Chính trịXây dựng Đảng

Nghị quyết trồng rừng ở Mường Nhé không đạt mục tiêu: Bài học từ thiếu bám sát thực tiễn

Bài 4: Khó chồng khó

09:07 - Thứ Sáu, 08/10/2021 Lượt xem: 4237 In bài viết

ĐBP - Sau nhiều năm trồng và chăm sóc, đến nay cây keo đã bước vào thời kỳ cho thu hoạch, thế nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa thể chi trả tiền công, hỗ trợ gạo đầy đủ cho người trồng keo như lời hứa khi tuyên truyền, thuyết phục người dân tham gia dự án. Người dân đã góp đất trồng rừng, không còn đất làm nương mà tiền công và hỗ trợ bao năm chưa được hưởng khiến cuộc sống khó khăn. Nhiều hộ dân không còn mặn mà với việc chăm sóc diện tích keo đã trồng; thậm chí có trường hợp muốn chặt bỏ để thay thế bằng loại cây trồng khác.

Bài 1: Viễn cảnh tươi sáng

Bài 2: Kỳ vọng lớn, thất vọng nhiều

Bài 3: Chậm giải quyết, dân chịu thiệt

Người dân bản Cà Là Pá, xã Leng Su Sìn kiến nghị về việc hỗ trợ chế độ, chính sách trồng keo. Ảnh: P.V

Chậm chi trả tiền công

Diện tích trồng keo của gia đình anh Sừng Go Cà, bản Suối Voi, xã Leng Su Sìn nằm cạnh quốc lộ 4H. Vị trí trồng và chăm sóc khá thuận lợi nhưng chúng tôi không khỏi buồn lòng khi chứng kiến rừng keo cỏ mọc um tùm bởi đã lâu không được chăm sóc, phát dọn. Gia đình anh Cà trồng hơn 7.000m2 keo tai tượng từ năm 2017 do UBND xã Leng Su Sìn làm chủ đầu tư. Nhưng đến năm 2019, gia đình anh mới được hỗ trợ hơn 2 triệu đồng tiền công trồng và chăm sóc rừng từ năm 2017; còn việc hỗ trợ gạo cho hộ nghèo trồng rừng thì chưa được nhận. Ðiều đó đã khiến anh Cà không còn quan tâm đến việc chăm sóc, bảo vệ rừng keo.

Anh Cà chia sẻ: “Cấp ủy, chính quyền địa phương phát động trồng keo, gia đình tôi tham gia trồng hơn 7.000m2 đến nay đã gần 5 năm rồi. Thế nhưng từ khi trồng đến nay mới được hỗ trợ hơn 2 triệu đồng, còn thì chưa được nhận thêm gì hết. Trồng keo không mang lại hiệu quả thì tôi tính phát đi để làm nương thôi. Cứ để như thế này có lợi ích gì đâu. Chặt đi để trồng ngô, sắn năm sau còn có cái ăn”.

Năm 2017, cấp ủy chính quyền xã Leng Su Sìn đã vận động nhân dân thực hiện trồng cây keo tai tượng thay thế nương với diện tích thiết kế hơn 70ha, thực hiện được 54,25ha và đến nay chỉ có 49,25ha đủ điều kiện nghiệm thu. Xã đã chi trả tiền công chăm sóc năm thứ nhất hơn 157 triệu đồng cho các hộ trồng rừng; còn tiền công chăm sóc từ năm thứ 2 (hơn 89 triệu đồng) và thứ 3 (gần 50 triệu đồng) chưa chi trả cho người dân. Ðối với diện tích trồng năm 2018, anh Và A Dia, cán bộ địa chính xã Leng Su Sìn cho biết: “Năm 2018, trên địa bàn xã có khoảng 2ha và chính quyền xã quyết định không trồng thêm diện tích keo nhưng đơn vị cung ứng giống đã chuyển cây đến nên người dân lại phải trồng. Và diện tích này không nằm trong thiết kế, cùng với đó là nhiều chỗ cây không đủ tiêu chuẩn nên người dân chưa được nghiệm thu thanh toán, hỗ trợ”.

