Người nuôi cá gồng mình qua nắng hạn

19:19 - Thứ Tư, 24/04/2024 Lượt xem: 4769 In bài viết

ĐBP - Nắng nóng gay gắt kéo dài khiến mực nước ở các ao, hồ nuôi cá trên địa bàn huyện Điện Biên xuống thấp, tiệm cận mực nước chết, một số ao đã cạn trơ đáy. Cùng với đó mưa dông đã làm môi trường thay đổi đột ngột khiến cá nuôi bị chết nhiều, cả cá giống và cá thương phẩm. Tình trạng này không chỉ gây thiệt hại lớn cho người nuôi cá mà còn ảnh hưởng đến nguồn cung ứng cá giống trong vụ tiếp theo.

Ao cá của gia đình ông Đinh Văn Sơn cạn kiệt nước.

Vụ cá đầy khó khăn

Tại huyện Điện Biên, những tháng qua, nhiều hộ gia đình nuôi cá ao đứng ngồi không yên vì nỗi lo hạn hán. Gia đình ông Đinh Văn Sơn, thôn Việt Thanh 4, xã Thanh Chăn (huyện Điện Biên) đã có thâm niên nuôi cá giống hàng chục năm nay. Thế nhưng nắng hạn đã làm hầu hết các ao nuôi cá của gia đình ông cạn trơ đáy. Thiếu nước, thiếu oxy, trong khi không dám cho ăn (do sợ lượng thức ăn dư thừa làm ô nhiễm nước) dẫn đến cá giống chết hàng loạt, gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế cho gia đình ông.

Ông Đinh Văn Sơn chia sẻ: “Gia đình tôi có 7 ao nuôi cá giống, với tổng diện tích mặt nước khoảng 5.000m2, chủ yếu là nuôi cá trắm, trôi, rô phi. Thế nhưng từ đầu năm đến nay, nắng nóng kéo dài, ít mưa đã làm 6/7 ao nuôi cá giống của gia đình bị cạn kiệt, ao còn lại cũng tiệm cận mực nước chết. Những năm trước, thời điểm này gia đình tôi bán được hàng tạ cá giống cho vụ mới, nhưng năm nay không còn cá để bán. Nắng nóng, hạn hạn khiến cá giống chết hết.”

Nắng nóng khiến ao cá của gia đình ông Trần Văn Yên cạn trơ đáy.

Tương tự, gia đình ông Trần Văn Yên, thôn Hồng Thanh 7, xã Thanh Chăn là một trong những hộ nuôi cá giống và cá thịt (chủ yếu cá giống) có quy mô lớn nhất xã Thanh Chăn bị thiệt hại nặng nề do nắng nóng, hạn hán. Hiện nay, gia đình ông có 6 ao nuôi cá, trong đó có 1 ao nuôi cá thịt, 1 ao nuôi cá bố mẹ, còn lại các ao nuôi cá giống, với tổng diện tích hơn 11.000m2 mặt nước. Mặc dù có kinh nghiệm nuôi cá 38 năm, nhưng năm nay hạn hán đã làm gia đình ông thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Theo ông Trần Văn Yên, chưa năm nào mực nước ao xuống thấp kỷ lục như năm nay. Hầu hết các ao cá nuôi cá giống đã cạn trơ đáy, ao còn nước thì giảm sâu hơn 1m so với năm trước và tiệm cận mực nước chết. Mặc dù đã dùng thuốc, sục khí liên tục nhưng do lượng nước quá ít, cùng với đó nước bẩn (do không lưu thông) nên không đủ cung cấp ôxy cho cá, vì vậy suốt từ đầu năm đến nay cá chết liên tục, trong đó, có ao chết hơn 3 tạ cá giống.

Ao nuôi cá của các hộ dân tham gia mô hình nuôi cá trắm đen tại xã Thanh Nưa đã cạn khô nước.

Nắng nóng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến mô hình nuôi cá theo các chương trình dự án. Điển hình, mô hình nuôi cá trắm đen do Trung tâm Khuyến nông giống cây trồng, vật nuôi tỉnh triển khai thực hiện từ tháng 4/2023 - 12/2024 trên địa bàn xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên. Tham gia mô hình có 8 hộ dân tại thôn Thanh Bình, Nà Lốm và Hồng Lạnh. Nắng nóng kéo dài đã làm mực nước ao các của hộ dân tham gia mô hình xuống thấp, xuất hiện tình trạng cá chết, người dân phải mượn ao, dồn nước nhiều ao lại thành một để duy trì cá trong mô hình.

Cơ quan chức năng và các hộ dân tham gia mô hình nuôi cá trắm đen tìm cách dồn ao, dồn nước duy trì mô hình.

