nhưng phải đợi mấy thằng cùng xóm mua xong đã. Một lúc chúng cũng len ra, nâng pháo trên tay, mắt sáng rực sung sướng. Ra hàng bóng bay đi chúng mày ôi! Con trai chơi gì bóng bay. Tao mua cho cái Hà, cái Giang nhà tao… Ừ thì đi, nhưng nhanh lên không nhỡ chuyến đò đấy.

Hàng bóng bay làm tôi muốn đứt cả hơi vì thổi. Bóng dày, vo véo một lúc, mà thổi phựt phựt mãi mới nhập nhồ ra vào quả bóng bằng quả quýt. Mua năm nhưng thử đến hai chục, chả phải cẩn thận đâu, nhân thể tết được thổi miễn phí, cho cái mồm ăn tết thật sướng.

Chúng tôi hết tiền mà chợ vẫn đông. Chúng tôi dạo mấy vòng thì về. Ðằng sau, tiếng chợ vẫn như đàn ong triệu con, u u u. Dọc đường, ngược chiều vẫn còn người đến chợ, chợ tết mà, chả có thời gian, bao giờ vãn người thì tự tan.

Tôi lớn lên đi học xa vẫn nhớ cô bạn gái ở quê. Tôi mới dám đến nhà em một lần vì… sợ. Run lẩy bẩy chào bố mẹ, uống nước chè căng cả bụng mà chả nói được câu gì. Thế rồi chợ tết hai đứa rủ nhau đi. Tôi đã nắm tay em suốt cả chợ, biển người đi chơi tết đã che chắn, giúp cậu thiếu niên trở  thành chàng trai. Chợ hôm ấy tan sớm quá, mãi lúc em bảo mình về thôi, tôi mới giật mình… Người ta về hết từ lúc nào, chỉ còn hai đứa vẫn tay trong tay. Có một bà già bán trầu cau vẫn kiên trì đứng, mời mua. Tôi đã mua bảy quả cau, chín lá trầu trong bồng bềnh vô thức...

Rồi cuộc sống, đường đời xô dạt, tôi đã định cư ở miền xa. Mỗi lần tết đến là nỗi nhớ quê thêm quặn thắt. Thị trấn núi, những người tha hương càng gần nhau hơn mỗi dịp tết đến. Anh, em lần lượt đi các nhà gói bánh chưng cho nhau, lần lượt uống rượu ăn tết từng nhà… Tết trên núi đơn giản mà ấm tình, thôi thế cũng vơi đi nỗi nhớ.

Sáng ba mươi nào tôi cũng đi chợ tết, chợ tết khu vực năm xã vùng cao cũng nhiều người giống như tôi, tôi giống như họ. Bán ít thôi, chơi xem nhiều thôi. Ðông nhất là trai gái, chả biết có người yêu, vợ chồng hay chưa… cứ thấy từng đoàn váy áo phần phật chen nhau vào chợ. Chợ là bãi đất giữa thị trấn, ngày thường vài cái bàn bán thịt lợn, vài cái quán hàng xén. Thế mà ba mươi tết, người từ khắp thôn cùng, bản vắng đổ ra hết. Người ôm con gà, người nách con lợn, lưng lù cở ngô, một bung thóc nếp… Họp nhau lại để bán để mang tết về trọn vẹn.

Tôi trôi như con suối mùa xuân, chầm chậm dòng chợ. Tiếng Mông, Thái, Khơ Mú… câu được câu chăng nhưng tiếng cười thì hết. Tươi vui đi hết vào nhau, chả phân biệt ai là dân bản, giáo viên, bộ đội…

Chợ tết là phiên chợ tình. Người miền núi vốn trầm trầm lặng lặng nhưng tết thì khác ngay. Nói cười rôm rả, hẹn nhau đi chơi xuân, dúi vào cho nhau dúm gạo nếp, ít đỗ đậu… Tình trao nhau đấy chứ, đâu cứ con trai con gái đi bắt người yêu, người già gặp lại cố nhân.

Bây giờ cuộc sống nơi nơi cũng tạm đủ đầy. Thầy bói chả nói câu: “số cô không giàu thì nghèo/ ngày ba mươi tết thịt treo trong nhà” nữa. Ngày ba mươi tết, đi chơi chợ tết thấy bao ưu phiền lo toan bay biến. Chân theo dòng người, lòng lâng lâng khó tả. Mùa xuân đang mở cửa, xuân đến sớm ở phiên chợ.

Du An
Bình luận
Back To Top