Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia thảo luận tại hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13

21:16 - Thứ Tư, 26/10/2016 Lượt xem: 3491 In bài viết

ĐBP - Ngày 26/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13. 

 

Đại biểu Sùng A Hồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh phát biểu tham gia vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13. 

Phát biểu tại phiên thảo luận, Thiếu tướng Sùng A Hồng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh - có ý kiến, cần phải nghiên cứu, xem xét thật kỹ lưỡng việc sửa đổi, bổ sung lần này, để đảm bảo tính chính xác, ổn định lâu dài của Bộ luật; không tán thành với quy định của Dự thảo Luật về việc xác định hàm lượng chất ma túy trong xử lý hình sự vì quy định này chưa phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, gây ra nhiều khó khăn, bất cập, không khả thi trong quá trình áp dụng. Đại biểu cho rằng, quy định về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi tại Bộ luật Hình sự năm 1999 rất đầy đủ, chặt chẽ và phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay. Do đó, nội dung này đề nghị giữ nguyên như Bộ luật Hình sự năm 1999. Ngoài ra, đại biểu còn có một số ý kiến như không đồng tình với việc bỏ quy định về loại bỏ tội hoạt động phỉ; tán thành với việc bổ sung quy định các loại cây khác có chứa chất ma túy thuộc danh mục do Chính phủ ban hành…
 

Đại biểu Trần Thị Dung, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phát biểu tại phiên thảo luận. 

Đại biểu Trần Thị Dung - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - đề nghị việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự phải tuân thủ triệt để nguyên tắc như Tờ trình của Chính phủ đã nêu. Theo đó, việc sửa đổi không làm thay đổi những chính sách lớn của Bộ luật Hình sự đã được Quốc hội khóa XIII thông qua và không đặt ra vấn đề mới dẫn đến việc phải sửa đổi, bổ sung các luật khác đang được lùi hiệu lực thi hành cùng Bộ luật Hình sự năm 2015. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, Dự thảo Luật có rất nhiều chính sách mới ví dụ quy định về pháp nhân thương mại đã bổ sung 8 điều, 16 nội dung. Đại biểu đề nghị cần cân nhắc kỹ vấn đề này vì theo quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì những vấn đề liên quan đến chính sách phải đánh giá tác động...

Tiếp theo Chương trình, ngày mai, 27/10, Quốc hội thảo luận về các Dự án luật: Quản lý ngoại thương; Trợ giúp pháp lý (sửa đổi); Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi).

Mai Hồng
Bình luận
Back To Top