Nhiều nội dung được tiếp thu, chính lý về xử lý vi phạm hành chính

09:53 - Thứ Năm, 22/10/2020 Lượt xem: 5395 In bài viết

Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý VPHC vào sáng 22/10.

Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020) và các đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (Luật XLVPHC).

So với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp ở nhiều điều, khoản để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi và rõ ràng của các quy định, trong đó tập trung vào 6 nhóm vấn đề cụ thể:

Quy định về tái phạm; nguyên tắc xử phạt đối với hành vi VPHC nhiều lần; thẩm quyền quy định về xử phạt VPHC và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả; các hành vi bị nghiêm cấm; trách nhiệm của cơ quan, đơn vị trong xử lý VPHC.

Về hình thức xử phạt, thẩm quyền xử phạt.

Về biên bản VPHC; việc chuyển hồ sơ vụ vi phạm để xử phạt; sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật trong phát hiện VPHC; thời hạn ra quyết định xử phạt; việc tịch thu tang vật, phương tiện và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp không ra quyết định xử phạt, hết thời hiệu xử phạt, thời hiệu thi hành quyết định xử phạt.

Việc thi hành và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt.

Về đối tượng, thủ tục lập hồ sơ, thi hành và các quy định khác về việc áp dụng các biện pháp xử lý VPHC.

Trường hợp tạm giữ người theo thủ tục hành chính; tạm giữ và xử lý tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính; việc quản lý người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Các nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý nêu trên đã được thể hiện đầy đủ, chi tiết tại Báo cáo số 589/BC-UBTVQH14 của UBTVQH.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày cho biết, về mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực, nhiều ý kiến tán thành tăng mức phạt tiền tối đa như dự thảo Luật; một số ý kiến đề nghị tăng mức phạt tiền tối đa của một số lĩnh vực khác như hôn nhân và gia đình, an ninh trật tự, an toàn xã hội, đất đai, xây dựng...; ý kiến khác đề nghị cân nhắc việc tăng mức phạt tiền tối đa của các lĩnh vực.

UBTVQH cho rằng, trên cơ sở thực tiễn thi hành, Chính phủ đã đề xuất tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực mà theo quy định hiện hành có mức phạt tiền tối đa thấp, chưa đủ sức răn đe, chưa thực sự tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm. Đối với một số lĩnh vực khác được các vị đại biểu Quốc hội đề nghị như hôn nhân và gia đình, an ninh trật tự, an toàn xã hội, đất đai, xây dựng..., qua tổng kết thi hành không thấy có vướng mắc, bất cập liên quan đến quy định về mức phạt tiền tối đa, do vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ việc tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực như dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9.

Về chức danh có thẩm quyền xử phạt, một số ý kiến đề nghị rà soát các chức danh có thẩm quyền xử phạt để quy định phù hợp. Có ý kiến đề nghị bổ sung thẩm quyền xử phạt VPHC của viện kiểm sát nhân dân.

UBTVQH cho rằng, trong quá trình nghiên cứu, xây dựng dự thảo Luật, Chính phủ đã tổ chức rà soát và đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều chức danh có thẩm quyền xử phạt để phù hợp với sự thay đổi về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, nhất là các cơ quan của Chính phủ.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, UBTVQH đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tiếp tục rà soát kỹ nội dung này. Qua đó, dự thảo Luật đã bổ sung thẩm quyền xử phạt của Kiểm toán nhà nước để bảo đảm thống nhất, đồng bộ với Luật Kiểm toán nhà nước (Điều 48a); chỉnh lý quy định về thẩm quyền xử phạt của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia để bảo đảm thống nhất, đồng bộ với Luật Cạnh tranh (Điều 45a)...

Về thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện VPHC, có ý kiến đề nghị rà soát quy định về thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện VPHC để bảo đảm tương xứng với nhiệm vụ được giao; đề nghị chỉ tăng thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện cho một số chức danh cần thiết.

UBTVQH nhận thấy, theo quy định của Luật XLVPHC hiện hành, về cơ bản các chức danh có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện VPHC có giá trị không vượt quá mức tiền phạt theo thẩm quyền của chức danh đó; chỉ các chức danh là cấp cuối cùng của mỗi lực lượng thì có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện VPHC không phụ thuộc vào giá trị tang vật, phương tiện. Thực tiễn thi hành quy định này đã nảy sinh một số vướng mắc, bất cập, dẫn đến nhiều vụ việc vi phạm phải chuyển lên cấp trên để ra quyết định xử phạt, gây ra tình trạng quá tải, một số vụ việc không được xử lý kịp thời.

Do vậy, để vừa tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành, vừa bảo đảm quyền lực được kiểm soát và giới hạn, tương xứng với nhiệm vụ được giao, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng: Bên cạnh thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện VPHC của các chức danh là cấp cuối cùng của mỗi lực lượng đã được Luật XLVPHC hiện hành quy định, dự thảo Luật bổ sung thêm 8 nhóm chức danh (chủ yếu thuộc các cơ quan được tổ chức theo ngành dọc ở cấp tỉnh hoặc liên tỉnh) có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện VPHC không phụ thuộc vào giá trị tang vật, phương tiện.

Về đối tượng áp dụng biện pháp xử lý hành chính (sửa đổi, bổ sung các Điều 90, 92, 94 và 96 của Luật XLVPHC), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho hay, đa số ý kiến đề nghị không áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, mà thực hiện cai nghiện theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy. Một số ý kiến tán thành áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, nhưng không quy định trong Luật này mà quy định trong Luật Phòng, chống ma túy. Một số ý kiến tán thành bỏ quy định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người nghiện ma túy.

Về quản lý người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính (sửa đổi, bổ sung Điều 131 của Luật XLVPHC), có ý kiến đề nghị chỉ giao cơ quan, tổ chức quản lý đối với người không có nơi cư trú ổn định bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính; rà soát việc giao công an cấp huyện quản lý đối với người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc.

Về nội dung này, UBTVQH xin được tiếp thu, chỉnh lý như sau: Đối với người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, dự thảo Luật quy định giao cho gia đình quản lý đối với người có nơi cư trú ổn định (giữ như hiện hành). Đối với người không có nơi cư trú ổn định hoặc có nơi cư trú ổn định nhưng gia đình không đồng ý quản lý thì giao cho trung tâm, cơ sở tiếp nhận đối tượng xã hội hoặc cơ sở cai nghiện bắt buộc của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý. Quy định như vậy là phù hợp với thực tiễn đang thực hiện theo quy định của Nghị quyết số 77/2014/QH13 của Quốc hội.

Đối với người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc có nơi cư trú ổn định, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, kế thừa quy định của Luật hiện hành, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng giao cho gia đình quản lý trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Trường hợp người bị đề nghị áp dụng các biện pháp này không có nơi cư trú ổn định hoặc có nơi cư trú ổn định, nhưng gia đình không đồng ý quản lý, dự thảo Luật quy định giao công an cấp huyện tổ chức quản lý trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chínhvới các nội dung, trách nhiệm quản lý như được quy định tại các Khoản 5, 6 và 7 Điều 131 của Luật XLVPHC.

P.V (Theo baochinhphu.vn)
Bình luận
Back To Top