Xây dựng trường chuẩn quốc gia ở Nậm Pồ

Bài toán đã có “lời giải”

09:11 - Thứ Năm, 23/08/2018 Lượt xem: 6423 In bài viết
ĐBP - Năm học 2018 - 2019 này là niên khóa thứ 6 diễn ra trên vùng đất Nậm Pồ. Cùng với sự phát triển mọi mặt của kinh tế - xã hội nói chung, không khó để nhận ra những đổi thay đáng ghi nhận của ngành Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) non trẻ trên vùng đất còn rất nhiều gian nan, vất vả. Với không ít gia đình nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, có thể bát cơm chưa thật ngon và tấm áo chưa được đẹp, nhưng con chữ làm họ ấm lòng và lạc quan hơn...

Cách đây hơn 5 năm kể từ ngày thành lập huyện (6/2013), với “vốn liếng” ban đầu là 37 trường học (trong đó 11 trường mầm non, 15 trường tiểu học, 11 trường trung học cơ sở), thầy và trò ngành GD&ÐT huyện Nậm Pồ bước vào năm học đầu tiên với những âu lo trĩu nặng. Không lo sao được khi mà hầu hết trường lớp trong cảnh xập xệ, đường đất xa xôi, kinh phí đầu tư hạn chế và điều trăn trở nhất là tinh thần học tập của học sinh chưa cao.

 

Khu nội trú Trường THCS Nậm Tin vừa hoàn thành đưa vào sử dụng đầu năm học 2018 - 2019.

Việc đầu tiên mà lãnh đạo Phòng GD&ÐT làm là thành lập một đoàn với đầy đủ các thành phần chức năng, đi “thị sát” một vòng tới tất cả 15/15 xã trong huyện. Sau gần 1 tháng, trên cơ sở những thống kê rà soát từ thực tiễn, Phòng GD&ÐT đã tham mưu cho UBND huyện tổ chức Hội nghị chuyên đề về GD&ÐT, nội dung bàn về công tác xây dựng cơ sở vật chất trường lớp học, huy động học sinh ra lớp, chuẩn bị cho năm học mới đầu tiên (2013 - 2014). Mục đích để mọi người thấy được số học sinh nghỉ học hiện tại của đơn vị mình, thấy được thực trạng trường, lớp học, so sánh với các đơn vị khác và cùng thảo luận, chất vấn, tìm hiểu trước hết là nguyên nhân và sau đó là bàn giải pháp sao cho công tác giáo dục của trường mình, xã mình, bản mình có thể phát triển và phát triển nhanh hơn, căn cơ và bền vững hơn... Ðúng là: “Thời gian không phụ công người”, sau hơn 5 năm, thời điểm vào đầu năm học 2018 - 2019, toàn huyện dự kiến có 757 lớp học, với 19.100 học sinh thuộc 3 bậc học: Mầm non, tiểu học và trung học cơ sở; có 45 trường học với 822 phòng học, 471 phòng kiên cố, 76 phòng bán kiên cố, 275 phòng học tạm 3 cứng, 69 phòng học chức năng, 255 phòng công vụ, 504 phòng ở nội trú cho học sinh... Ðặc biệt, đến nay toàn huyện có 20/45 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia (tăng 16 trường chuẩn quốc gia so với thời điểm thành lập huyện), có 1/16 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.

Nói về những nỗ lực của ngành trong việc phấn đấu để có nhiều trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, thầy Nguyễn Xuân Thuận, Bí thư Chi bộ, Trưởng phòng GD&ÐT huyện Nậm Pồ, cho biết: Ðể chuẩn bị mọi điều kiện đáp ứng nhu cầu dạy và học cho năm học mới, trong mấy tháng hè, Phòng đã chủ động tham mưu, đề xuất với UBND huyện và các phòng, ban liên quan, đôn đốc, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các xã trong huyện tích cực hỗ trợ nhà trường sửa chữa, nâng cấp cơ sở trường, lớp học; quan tâm nhiều hơn đến các trường vẫn đang phải sử dụng lớp học, nhà chức năng tạm thông qua công tác xã hội hóa giáo dục. Thầy Nguyễn Xuân Thuận, cho biết thêm: Căn cứ đặc điểm tình hình của huyện, Phòng đã tham mưu, xây dựng “Quy hoạch Phát triển sự nghiệp GD&ÐT huyện và Kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2013 - 2015, định hướng đến 2020”. Trong đó các trường tập trung kiện toàn về tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ, chất lượng học sinh và hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất trên tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Nói về chủ trương cũng như các bước thực hiện trong nỗ lực xây dựng trường chuẩn quốc gia, ông Nguyễn Văn Thái, Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ, nhận xét: Cách làm của Phòng GD&ÐT đa dạng, năng động và khá hiệu quả. Bằng chứng là trong Hội nghị giao ban tháng của ngành và qua các đợt công tác tại cơ sở, tổ chức cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên xem lại một số hình ảnh các trường đang bắt tay vào xây dựng cơ sở vật chất của trường. Từ đó đã làm thay đổi nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên trong việc quyết tâm xây dựng cơ sở vật chất cảnh quan trường lớp học; đồng thời đưa ra các hình thức động viên, tuyên dương, phê bình, tư vấn thiết thực nhất cho các đơn vị trường tiếp tục thực hiện. Mặt khác, tranh thủ mọi sự ủng hộ giúp đỡ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, kết hợp sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước một cách linh hoạt trong việc ưu tiên hỗ trợ các đơn vị trong công tác xây dựng cơ sở vật chất. Huy động tốt các nguồn lực từ địa phương, giáo viên và học sinh. Với các đơn vị thiếu nguồn nhân lực như các trường mầm non, Phòng đã thành lập tổ công tác đến giúp đỡ, huy động các đơn vị trường trung học cơ sở trong xã giúp đỡ trường mầm non.

Ðược biết, tuy còn nhiều khó khăn do huyện mới thành lập, song tập thể lãnh đạo Phòng GD&ÐT cũng như ban giám hiệu các trường và từng thầy cô, đều nhận thức rõ tầm quan trọng của việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia là yếu tố quyết định khẳng định chất lượng hiệu quả của giáo dục và cũng là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Cái được trước tiên phải kể đến đó chính là đã có sự thay đổi lớn về nhận thức trong nhân dân và trong đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của ngành GD&ÐT Nậm Pồ, khẳng định được rằng việc hoàn thiện cơ sở vật chất trường lớp học là nhiệm vụ hết sức quan trọng tác động đến việc nâng cao chất lượng dạy và học, huy động học sinh đến trường, đến lớp, giáo viên an cư lập nghiệp, yên tâm công tác. Nguồn kinh phí xã hội hóa thời gian qua khoảng trên 12 tỷ đồng, trong đó, các thầy cô giáo, học sinh và nhân dân đã đóng góp trên 10.000 ngày công lao động, góp trên 1.500 ván gỗ, hơn 5.000 khối cát, sỏi...

Nói cách khác, bài toán về xây dựng cơ sở vật chất trường lớp học, nhà công vụ, nhà nội trú học sinh và công trình phụ trợ... đáp ứng các tiêu chí xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đã và đang có “lời giải” ở Nậm Pồ. Những ngày này, cùng với học sinh cả nước, trên 19.000 học sinh con em các dân tộc Nậm Pồ chuẩn bị bước vào năm học mới 2018 - 2019, với niềm tin và quyết tâm đèn sách cũng “đạt chuẩn” như chính những ngôi trường chuẩn đã và đang đang tiếp tục được dựng nên...

Bài, ảnh: Thu Loan
Bình luận
Back To Top