“Núp bóng” giới thiệu hàng Việt để lừa đảo?

08:50 - Thứ Năm, 18/07/2019 Lượt xem: 13592 In bài viết

Kỳ 2: Cơ quan chức năng nói gì?

ĐBP - Ðể có câu trả lời cho những băn khoăn, thắc mắc không chỉ của những người dân nghèo bản Cộng 2, chúng tôi đã tìm đến các cơ quan được cho là có trách nhiệm liên quan, đó là chính quyền địa phương, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện, Ðội Quản lý thị trường số 2 Tuần Giáo. Song thật đáng tiếc là, câu chuyện về trách nhiệm và giải pháp cho những thua thiệt không đáng có của người dân thì chưa được làm rõ, mà những câu hỏi và con số về quy mô hoạt động, cũng như địa bàn “phủ sóng” của nhóm đối tượng này thì lại cứ mở rộng thêm…

 

Phóng viên làm việc với ông Trần Chí Cương, Ðội trưởng Ðội Quản lý thị trường số 2 Tuần Giáo.

Ðịa chỉ đầu tiên chúng tôi tìm đến là ông Quàng Văn Sung - Chủ tịch UBND xã Chiềng Ðông, người mà các đối tượng đã “mượn tên” để tạo dựng lòng tin với Trưởng bản Cộng 2 Tòng Văn Huyên. Ngay sau khi nghe chúng tôi trao đổi về nỗi bức xúc của người dân bản Cộng 2, trong sự ngỡ ngàng, ông Sung cho biết: “Khoảng mấy ngày trước tôi có tiếp một thanh niên mang giấy giới thiệu của Công ty KYOTO đến, nói là muốn tổ chức hoạt động giới thiệu và bán hàng theo chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tôi có kiểm tra thì thấy dưới góc tờ giấy giới thiệu đó có xác nhận của Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện, nên hoàn toàn tin tưởng và giới thiệu anh ta tới 3 bản là: bản Vánh 2, Cộng 2 và bản Bó. Nhưng cho đến giờ tôi chưa nhận được phản ánh hay bức xúc nào của người dân. Nếu thật là lừa đảo người dân thế thì không thể chấp nhận được”.

Sau câu trả lời này, ông Sung lập tức mở điện thoại, gọi cho 3 trưởng bản nêu trên để xác nhận sự việc. Kết quả là 2/3 trưởng bản thừa nhận có tình trạng nêu trên, 1 bản còn lại là bản Bó thì thông tin: “Họ có hẹn chiều 23/6 sẽ đến, nhưng không thấy bóng dáng đâu”.

Tìm lên Phòng Kinh tế - Hạ tầng, chúng tôi được biết, người xác nhận trong tờ giấy giới thiệu mà các đối tượng tự xưng đại diện Công ty KYOTO xuất trình tại xã Chiềng Ðông là Trưởng phòng Lê Văn Hà. Vì ông Hà đang công tác ở xa, nên chúng tôi chỉ trao đổi được qua điện thoại. Trình bày lý do xác nhận giới thiệu các đối tượng tổ chức hoạt động quảng bá, bán hàng trên địa bàn huyện, ông Hà cho biết: “Chúng tôi đã kiểm tra thì hồ sơ của công ty này đều đầy đủ, bao gồm giấy đăng ký kinh doanh, thông báo các sản phẩm thực hiện khuyến mại… Với lại trước đó công ty đã thông qua Sở Công Thương và hoạt động theo chương trình xúc tiến hàng Việt. Chúng tôi cũng báo cáo và được sự nhất trí của UBND huyện. Còn về giá cả hay chất lượng hàng hóa thì chúng tôi đề nghị bên quản lý thị trường huyện để phối hợp kiểm tra, đảm bảo”.

Dựa trên những trao đổi của Phòng Kinh tế - Hạ tầng, chúng tôi tiếp tục tìm đến Ðội Quản lý thị trường số 2 Tuần Giáo. Tại đây, người đại diện làm việc với phóng viên là ông Trần Chí Cương, Ðội trưởng. Thay vì trả lời ngay vào câu hỏi của phóng viên về sự việc vừa qua ở bản Cộng 2 có phải lừa đảo hay không ông Cương lại thoái thác, cho phóng viên làm thay phần việc của mình. Sau một hồi yêu cầu phóng viên trình bày rõ các đối tượng này bán gì, cam kết gì và có thực hiện đúng cam kết với người dân không, đại diện cơ quan quản lý thị trường mới trả lời vấn đề đặt ra ban đầu. Theo đó ông Cương xác nhận, người trực tiếp đến đặt vấn đề làm việc với ông có tên là Tuấn, tự nhận là nhân viên kinh doanh của Công ty Cổ phần thương mại sản xuất và xuất nhập khẩu KYOTO. Anh này có xuất trình đầy đủ các giấy tờ cần thiết liên quan. Ðơn vị cũng đã yêu cầu phô tô toàn bộ hồ sơ để lưu.

