Từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ công chức cấp xã

09:13 - Thứ Tư, 22/03/2017 Lượt xem: 9247 In bài viết
ĐBP - Cán bộ, công chức (CBCC) cấp xã có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động, tổ chức cho nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Nâng cao năng lực đội ngũ CBCC cấp xã sẽ quyết định đến bộ máy chính quyền cơ sở vận hành hiệu quả. Vì vậy, nhiều giải pháp trong thời gian qua đã được tỉnh quan tâm triển khai thực hiện để từng bước chuẩn hóa đội ngũ CBCC, song thực tế nhiều khó khăn…

Tích cực đào tạo, bồi dưỡng

Toàn tỉnh hiện có hơn 2.800 CBCC cấp xã. So với nhiều năm trước, đến nay đội ngũ CBCC cấp xã trên địa bàn tỉnh cơ bản đủ về số lượng, trình độ được nâng lên, nhất là đội ngũ công chức (97,7% đạt chuẩn về chuyên môn). Song trình độ các mặt của đội ngũ CBCC cấp xã còn nhiều hạn chế, bất cập và thấp so với yêu cầu thực tế. Năng lực thực tế của một bộ phận CBCC cấp xã chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; một số còn lúng túng, cách làm việc còn thụ động. Lý giải về điều này, ông Lê Đình Tuyên, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho rằng, do đội ngũ CBCC cấp xã được hình thành từ nhiều nguồn nên cơ cấu chưa đồng bộ, trình độ, năng lực chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Một số chức danh cán bộ chuyên trách cấp xã (11 chức danh bầu: bí thư đảng ủy, phó bí thư đảng ủy, chủ tịch HĐND, phó chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND, phó chủ tịch UBND, chủ tịch ủy ban MTTQ, bí thư đoàn thanh niên, chủ tịch hội phụ nữ, chủ tịch hội nông dân và chủ tịch hội cựu chiến binh) hiện còn khá nhiều trường hợp chưa đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, nhưng lại khá đầy đủ về trình độ lý luận chính trị. Ngược lại, đội ngũ công chức cấp xã (7 chức danh: văn phòng - thống kê; địa chính - xây dựng; tài chính - kế toán; tư pháp - hộ tịch; văn hóa - xã hội; trưởng công an và chỉ huy trưởng quân sự) được tuyển dụng qua thi tuyển, xét tuyển nên cơ bản trình độ chuyên môn được chuẩn hóa, nhưng đây đa phần là đội ngũ trẻ nên chưa được đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, quản lý Nhà nước.

 

Cán bộ bộ phận “một cửa” phường Na Lay (TX. Mường Lay) tiếp nhận giải quyết hồ sơ của người dân.

Với phương châm bóc gỡ dần dần để chuẩn hóa, thời gian qua Sở Nội vụ đã tham mưu với UBND tỉnh triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng theo hướng tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC cấp xã có đủ kiến thức, kỹ năng về quản lý, chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ theo tiêu chuẩn chức danh, tiêu chuẩn ngạch công chức và vị trí việc làm. Sở đã rà soát, khảo sát nhu cầu học tập, bồi dưỡng của CBCC cấp xã sau đó phân loại theo các chức danh để ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng nhằm vừa đáp ứng nhiệm vụ và vừa đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa CBCC. Với cách làm này, năm 2016, toàn tỉnh có 71 CBCC cấp xã được đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị (1 cán bộ chuyên trách được đào tạo cao cấp lý luận chính trị; 50 CBCC được đào tạo trung cấp lý luận chính trị); 133 CBCC được đào tạo bồi dưỡng quản lý Nhà nước (121 CBCC được đào tạo chuyên viên); 139 CBCC được đào tạo trình độ chuyên môn (112 đào tạo trình độ đại học); 1.635 CBCC được bồi dưỡng kiến thức kỹ năng chuyên ngành; 114 CBCC được bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh; 2 công chức được đào tạo ngoại ngữ; 39 CBCC được đào tạo trình độ tin học.

