Đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia ý kiến về chủ trương đầu tư đường vành đai 4, vành đai 3

14:49 - Thứ Sáu, 10/06/2022 Lượt xem: 3747 In bài viết

ĐBP - Sáng 10/6, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư các dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, đường vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh và chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc giai đoạn 1 thuộc các tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu.

Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên phát biểu tại hội trường sáng 10/6, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Tham gia phát biểu ý kiến, đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên Tạ Thị Yên, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu nhất trí cao với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về chủ trương đầu tư ba dự án đường cao tốc và đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, đường vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh nhằm mở rộng không gian đô thị, tháo gỡ điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, đặc biệt là hai đại đô thị hiện nay.

Đối với hai dự án đường vành đai, qua nghiên cứu hồ sơ, đại biểu nhận thấy đây là hai tuyến đường vừa là cao tốc vành đai liên vùng, vừa là cao tốc đô thị, đi qua các vùng tập trung đông dân cư, có nhiều nhà máy xí nghiệp khác với các tuyến cao tốc đi qua các vùng đất nông nghiệp, hay đồi rừng, ít dân cư.

Về cách tiếp cận, đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng, trong thiết kế dự án, cần chú ý tới tính kết nối với các đô thị vệ tinh, các trung tâm công nghiệp đã hình thành với các tuyến giao thông hiện hữu nên cần phải có đường song hành, hầm chui dân sinh đủ để đảm bảo việc đi lại, làm ăn của người dân. Trong thi công thì cần phải có biện pháp bảo đảm việc đi lại, sinh sống và hoạt động bình thường của người dân, doanh nghiệp, vấn đề bảo vệ môi trường.

Hai tuyến đường sẽ mở ra nhiều quỹ đất dọc theo tuyến, nhất là tại các nút giao cắt với hệ thống giao thông hiện hữu, thì việc quản lý, bán đấu giá quyền sử dụng đất, quản lý quy hoạch, xây dựng cần phải làm hết sức chặt chẽ, đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật.

Việc tổ chức thi công trong khu vực có mật độ dân cư, sản xuất công nghiệp cao, nên tình hình sẽ khá phức tạp, vì phải kết nối với các hạ tầng năng lượng, viễn thông, cấp thoát nước… Do đó, vấn đề quan trọng là cần hết sức chú ý tới năng lực quản lý dự án và năng lực của nhà thầu. Rút kinh nghiệm từ dự án Vành đai 2 thành phố Hồ Chí Minh được quy hoạch và thực hiện cách đây 15 năm, dài 64km nhưng đến nay vẫn còn 14km chưa khép kín, chia làm 4 đoạn. Chỉ riêng một đoạn 3 dài 2,7km mà việc triển khai từ năm 2017 đến nay vẫn còn dang dở. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu vốn và giải phóng mặt bằng chậm.

Hiện nay mỗi khi mưa lớn hay triều cường, vấn đề ngập lụt ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh ngày càng trở nên nghiêm trọng, do biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng, do quy hoạch thoát nước và quản lý xây dựng trong đô thị chưa tốt. Do đó, khi thiết kế, thi công hai tuyến vành đai này, cần khảo sát thiết kế, nghiên cứu việc kết nối hệ thống thoát nước hiện hữu với hệ thống thoát nước của đường vành đai cao tốc để làm sao có thể tận dụng hệ thống thoát nước mới, nhằm giải quyết một phần vấn đề thoát nước của hai đô thị hiện nay.

Thời gian qua, thực tế các địa phương khi thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư để thực hiện các dự án quan trọng, có sự chênh lệch về mức giá đền bù, đặc biệt là ở những vùng giáp ranh giữa hai địa phương, dẫn đến tình trạng dự án bị ách tắc, tiến độ chậm trễ, làm phát sinh nhiều khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân.

“Việc này đã diễn ra nhiều năm, ở nhiều địa phương. Tôi đề nghị, Chính phủ cần có hướng dẫn, chỉ đạo chung cho các địa phương thực hiện thống nhất phương án áp dụng mức giá đền bù phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình giải phóng mặt bằng. Trước mắt áp dụng thí điểm cho các dự án trọng điểm quốc gia đã được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Đồng thời có giải pháp và cơ chế, chính sách thỏa đáng, bố trí tái định cư cho các hộ dân có đất bị thu hồi đảm bảo có cuộc sống ổn định, chất lượng phải tốt hơn hoặc ít nhất là bằng nơi ở cũ, tránh tình trạng khi thu hồi đất xong thì người dân không có chỗ ở, thiếu đất để canh tác, sản xuất, kinh doanh, việc làm ...”, đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị.

Bên cạnh đó, để khắc phục tình trạng tương tự các dự án quan trọng quốc gia trước đây, đại biểu đề nghị Chính phủ xây dựng cơ chế thưởng phạt nghiêm minh, kịp thời đối với các địa phương, bộ ngành có liên quan trong việc cam kết tổ chức thực hiện, trách nhiệm về việc đảm bảo tiến độ, chất lượng của dự án.

Mai Hồng
Bình luận

Tin khác

Back To Top