Đại tướng trong lòng dân

15:09 - Thứ Năm, 19/01/2017 Lượt xem: 5305 In bài viết
ĐBP - Xã Mường Phăng, huyện Điện Biên - nơi cách đây hơn 62 năm, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ đặt sở chỉ huy. Ngày ấy, Mường Phăng còn hoang sơ, chỉ có vài chục hộ người dân tộc Thái sinh sống; những cánh rừng nguyên sinh của Mường Phăng như cánh tay người mẹ dang rộng che chở cho các con. Cuộc sống của đồng bào cơm chưa đủ no, mặc chưa đủ ấm nhưng bà con vẫn dành cơm, sẻ áo cho bộ đội Cụ Hồ đánh thực dân Pháp.

Hơn 62 năm qua nhưng những ký ức về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các tướng lĩnh chỉ huy chiến dịch vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí người Mường Phăng. Người Mường Phăng vẫn gọi khu Sở Chỉ huy Chiến dịch với cái tên kính trọng "rừng Đại tướng", khu rừng vẫn được bà con trong bản bảo vệ tốt, những cây cổ thụ từ ngày Đại tướng về đây chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn xanh tốt, tỏa bóng xuống ngôi nhà ở của Đại tướng. Cây bưởi ngay trước cửa hầm Đại tướng vẫn ra quả mỗi mùa như sự tri ân với Đại tướng, người Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam.

 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng năm 1994. Ảnh tư liệu

Khu di tích lịch sử được xếp hạng đặc biệt này hàng năm vẫn đón hàng triệu du khách đến tham quan, tưởng nhớ về Đại tướng. Những hình ảnh của Đại tướng và đoàn quân Việt Minh vượt đèo băng suối về đây đánh giặc vẫn hiện hữu trong tâm trí người Mường Phăng.

Theo lời kể của các cụ già, thì núi rừng Tây Bắc những ngày đầu năm 1954 như trảy hội, ban đêm bỗng trở nên sống động. Xe kéo pháo, xe vận tải ì ì nối đuôi nhau. Những đoàn người dài vô tận. Các chiến sỹ với những súng ống, gạo, đạn đầy ắp trên người, đi hàng một, bước gấp. Phong phú là màu sắc của những đoàn dân công, những đoàn xe đạp thồ như những đàn voi con. Người miền xuôi, không ít đồng bào từ sau lưng địch ra, kĩu kịt trên vai đôi quang gánh. Tiếng hò Bắc véo von, giọng hò Khu Tư trầm và ấm. Đồng bào dân tộc vùng cao, với những bộ quần áo đẹp nhiều màu sắc, người gùi gạo, người dắt ngựa... Có anh chiến sỹ hậu cần dẫn theo cả một đàn lợn. Tất cả đều đi về một hướng Điện Biên Phủ.

Trở lại thăm Mường Phăng những ngày đầu tháng 10, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên về tình cảm của nhân dân các dân tộc Mường Phăng dành cho Đại tướng. Hôm ấy đúng tròn 3 năm ngày Đại tướng ra đi, bà con trong xã không ai bảo ai, nhà nào cũng làm mâm cơm, tưởng nhớ đến Đại tướng. Cụ Lò Thị Đôi, dù đã bước vào tuổi xưa nay hiếm nhưng cụ vẫn minh mẫn kể cho chúng tôi nghe những ngày Đại tướng cùng các đại đoàn về đây chuẩn bị cho trận quyết chiến với thực dân Pháp trên chiến trường Điện Biên Phủ.

Dù câu chuyện bị ngắt quãng vì tuổi cao, sức yếu nhưng với trí nhớ của mình qua các câu chuyện cụ Lò Thị Đôi kể, chúng tôi đã hiểu thêm về tình cảm của đồng bào dành cho Đại tướng và những người lính bộ đội Cụ Hồ. Một đội quân Việt Minh mới được thành lập 10 năm với vũ khí lạc hậu so với một quân đội thực dân hùng mạnh trải qua nhiều trận chiến. Để chiến thắng đội quân ấy, nhân dân các dân tộc cả nước nói chung và nhân dân các dân tộc Mường Phăng nói riêng đã góp công sức của mình để làm lên chiến thắng lịch sử.

