Chính trịXây dựng Đảng

Bài dự thi Giải Báo chí quốc gia về xây dựng Đảng

Tận hiến cho Đảng, cho dân

07:15 - Thứ Sáu, 16/09/2022 Lượt xem: 4316 In bài viết

ĐBP - Địa danh Điện Biên được vua Thiệu Trị đặt năm 1841. “Điện” nghĩa là vững chãi, “Biên” là biên ải, với mong muốn biên giới của đất nước ta luôn vững chãi, ổn định. Trải qua dặm dài lịch sử, đặc biệt là từ khi có Đảng lãnh đạo, cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang cùng nhân dân các dân tộc Điện Biên đã giành từ thắng lợi này, đến thắng lợi khác. Trong đó, một lực lượng không thể không nhắc tới, đó là Bộ đội Biên phòng - những người lính mà nhiệm vụ xuyên suốt là “giữ vững vùng biên ải”...

Bài 1: Lực lượng đa nhiệm vụ

Điện Biên là tỉnh duy nhất của nước ta giáp 2 nước: Lào, Trung Quốc, có đường biên giới dài trên 455km. Với chức năng, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Nhân dân giao phó, từ khi thành lập (ngày 7/2/1963) đến nay, lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Lai Châu (cũ) nay là Điện Biên và Lai Châu thường xuyên có mặt ở mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa, gắn bó mật thiết với nhân dân địa bàn biên giới.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sen Thượng thăm, động viên hộ nghèo, neo đơn bản Tả Ló San, xã Sen Thượng (huyện Mường Nhé).

Trao đổi với Đại tá Cao Thế Khiển, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh từ năm 1995 - 2008, ông là chỉ huy trưởng đầu tiên của BĐBP Điện Biên sau khi chia tách từ tỉnh Lai Châu (năm 2004). Đại tá Khiển chia sẻ: Để Điện Biên luôn là “vùng biên ải vững chãi” thì nhiệm vụ của chúng tôi không chỉ là bảo vệ đường biên, mốc quốc giới mà với đặc thù địa bàn miền núi xa xôi, cách trở, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng còn thấp kém, nhận thức đồng bào không đồng đều... thì mỗi cấp ủy, chỉ huy đơn vị, đồn biên phòng, từng đảng viên là cán bộ, chiến sĩ đều phải xác định tham mưu tích cực cho cấp ủy Đảng, chính quyền, đồng hành trên mọi lĩnh vực với nhân dân địa bàn biên giới.

Ngay sau khi chia tách và đi vào hoạt động, ngày 2/3/2004, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành quyết định thành lập Đảng bộ, chỉ định Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ BĐBP tỉnh Điện Biên với 11 đồng chí. Mục tiêu khái quát được Ban Chấp hành BĐBP tỉnh xác định trong giai đoạn này là: BĐBP Điện Biên tiếp tục hoàn thiện bộ máy sau chia tách, tham gia xây dựng, củng cố hệ thống cơ sở chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, giúp nhân dân biên giới xóa đói, giảm nghèo. Trong giai đoạn này, các hoạt động nghiệp vụ, công tác của lực lượng đều đã gắn với việc “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” (nay là Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh); “Lời dạy của Bác Hồ đối với BĐBP”; thực hiện cuộc vận động “phát huy truyền thống, giữ vững kỷ cương, sống có tình thương, đề cao trách nhiệm” trong BĐBP tỉnh và các phong trào thi đua yêu nước do địa phương phát động...

Nói về sự đóng góp của lực lượng BĐBP tỉnh trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, Đại tá Nguyễn Thanh Dịu, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP tỉnh cho biết: Từ năm 2004 đến nay, lực lượng BĐBP tỉnh đã tham gia rất nhiều nội dung xây dựng cơ sở chính trị, các dự án phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, giáo dục, y tế, an sinh xã hội... địa bàn biên giới. Công tác Đảng, công tác chính trị, vận động quần chúng là tiền đề, là cơ sở định hướng để lực lượng BĐBP thực hiện tốt các nhiệm vụ nghiệp vụ, chuyên môn. Nói một cách dễ hiểu là BĐBP muốn giữ vững đường biên, mốc giới thì cần có sự chung tay đồng lòng của nhân dân - những “cột mốc sống”; muốn ngăn chặn tội phạm (ma túy, buôn bán người...) qua biên giới thì cần có sự cảnh giác, tham gia tố giác tội phạm của quần chúng. Vì vậy, để dân phục, dân tin, dân chung tay hỗ trợ thì BĐBP cần sâu sát gần dân, giúp đỡ dân, bảo vệ dân, chủ trương “Quân với dân một ý chí” giữa lực lượng BĐBP với nhân dân khu vực biên giới được nâng lên một tầm cao mới. Từ đó phát huy tối đa vai trò của BĐBP trong công tác xây dựng hệ thống chính trị từ cơ sở.

