Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2018

15:13 - Thứ Hai, 25/12/2017 Lượt xem: 8324 In bài viết
ĐBP - Ngày 25/12, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác tư pháp năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018. Dự và chủ trì hội nghị có các đồng chí: Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng ban Cải cách Tư pháp Trung ương; Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Đồng chí Lê Văn Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Điện Biên.

 

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Điện Biên.

Năm 2017, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo quyết liệt thực hiện trên 300 nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Bộ đã trả lời kịp thời 100% kiến nghị của cử tri qua các kỳ họp Quốc hội. Trong năm thụ lý gần 900.000 việc, đã thi hành đạt gần 80% việc, trong đó một số địa phương đạt cao như: Điện Biên, Đắc Lắc, Đồng Tháp... Công tác chỉ đạo điều hành tiếp tục đổi mới; tập trung giải quyết những vấn đề "nóng" hiệu quả, được dư luận đánh giá cao. Tuy nhiên, việc chưa thi hành xong án dân sự hoặc chuyển sang kỳ sau còn nhiều; còn tình trạng lạm dụng bản sao chứng thực; giải quyết các vấn đề trong công tác chứng thực lý lịch tư pháp còn sai sót; hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong một số lĩnh vực chưa cao.

Năm 2018, Bộ Tư pháp tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm: Thể chế hóa và thực hiện tốt các giải pháp đề ra, xây dựng bộ máy tinh gọn; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác; tập trung những lĩnh vực trực tiếp gắn với người dân, doanh nghiệp như: Thi hành án dân sự, hộ tịch, chứng thực, lý lịch tư pháp, bồi thường Nhà nước, trợ giúp pháp lý; nâng cao chất lượng các dịch vụ công do ngành tư pháp quản lý; đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa TTHC theo lộ trình...

Chủ tịch nước Trần Đại Quang yêu cầu trong thời gian tới ngành tư pháp cần tập trung các vấn đề: Đổi mới công tác chỉ đạo điều hành, chú trọng xây dựng các chương trình, kế hoạch công tác cụ thể, tránh chồng chéo, bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, kịp thời xử lý văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền; đảm bảo tiến độ, chất lượng trong công tác rà soát, hệ thống hóa hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật. Phát huy hiệu quả các công cụ quản lý, kiểm tra thanh tra, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí...

Tin, ảnh: Thành Đạt
Bình luận
Back To Top