Cụ Đôi đã vận động phụ nữ trong bản đóng góp lương thực, thực phẩm cho bộ đội; tiếp tế lương thực cho chiến sỹ phục vụ chiến trường. Chỉ tay về đỉnh núi Pú Đồn, cụ Đôi cho biết: Trên đó chính là đài quan sát của Đại tướng và Sở Chỉ huy chiến dịch để nắm tình hình chiến sự ở Điện Biên Phủ. Đứng trên đỉnh Pú Đồn, qua ống nhòm, toàn bộ hoạt động của thực dân Pháp ở lòng chảo Điện Biên quân ta đều nắm được. Cũng từ đây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã điều chỉnh chiến thuật từ đánh nhanh, thắng nhanh đến đánh chắc, thắng chắc. Sau 56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, với sự chỉ huy tài tình của Đại tướng và Bộ Chỉ huy Chiến dịch, chiều ngày 7/5/1954, lá cờ quyết chiến, quyết thắng đã tung bay trên nóc hầm Đờ - cát báo hiệu sự toàn thắng đã về quân ta.

Ngừng câu chuyện, lau tấm hình Đại tướng, cụ Đôi cho biết, đã 3 năm, kể từ ngày Đại tướng ra đi, ngày nào cụ cũng thắp hương cho Đại tướng.

Đại tướng đã ra đi nhưng tình cảm của Đại tướng dành cho nhân dân các dân tộc Mường Phăng vẫn còn đấy. Năm 2004, kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã lên thăm lại chiến trường xưa, Đại tướng rất buồn vì đời sống nhân dân các dân tộc nơi đây còn nhiều khó khăn. Tri ân với đất và người từng nuôi giấu, chở che cho bộ đội những ngày kháng chiến, năm 2008, đích thân Đại tướng đã gửi thư đề nghị Bộ Chính trị và Chính phủ đầu tư xây dựng công trình Thủy lợi Loọng Luông 1, để giúp bà con vùng căn cứ kháng chiến cũ phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Hồ Thủy lợi Loọng Luông 1, với tổng mức đầu tư trên 82 tỷ đồng, sau 2 năm khởi công xây dựng, đến tháng 5/2013 đã hoàn thành. Hồ có dung tích 1,2 triệu mét khối; là tổ hợp các công trình liên hoàn như: Cụm đầu mối gồm đập cao 25m, chiều dài đập gần 400m; tràn xả lũ; hệ thống kênh tưới; hệ thống cấp điện; nhà quản lý, cấp nước tưới ổn định cho 150ha đất trồng lúa của bà con nhân dân các dân tộc Mông, Thái, thuộc 6 bản: Loọng Luông, Loọng Nghịu, Cang, Loọng Háng, Yên, Co Mặn) trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững.

Công trình Hồ Loọng Luông 1 đi vào hoạt động như tiếp thêm sức mạnh cho bà con trong xã xóa đói giảm nghèo. Nhận thấy tài nguyên đất vẫn còn bỏ phí, lãnh đạo xã hướng dẫn, vận động người dân trồng thêm vụ 3 với các loại cây rau màu tăng thêm thu nhập. Từ chỗ năm 2012 cả xã có hơn 70ha ruộng được bà con gieo cấy, thâm canh vụ 3 thì đến nay gần như 100% diện tích ruộng đã được người dân trồng các loại cây màu xen canh với 2 vụ lúa.

Khi chúng tôi viết về tình cảm của người dân Mường Phăng dành cho Đại tướng, thì nhận được tin cụ Lò Thị Đôi, nhân chứng sống hay kể về Đại tướng và đoàn quân của ông đã từ trần. Dù các thế hệ tiếp theo của người Mường Phăng không được nghe cụ kể chuyện về Đại tướng nữa, nhưng qua truyền miệng, qua các bộ phim, hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn trong tâm khảm các thế hệ con cháu sau này.

Bài, ảnh: Vinh Duy
Bình luận
Back To Top