Anh Trần Trung Kiên, cán bộ kĩ thuật Trung tâm Khuyến nông giống cây trồng, vật nuôi tỉnh cho biết: Mô hình đến hết năm nay mới kết thúc, nhưng đợt nắng nóng vừa qua đã làm 5/8 ao của các hộ dân tham gia mô hình ở 2 thôn Thanh Bình và Hồng Lạnh bị cạn nước. Để duy trì mô hình, người dân phải dồn ao, dồn nước. Còn đối với 3 ao ở thôn Nà Lốm mặc dù còn nước, nhưng chỉ còn khoảng 50cm. Nước ít, cộng với gần một tháng người dân không dám cho ăn khiến cá chết rải rác. Những ngày qua, có xuất hiện mưa, nhưng lượng nước không đủ thấm đất. Mặc dù mô hình đến tháng 12/2024 mới kết thúc, nhưng trong thời gian tới, nắng nóng tiếp tục kéo dài thì phải kết thúc mô hình sớm hơn.

Chống chọi qua cơn hạn

Toàn huyện Điện Biên có hơn 622ha mặt nước nuôi cá, với tổng sản lượng hơn 1.622 tấn. Trong đó, tập trung nhiều tại các xã Thanh Chăn, Thanh Hưng, Thanh Nưa, Noong Luống… Đợt nắng nóng vừa qua đã làm mực nước sông suối, ao hồ cạn kiệt; nhiều hộ dân nuôi cá ao, nhất là khu vực trên kênh từ Thanh Nưa đến Noong Luống bị thiệt hại nặng.

Nắng nóng, mực nước cạn khiến cá giống chết, ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn cung cho người nuôi thương phẩm.

Cá giống chết làm vỡ kế hoạch nguồn cung cá giống cho người nuôi cá thương phẩm trên địa bàn tỉnh. Điển hình như gia đình ông Trần Văn Yên, thôn Hồng Thanh 7, xã Thanh Chăn, trung bình mỗi năm cung cấp khoảng 15 tấn cá thịt và sản xuất từ 3 - 5 triệu con cá giống cung ứng cho thị trường. Nhưng năm nay nắng nóng làm cá giống gia đình ông chết gần hết, không còn để cung ứng thị trường.

Huyện Điện Biên có diện tích mặt nước nuôi cá giống lớn nhất tỉnh. Thông thường từ tháng 5 hàng năm trở đi, người nuôi cá sẽ bắt đầu đợt thả cá giống để nuôi. Trong điều kiện thời tiết như hiện nay, việc cung ứng con giống gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến sự phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh; khan hiếm nguồn cung, giá cả có thể tăng cao nếu nhập từ ngoài tỉnh.

Hàng ngày gia đình bà Lê Minh Liễu đều phải bơm nước giếng bổ sung vào ao nhằm duy trì đàn cá giống.

Để chống chọi cơn hạn hán, nhiều hộ dân đã chủ động bơm nước giếng bổ sung cho ao cá. Như gia đình bà Lê Minh Liễu, thôn Việt Thanh 4, xã Thanh Chăn, hơn 2 tháng nay phải bơm nước giếng cho ao cá giống để cầm cự đợi mưa, mỗi tháng mất từ 700 - 900 nghìn đồng tiền điện cho việc bơm nước. Nếu trong những ngày tới không mưa thì nước giếng cũng cạn.

Đối với người nuôi cá thương phẩm, để chống chọi với hạn hán đã chấp nhận thu hoạch sớm hơn so với thời vụ. Gia đình ông Quàng Văn Sương, đội 6, xã Thanh Chăn chia sẻ: Nắng nóng đã làm ao nuôi cá của gia đình cạn kiệt (mực nước chỉ còn 30cm). Mặc dù cá còn bé nhưng để giảm thiệt hại do nắng nóng nên gia đình tôi đã tháo nước, thu hoạch sớm hơn so với mọi năm. Cá nhỏ nên giá thấp, nhưng còn hơn để cá chết. Xong vụ này, tôi quyết định san lấp ao và chuyển sang trồng cây ăn quả.

Gia đình ông Quàng Văn Sương thu hoạch sớm để tránh thiệt hại do cá chết.

Theo ông Chu Văn Bách, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên: Thời gian qua, huyện đã chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai đồng bộ các biện pháp chống hạn, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại đối với hoạt động nuôi cá. Khuyến cáo người dân không nên nuôi cá tại những nơi không đảm bảo nguồn nước, thả giống với mật độ hợp lý. Còn những hộ nuôi cá lồng, bè thì chú ý theo dõi chặt chẽ lượng nước tại hồ chứa, nhằm chủ động di dời kịp thời đàn cá đến nơi an toàn. Nếu trong trường hợp gần xuất bán mà nguồn nước bị khô kiệt thì tiến hành thu hoạch sớm, nhằm tránh rủi ro xảy ra. Bên cạnh đó, trong điều kiện nắng nóng gay gắt, người nuôi cần điều phối lượng thức ăn phù hợp, tránh dư thừa gây ô nhiễm nguồn nước làm chết cá.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top