Cụ thể, về công tác xây dựng cơ sở chính trị, thực hiện Đề án BĐBP tham gia các chương trình kinh tế - xã hội ở các xã biên giới, đã có 29 đội tăng cường xã với trên 94 cán bộ, đảng viên BĐBP tăng cường cho 29 xã biên giới, trong đó có 1 đồng chí là bí thư đảng ủy xã, 28 đồng chí phó bí thư đảng ủy xã. Tổng kết 15 năm thực hiện Đề án, lực lượng tăng cường xã đã tập trung tuyên truyền các lĩnh vực quan trọng như: Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc, Đại hội Đảng các cấp; các Nghị định, Chỉ thị, Luật của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tư lệnh BĐBP về công tác biên phòng, an ninh biên giới quốc gia... với trên 2.300 buổi, với trên 85.500 lượt người nghe; vận động nhân dân và các ban, ngành, đoàn thể địa phương tham gia trên 33.200 bài dự thi về Luật Biên giới quốc gia. Đặc biệt, trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền, các đội tăng cường xã BĐBP đã tham mưu cho các xã biên giới tổ chức tốt đại hội chi, đảng bộ cấp cơ sở, bầu cử HĐND các cấp; tham mưu thành lập 19 chi đảng bộ xã biên giới và 102 chi bộ thôn bản, tham mưu bồi dưỡng kết nạp gần 1.100 đảng viên, góp phần xóa 77 bản chưa có đảng viên. Tham mưu nhân sự phục vụ việc chia tách, thành lập mới các xã: Quảng Lâm, Nậm Kè, Sen Thượng (huyện Mường Nhé); Nà Khoa, Nậm Nhừ, Nà Bủng, Vàng Đán, Phìn Hồ, Na Cô Sa (huyện Nậm Pồ); Na Sang, Ma Thì Hồ (huyện Mường Chà); Hua Thanh, Na Tông, Phu Luông (huyện Điện Biên).

Các đội tăng cường xã cùng cấp ủy, chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng đã chung tay với Đảng bộ, chính quyền cơ sở vận động 12.500 hộ định canh, định cư, làm mới trên 500km đường giao thông nông thôn, trên 168km kênh mương thủy lợi, điển hình là tại các huyện Mường Nhé, Mường Chà; tham mưu và tham gia trên 2.215 ngày công giúp các trường tu sửa 291 trường học, vận động gần 13.300 học sinh đến trường. Cùng với đó, nhằm giúp nhân dân biên giới xóa đói, giảm nghèo, phổ cập giáo dục... bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực, thời gian qua, BĐBP tỉnh đã xây dựng và triển khai các chương trình như: Bò giống giúp người nghèo biên giới (đã trao 260 con bò giống cho 260 hộ nghèo ở 4 huyện biên giới); khai hoang, cải tạo ruộng nước; hiện đang thực hiện hiệu quả chương trình “Nâng bước em đến trường” “Con nuôi đồn biên phòng” hỗ trợ nâng bước đến trường cho 73 học sinh (66 học sinh người Việt Nam, 7 em nước bạn Lào)...

Việc thực hiện “đa nhiệm vụ” của BĐBP Điện Biên trong bất cứ giai đoạn nào đã trở thành nền nếp, thói quen của từng cán bộ, đảng viên trong lực lượng. Theo Thiếu tá Nguyễn Xuân Hướng, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Sen Thượng: Nhiều nhiệm vụ, phần việc của cán bộ, chiến sĩ đơn vị nằm ngoài kế hoạch như khi xảy ra thiên tai, địch họa, dịch bệnh, BĐBP lập tức có mặt để giúp đỡ nhân dân như một “mệnh lệnh của trái tim”. Ngoài ra, chúng tôi còn chủ động nhìn nhận, nắm bắt từ thực tế để “tìm” những phần việc nhân dân cần sự giúp đỡ, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và trực tiếp tham gia tích cực, hiệu quả.

Bài 2: Những hạt nhân tiếp nối

Bài, ảnh: Duy Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top