Đến với bài thơ hay

Rừng mơ

08:52 - Thứ Năm, 02/03/2023 Lượt xem: 3751 In bài viết

Giữa mùa hoa mơ nở

Bước chân vào Hương Sơn

Núi vì hoa trẻ mãi

Đời đời nên Núi Thơm.

 

Rừng mơ ôm lấy núi

Mây trắng đọng thành hoa

Gió chiều đông gờn gợn

Hương bay gần bay xa.

 

Trên thung sâu vắng lặng

Những đài hoa thanh tân

Uống dạt dào mạch đất

Đang kết một mùa xuân

Rồi quả vàng chíu chít

Như trời sao quây quần.

 

Sang xuân người trẩy hội

Nghe khát vị mơ chua

Quả rừng mát hơi núi

Hãy còn vương mùi hoa.

 

Có người bạn xa nước

Yêu sông núi chúng ta

Mùa xuân cũng trẩy hội

Gửi mơ về quê nhà.

Trần Lê Văn

Rừng mơ lưu luyến hồn du khách

Hương Sơn (Núi Thơm) là một thắng cảnh nổi tiếng của nước ta, thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội. Đây là điểm thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước bởi vẻ đẹp nguyên sơ, thần tiên thoát tục. Nhà thơ Trần Lê Văn có một thời gian sống và làm việc ở nơi này như một cán bộ văn hóa - du lịch, vì lẽ đó ông rất am hiểu và dễ hòa điệu hồn thơ tài hoa của mình khi thể hiện cảm xúc trước vẻ đẹp của rừng mơ Hương Sơn. Rừng mơ ra đời quả là một tuyệt bút của tác giả, thể hiện cái nhìn ngưỡng mộ, tự hào trước thiên nhiên đẹp tươi của nước Việt mến yêu.

Bài thơ Rừng mơ có 5 khổ thơ có thể chia thành hai phần chính: Vẻ đẹp Hương Sơn và sức sống của rừng mơ (3 khổ đầu), đồng thời tác giả phác họa bức tranh lễ hội mùa xuân và sản vật quả mơ Hương Sơn lưu luyến hồn du khách (2 khổ cuối). Nhờ đó, vẻ đẹp rừng mơ Hương Sơn không chỉ hiện lên qua ngôn từ mà còn là một thông điệp văn hóa đầy chất thơ, say đắm lòng người.

Với bốn dòng thơ mở đầu, tác giả đã giới thiệu cho người đọc có cái nhìn chung về hình tượng Núi Thơm. Kỳ diệu hơn, chính cái tên Núi Thơm “trẻ mãi” vì có lẽ nằm giữa rừng mơ mướt xanh, thanh khiết.

Sau hình tượng Núi Thơm, tác giả miêu tả vẻ đẹp của rừng mơ. Giữa không gian núi non hùng vĩ, một rừng mơ với đài hoa trắng muốt, hương thơm quyến rũ lạ lùng hiện ra dưới mắt người đọc. Bằng cái nhìn rất lãng mạn, Trần Lê Văn đã làm một cuộc hóa thân kỳ diệu để nhập hồn vào cảnh vật, cảm được nét đẹp hòa quyện của đất trời, màu mây trắng cao xa với muôn ngàn hoa mơ khoe sắc. Bởi lẽ, có được màu hoa mơ trắng muốt nên thơ kia chính là do mây trắng trời cao kết đọng mà thành: Rừng mơ ôm lấy núi/ Mây trắng đọng thành hoa...

Từ “ôm” đã nhân hóa một cách đặc sắc cảnh vật làm cho Núi Thơm và rừng mơ giao hòa, quấn quýt. Rừng mơ trở thành tấm áo choàng ôm lấy Núi Thơm đang ngủ. Đó cũng chính là cảm xúc dịu dàng, đắm say của nhà thơ trước một cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp đến nao lòng.

Đến khổ ba, bút lực Trần Lê Văn tập trung miêu tả sức sống của rừng mơ vào lúc xuân về. Cội nguồn sức sống ấy chính là mạch đất, nhờ đó rừng mơ kết thành những đài hoa thanh tân, trắng muốt bung tỏa đất trời. Sau hoa là quả, những quả mơ chi chít như sao trời tụ về nặng trĩu, long lanh chua ngọt trên cành. Xa hơn, đó còn là sức xuân, vẻ đẹp mùa xuân thiên nhiên căng đầy sức sống: Những đài hoa thanh tân/ Uống dạt dào mạch đất/ Đang kết một mùa xuân/ Rồi quả vàng chíu chít...

Nếu 3 khổ đầu tập trung miêu tả cảnh sắc thiên nhiên, sự giao hòa quyến rũ giữa Núi Thơm và rừng mơ xinh đẹp thì 2 khổ còn lại nhà thơ chú trọng đến con người, đến cảm xúc của du khách trước bức tranh thiên nhiên tuyệt tác ấy. Hoa và quả, quả và người, tất cả dường như giao hòa, quấn quyện thành điệu nhạc tâm hồn xao xuyến, bâng khuâng: Sang xuân người trẩy hội/ Nghe khát vị mơ chua/ Quả rừng mát hơi núi/ Hãy còn vương mùi hoa.

Khổ thơ cuối bài thơ khép lại bằng sự ngợi ca vẻ đẹp của rừng mơ như một bức tranh thiên nhiên tuyệt tác đã níu lòng du khách bốn phương cùng về trẩy hội.

Rừng mơ là bài thơ hay của Trần Lê Văn, thể hiện niềm cảm xúc tự hào về thiên nhiên, đất nước và tấm lòng hiếu khách của người dân Việt Nam đối với bạn bè khắp nơi trên thế giới.

Thục Lê
Bình luận

Tin khác

Back To Top