Qua kiểm tra hồ sơ, giấy tờ, thì được biết Công ty KYOTO có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mã số 0107929651, do Sở Kế hoạch và Ðầu tư TP. Hà Nội cấp năm 2017. Trụ sở chính đăng ký tại thôn Ứng Hòa, xã Lam Ðiền, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Kèm theo đó là Thông báo số 126/TB-KM, gửi Sở Công Thương tỉnh Ðiện Biên. Trong đó nêu rõ địa bàn tổ chức thực hiện là trên toàn tỉnh, thời gian từ ngày 17/6 - 17/9/2019. Hình thức khuyến mại là giảm giá và tặng quà đối với các mặt hàng: Máy sữa đậu, nồi áp suất, chảo điện đa dụng, bếp hồng ngoại, có tổng trị giá 139 triệu đồng. Ðiều đáng nói là tất cả sản phẩm tại thông báo này đều thuộc nhãn hàng Maccook, trong khi trên thực tế hàng bán cho người dân lại mang các nhãn hiệu hoàn toàn khác.

Trong suốt quá trình làm việc, ông Cương nhiều lần nhắc đến Nghị định số 51 và 50 của Luật Thương mại, để làm căn cứ cho các hoạt động khuyến mại, giới thiệu và bán hàng của Công ty KYOTO. Tuy nhiên, khi chúng tôi tra các quy định, điều luật liên quan thì chỉ tìm thấy văn bản gần nhất là Nghị định số 81/2018/NÐ-CP của Chính phủ, quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại và đây cũng chính là Nghị định căn cứ được nhắc tới trong Thông báo thực hiện khuyến mại mà công ty này gửi Sở Công Thương Ðiện Biên.

Tạm bỏ qua độ chính xác của điều luật căn cứ, nhưng cứ theo lý giải này của ông Cương thì chỉ cần 1 tờ thông báo đến Sở Công Thương, không cần biết có được chấp thuận hay không, là công ty này như đã cầm trong tay “giấy thông hành” để đến bất cứ địa bàn nào trong tỉnh, công khai tổ chức các hoạt động giới thiệu, bán hàng. Theo thông tin từ cơ sở mà chúng tôi có được, thì nhóm đối tượng này đã tổ chức thực hiện tại nhiều xã trên địa bàn huyện Tuần Giáo, chủ yếu là dọc tuyến quốc lộ 6, quốc lộ 279… Và không ai biết rằng, trong suốt thời gian 3 tháng (từ 17/6 - 17/9) hoạt động theo thông báo, thì công ty này đã, đang và sẽ tổ chức ở những địa bàn nào khác? Liệu sẽ có bao nhiêu nỗi bức xúc như những người dân ở bản Cộng 2?

Mặc dù, theo đại diện cơ quan quản lý thị trường, Công ty phải cam kết bán hàng có niêm yết giá và đảm bảo đúng các quy định về hàng hóa. Song trong trường hợp này ai là người kiểm tra, giám sát những cam kết đó, khi mà đơn vị chịu trách nhiệm chính là Quản lý thị trường thì lại chưa thực hiện được, với lý do “Lực lượng mỏng, mà thời gian vừa rồi anh em phải tham gia cả nhiệm vụ phòng chống dịch tả lợn châu Phi nữa…?!”

Mượn danh bán hàng khuyến mại để lừa đảo người dân là thủ đoạn không mới, nhưng vì thiếu cảnh giác, ham đồ khuyến mại nên nhiều người vẫn bị lừa. Thời gian qua, cơ quan công an một số địa phương trong cả nước đã bắt giữ và xử lý nhiều đối tượng lừa đảo hoạt động với hình thức tương tự. Liệu rằng, vụ việc ở Tuần Giáo vừa qua có đơn thuần là đỉnh cao của những nhà marketing cho các sản phẩm hàng Việt hay thực chất là hoạt động lừa đảo có hệ thống? Vẫn biết người dân phải chịu trách nhiệm chính cho sự “dại dột” của mình, song cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng liên quan trong trường hợp này? Và liệu trong các quy định liên quan của pháp luật hiện hành có đang còn lỗ hổng để các đối tượng có ý đồ xấu lợi dụng “luồn lách” lừa gạt người dân?!

Hà Linh - Tiếu Sinh
Bình luận
Back To Top