Nhờ đào tạo, bồi dưỡng bước đầu gắn với quy hoạch và sử dụng CBCC nên đội ngũ này đã chủ động, tích cực và có ý thức hơn trong việc học tập, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ cho bản thân. Đến nay, chất lượng đội ngũ CBCC cấp xã từng bước được nâng lên. Trong 1.359 cán bộ chuyên trách cấp xã, thì 90,7% có trình độ văn hóa từ trung học trở lên (44,5% có trình độ trung học phổ thông); 60% có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên; 68,5% có trình độ lý luận chính trị từ sơ cấp đến trung cấp; 45,9% đã qua đào tạo quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, tỷ lệ cán bộ chủ chốt (bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch HĐND và UBND) chưa qua đào tạo chuyên môn từ trung cấp trở lên còn cao (hơn 34,6% bí thư; 32% chủ tịch HĐND; 41% phó chủ tịch HĐND; 24,4% chủ tịch UBND chưa qua đào tạo chuyên môn từ trung cấp trở lên). Đối với công chức xã, trong 1.457 công chức cấp xã, gần 100% có trình độ văn hóa từ trung học trở lên; 97,7% có trình độ chuyên môn đạt chuẩn, song tỷ lệ chưa qua đào tạo lý luận chính trị, quản lý Nhà nước còn rất cao (79% chưa qua đào tạo lý luận chính trị, 76,4% chưa qua đào tạo quản lý Nhà nước).

Nhiều khó khăn

Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cho CBCC cấp xã thông qua việc rà soát công tác quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm sát với yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm để nâng chất lượng đội ngũ CBCC và tiến tới yêu cầu chuẩn hóa trình độ CBCC cấp xã là một trong những giải pháp quan trọng tỉnh ta xác định để thực hiện. Nhưng trên thực tế, để làm được việc này còn rất nhiều khó khăn, vì số lượng CBCC có nhu cầu học tập hàng năm lớn; song kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Hơn nữa, việc giao dự toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCC chưa phân định rõ ràng, gây khó khăn cho xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng. Ông Lê Đình Tuyên cho biết: Sở Nội vụ là cơ quan quản lý Nhà nước giúp UBND tỉnh về lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng CBCC nhưng trên thực tế chính quyền địa phương lại trực tiếp thực hiện. Vì vậy, địa phương nào quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCC cấp xã thì sẽ dành kinh phí thực hiện còn nếu không thì số lượng CBCC hàng năm được đào tạo, bồi dưỡng sẽ rất ít. Để tháo gỡ vấn đề này, cần có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng việc sử dụng, phân định nguồn kinh phí cho công tác đào tạo, bồi dưỡng (cho CBCCVC nói chung và CBCC cấp xã nói riêng) với các mục chi khác trong nguồn kinh phí hành chính của cơ quan, đơn vị nhằm đảm bảo thuận lợi cho việc quản lý, sử dụng kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng.

Bên cạnh đó, đối với các chức danh cán bộ chuyên trách chưa đạt chuẩn nhưng lại quá tuổi đào tạo lại, hàng năm vẫn hoàn thành nhiệm vụ thì không thể buộc nghỉ việc mà phải dựa trên tinh thần tự nguyện. Một bộ phận cán bộ chuyên trách chưa đạt tiêu chuẩn về trình độ, nhưng do độ tuổi cao, năng lực hạn chế lại chưa đủ điều kiện nghỉ hưu, chưa có chính sách hỗ trợ hợp lý nhằm động viên, khuyến khích để họ nghỉ việc nên chưa thể bố trí, bổ nhiệm được cán bộ trẻ để thay thế. Vì vậy, việc thay thế đội ngũ cán bộ có trình độ ngay là khó thực hiện. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình chuẩn hóa CBCC cấp xã…

Mục tiêu Nghị quyết số 06 - NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nguồn nhân lực tỉnh đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 đó là phấn đấu đến năm 2020, 100% cán bộ công chức cấp xã có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên; 90% công chức cấp xã có trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí đảm nhiệm… Với thực trạng đội ngũ CBCC cấp xã hiện nay, đòi hỏi giải pháp đồng bộ hơn, quyết liệt hơn và trách nhiệm hơn nữa của cấp ủy, chính quyền các cấp thì mới có thể hoàn thành mục tiêu.

Bài, ảnh: Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top