Phòng chống bạo lực gia đình

Cần nâng cao hiệu quả các mô hình

09:06 - Thứ Hai, 30/03/2020 Lượt xem: 8941 In bài viết

ĐBP - Bạo lực gia đình (BLGÐ), đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ là vấn đề đã và đang được cả xã hội quan tâm. Tại Ðiện Biên, nhiều hoạt động về phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGÐ) đã được triển khai tích cực như: Mô hình PCBLGÐ; tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; xây dựng gia đình hạnh phúc; gia đình trẻ không có bạo lực hay “Ðịa chỉ tin cậy”...

Người dân xã Lao Xả Phình, huyện Tủa Chùa tham dự buổi ra mắt mô hình “3 không” (Không tảo hôn, không xâm hại trẻ em, không bạo lực gia đình).

Những năm gần đây, các cấp, ngành cùng các địa phương trong tỉnh đã phối hợp triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền về công tác gia đình và PCBLGÐ đến từng thôn bản. Trong đó tập trung tuyên truyền về quyền bình đẳng giới, phê phán hủ tục trọng nam khinh nữ, vấn đề bạo hành trong gia đình... Song song với đó là nêu gương các gia đình tiêu biểu trong xây dựng gia đình văn hóa; gương những già làng, trưởng bản tiêu biểu trong dạy bảo con cháu tuân theo pháp luật, sống hòa thuận, hiếu thảo với ông bà cha mẹ, giữ gìn truyền thống gia đình Việt Nam. Thông qua đó đã từng bước làm thay đổi, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và nhân dân các dân tộc đối với vấn đề bình đẳng giới và PCBLGÐ; xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc, tiến bộ. Qua đó, giúp người dân nhận thức được ý nghĩa của việc giữ gìn đạo đức, lối sống trong gia đình; không phân biệt đối xử giữa con trai, con gái; các con đều được yêu thương, quan tâm, chăm sóc bình đẳng; từng bước xác lập mối quan hệ bình đẳng trong ứng xử vợ chồng để cùng chia sẻ công việc gia đình...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực thì vẫn còn những hạn chế do nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan. Theo số liệu thống kê của Ban Chỉ đạo Công tác gia đình tỉnh, năm 2019, toàn tỉnh đã xảy ra 79 vụ BLGÐ. Trong đó, bạo lực tinh thần 24 vụ, bạo lực thân thể 52 vụ, bạo lực tình dục 2 vụ và 1 vụ bạo lực kinh tế... Các vụ bạo lực đã được can thiệp, xử lý kịp thời; trong đó được đưa ra góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư 38 người, áp dụng các biện pháp giáo dục 10 người, xử phạt vi phạm hành chính 3 người. Nạn nhân bạo lực đã được tư vấn tâm lý, tinh thần, pháp luật và chăm sóc hỗ trợ. Mặc dù đã can thiệp, xử lý kịp thời nhưng sau các vụ BLGÐ vẫn để lại những hậu quả khó khắc phục trong ngày một, ngày hai vì nó xảy ra trong môi trường hẹp từ mối quan hệ gia đình.

Ðể hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng BLGÐ, Ban Chỉ đạo Công tác gia đình tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo với sự tham gia của nhiều ban, ngành, đoàn thể và cán bộ trực tiếp làm công tác gia đình để tìm ra những giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình PCBLGÐ. Ðến nay, mô hình PCBLGÐ đã được triển khai tại 10/10 huyện, thị, thành phố trong tỉnh. Trong đó 60/130 xã, phường đã có ban chỉ đạo; 495 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững và 568 nhóm PCBLGÐ. Các câu lạc bộ, nhóm PCBLGÐ duy trì sinh hoạt định kỳ 2 tháng hoặc mỗi quý 1 lần tùy theo điều kiện kinh phí. Ðể nâng cao hiệu quả và đảm bảo tính thường xuyên, liên tục, các câu lạc bộ, nhóm PCBLGÐ thường tổ chức tuyên truyền lồng ghép trong các buổi họp thôn, bản, tổ dân phố hay các dịp sinh hoạt cộng đồng khác...

Hoạt động chủ yếu của các CLB, nhóm PCBLGÐ là tuyên truyền, triển khai hoạt động, ngăn chặn và giải quyết kịp thời khi có hành vi bạo lực gia đình hoặc nguy cơ bạo lực gia đình xảy ra. Ngoài ra, các CLB, nhóm PCBLGÐ còn hỗ trợ các “địa chỉ tin cậy” trên địa bàn mình hoạt động. Hiện nay, toàn tỉnh có 863 địa chỉ tin cậy, đó là các địa chỉ sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời cho nạn nhân bị bạo lực gia đình, tránh rủi ro về sức khỏe, tính mạng, giảm thiểu được hậu quả của BLGÐ. Bên cạnh đó, các câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững được thành lập ở cấp thôn, bản cũng là nơi để các gia đình trên địa bàn dân cư thôn/xóm/phố tham gia sinh hoạt, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về đời sống gia đình, PCBLGÐ và các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình. Các thành viên của mỗi gia đình đều có thể tham gia sinh hoạt câu lạc bộ, không giới hạn độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp.

Có thể thấy, một số nguyên nhân ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của công tác gia đình như: Trình độ nhận thức của nhân dân không đồng đều, trình độ dân trí còn thấp, tập trung nhiều ở phụ nữ và đặc biệt là những nạn nhân của bạo lực gia đình (mặc cảm thân phận, chưa cố gắng vượt qua hoàn cảnh nên việc tiếp cận với các tổ chức đoàn thể hay tham gia các hoạt động sinh hoạt cộng đồng tại địa phương còn ít, dẫn tới hiểu biết pháp luật hạn chế). Bên cạnh đó, việc nhận thức về vị trí, vai trò của mình trong gia đình, xã hội vẫn chưa được quan tâm đúng mức, năng lực tự bảo vệ mình chưa cao do đó họ dễ trở thành mục tiêu của nạn bạo hành, BLGÐ. Một số trường hợp nạn nhân im lặng, cam chịu không khai báo, đôi khi còn che giấu, nhất là liên quan đến bạo lực tình dục dẫn tới khó khăn trong việc nắm bắt thông tin, xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng.

Ðể nâng cao hiệu quả công tác gia đình và PCBLGÐ, trước hết mỗi người dân hãy vì mình, vì cộng đồng để nâng cao ý thức về gia đình và PCBLGÐ. Tích cực tham gia vào các mô hình, câu lạc bộ để củng cố sự hiểu biết về pháp luật, có khả năng tự bảo vệ trong mọi hoàn cảnh. Bên cạnh đó, các tổ chức, đoàn thể cũng cần tiếp tục đa dạng hóa hình thức hoạt động các mô hình, câu lạc bộ để thu hút nhiều người dân tham gia...

Bài, ảnh: Văn Thành Chương
Bình luận
Back To Top