Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh dân tộc thiểu số

08:40 - Thứ Sáu, 31/05/2019 Lượt xem: 10063 In bài viết

ĐBP - Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) tỉnh hiện có hơn 560 học sinh theo học với 97% học sinh là người dân tộc thiểu số. Giáo dục kỹ năng sống là một trong những nội dung quan trọng nhằm giúp học sinh hình thành khả năng phản ứng trước những thử thách của cuộc sống, biết vươn lên mạnh mẽ để học tập, cũng như hoàn thiện nhân cách ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

 

Học sinh các dân tộc vui tết cổ truyền do Trường PTDTNT tỉnh tổ chức.

Vừa tất bật chuẩn bị những công đoạn cuối cùng cho Lễ Tri ân và trưởng thành dành cho học sinh khối 12 của trường, nhóm học sinh lớp 12 vừa hướng dẫn các em khối lớp 10, 11 kết hoa, vẽ tranh, ảnh trang trí sân khấu, tập văn nghệ.

Em Nùng Thị Tuyết, lớp 12C3 chia sẻ: Khi mới vào lớp 10, em còn rất bỡ ngỡ và lạ lẫm, bởi môi trường học tập cũng như môi trường sống đều thay đổi. Vì vậy, ngoài giờ lên lớp em rất ít tiếp xúc, giao lưu với mọi người. Sau khi tham gia Câu lạc bộ Khéo tay hay làm của trường, em được các anh chị lớp trên cũng như thầy cô tận tình chỉ bảo, hướng dẫn. Sau mỗi buổi tham gia các hoạt động của câu lạc bộ đã giúp em gần gũi hơn với các bạn; em có cơ hội được thể hiện mình, được rèn luyện thường xuyên sở trường của bản thân giúp em tự tin hơn.

Giáo dục, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh là việc làm không mới đối với Trường PTDTNT tỉnh. Từ năm học 2010 - 2011, sau khi Bộ Giáo dục và Ðào tạo có quyết định triển khai đại trà môn kỹ năng sống trong nhà trường, Trường PTDTNT tỉnh đã tăng cường đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống bên cạnh giáo dục lòng yêu nước và truyền thống văn hóa dân tộc cho học sinh. So với các trường THPT khác, môi trường nội trú là điều kiện thuận lợi để Trường PTDTNT tỉnh đẩy mạnh công tác giáo dục toàn diện cho học sinh. Không bó hẹp trong phạm vi các bài giảng trên lớp, nhà trường đã xây dựng môi trường giáo dục tốt với phạm vi rộng là xã hội và nhà trường, phạm vi hẹp là lớp học để học sinh được học tập, rèn luyện. Các hoạt động ngoài giờ học đa dạng như: Trồng rau, sinh hoạt văn nghệ, thể dục thể thao… đã tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh giúp học sinh rèn luyện kỹ năng sống.

Hiện nay, nhà trường có 9 Câu lạc bộ trải nghiệm thu hút sự tham gia của hơn 500 học sinh như: Khéo tay hay làm, dân ca dân vũ, truyền thông, tiếng Anh, văn học, hiphop, thể thao… Những hoạt động trải nghiệm góp phần hình thành cho học sinh các giá trị sống, kỹ năng tích cực và hoàn thiện nhân cách. Bên cạnh đó, nhà trường chú trọng giáo dục lý tưởng, phẩm chất đạo đức cho học sinh thông qua các hoạt động tình nguyện; vệ sinh đường phố, nghĩa trang liệt sĩ, khu Tượng đài Chiến thắng, quảng trường 7/5, quảng trường TP. Ðiện Biên Phủ...

Bà Phạm Lệ Thanh, Hiệu trưởng Trường PTDTNT tỉnh cho biết: Học sinh đang theo học tại nhà trường gồm 17 dân tộc, trong đó có 42 học sinh là dân tộc rất ít người (Cống, Si La). Hầu hết các em đều từ các thôn, bản xa đến học tập và ở bán trú tại trường, ban đầu thiếu kỹ năng thực hành, giao tiếp, giải quyết vấn đề, đối phó với những khó khăn trong cuộc sống và khả năng tự phục vụ bản thân… Ðể giúp các em học sinh vượt qua những tự ti, mặc cảm, ngại nói, ngại tiếp xúc và hơn hết là hoàn thiện những kỹ năng sống cơ bản, Ban Giám hiệu nhà trường đã xây dựng nhiều hoạt động đa dạng, phong phú. Từ những việc nhỏ như mắc màn trước khi ngủ, thể dục buổi sáng, vệ sinh cá nhân, gấp chăn màn gọn gàng vào buổi sáng, tắm và giặt quần áo mỗi ngày đến những kỹ năng về giao tiếp, tư duy sáng tạo, ra quyết định và giải quyết vấn đề, hợp tác, thoát hiểm khi gặp hỏa hoạn, ứng phó khi bị bắt nạt… Hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh được nhà trường tích hợp vào nội dung bài học ở tất cả các môn học, trong đó chủ yếu ở các môn: văn học, giáo dục công dân, lịch sử, địa lý; lồng ghép trong giờ chào cờ, giờ sinh hoạt lớp.

Kết quả chất lượng giáo dục học sinh năm học 2018 - 2019 ở Trường PTDTNT tỉnh: có 14,5% đạt học sinh giỏi; 55,4% đạt học lực khá; 91,5% đạt hạnh kiểm tốt. Hiệu quả giáo dục kỹ năng sống cho học sinh ở Trường PTDTNT là học sinh đã tạo được mối quan hệ thân thiện, cởi mở giữa thầy và trò, tự tin, chủ động sáng tạo trong học tập, thích nghi với cuộc sống mới.

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận
Back To Top