Không riêng xã Leng Su Sìn mà tại hầu hết các xã thực hiện trồng rừng sản xuất, người dân đều chưa được chi trả đầy đủ tiền công trồng và chăm sóc cây. Theo báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ trồng rừng sản xuất giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn huyện Mường Nhé, tổng kinh phí đã thực hiện hỗ trợ cho các hộ gia đình tham gia trồng, chăm sóc rừng sản xuất gần 5 tỷ đồng; số kinh phí chưa thực hiện hỗ trợ là hơn 1,5 tỷ đồng. Trong đó, chưa hỗ trợ tiền cây giống và công trồng, chăm sóc rừng trồng năm 2018 là hơn 606 triệu đồng với diện tích 60,65ha (10 triệu đồng/ha); chưa hỗ trợ công chăm sóc rừng trồng năm thứ 2 (trồng năm 2017) là hơn 218 triệu đồng cho diện tích hơn 120ha (1,8 triệu đồng/ha); chưa hỗ trợ công chăm sóc rừng trồng năm thứ 3 (trồng năm 2017) là 310 triệu đồng cho diện tích 131,57ha (1,0 triệu đồng/ha); chưa hỗ trợ công chăm sóc rừng trồng năm thứ 4 (trồng năm 2017) là gần 93 triệu đồng với diện tích 132,66ha (0,7 triệu đồng/ha).

Thiếu kinh phí hỗ trợ gạo

Cùng với việc chưa chi trả tiền công trồng và chăm sóc rừng cho các hộ gia đình tham gia trồng rừng sản xuất, từ năm 2017 đến nay các hộ dân tham gia trồng rừng trên địa bàn huyện Mường Nhé cũng chưa nhận được hỗ trợ gạo.

Ðiển hình như trên địa bàn xã Quảng Lâm, chỉ có diện tích rừng trồng năm 2016 do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư là người dân được hỗ trợ gạo nhưng cũng mới thực hiện hỗ trợ được năm thứ nhất (trị giá gần 480 triệu đồng), 6 tháng đầu năm 2017 (gần 219 triệu đồng) và năm thứ 3 (hơn 57 triệu đồng). Còn diện tích trồng năm 2017 do UBND xã Quảng Lâm làm chủ đầu tư thì các hộ dân tham gia trồng rừng sản xuất không được hỗ trợ do không bố trí được nguồn. Theo tổng hợp về nhu cầu kinh phí trợ cấp gạo cho hộ nghèo tham gia trồng, chăm sóc rừng trồng sản xuất thay thế nương rẫy chưa được hưởng trợ cấp trong 4 năm (2017 - 2020) thì còn thiếu trên 10 tấn gạo (tương đương gần 144 triệu đồng).

Anh Vũ Văn Toàn, cán bộ địa chính xã Quảng Lâm cho biết: Việc hỗ trợ gạo cho các hộ nghèo tham gia trồng rừng có 2 cách tính: Thứ nhất là tính theo khẩu thì 15kg/người/năm; cách thứ 2 là tính theo hộ thì không cần biết gia đình có bao nhiêu khẩu mà tổng hỗ trợ trong 1 năm là 700kg gạo/ha. Chính quyền xã đã làm dự trù kinh phí hỗ trợ và đề nghị huyện hỗ trợ nhưng UBND huyện không thể “xoay” đâu được kinh phí hỗ trợ gạo cho bà con.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Nhé cho biết: Giai đoạn trồng rừng từ năm 2016 - 2020, đến nay huyện mới thực hiện cấp phát gạo cho các hộ dân tham gia trồng rừng năm 2015 và 2016 song vẫn còn thiếu theo quy định: Năm thứ 2 (2017) thiếu 6 tháng; năm thứ 3 (2018) thiếu 3 tháng; năm thứ 4 (2019) thiếu 1 tháng; năm thứ 5 (2020) chưa thực hiện. Ðến thời điểm này, tất cả các hộ nghèo tham gia trồng rừng 2 năm (2017 - 2018) chưa được hỗ trợ gạo. Ước tổng số lượng gạo hỗ trợ cho hộ nghèo thực hiện trồng rừng giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn huyện là 684,715 tấn, kinh phí gần 9,6 tỷ đồng.

Những gì đã và đang diễn ra xung quanh việc thực hiện Nghị quyết về trồng rừng khiến cuộc sống người dân có phần khó khăn hơn. Người trồng rừng chờ đợi vào chính sách hỗ trợ tiền công và gạo nhưng nay đến cả hai nội dung hỗ trợ đều chậm và thiếu.

Bài 5: Chưa có lời giải cho bài toán đầu ra

Văn Tâm - Phạm Quang
Bình luận
Back To Top