Tuần Giáo nâng cao chất lượng bữa ăn cho học sinh bán trú

10:09 - Thứ Tư, 27/01/2021 Lượt xem: 7844 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, cùng với việc nâng cao chất lượng dạy và học, việc đảm bảo dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trong bếp ăn tập thể, bếp ăn bán trú ở các nhà trường trên địa bàn huyện Tuần Giáo luôn được chú trọng và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyêt suốt. Qua đó, góp phần đảm bảo sức khỏe toàn diện cho học sinh, kiểm soát tốt và hạn chế thấp nhất những trường hợp ngộ độc có thể xảy ra.

Là huyện vùng cao, hiện trên địa bàn Tuần Giáo có 12.575 học sinh thuộc 9/40 trường tiểu học, THCS và trường mầm non được hỗ trợ ăn bán trú và ăn trưa tại trường. Vì số lượng ngày càng tăng nên việc đảm bảo VSATTP ngày càng trở nên cấp thiết và quan trọng hơn bao giờ hết; nhất là phải đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng, hợp vệ sinh. Ông Ðỗ Văn Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) huyện Tuần Giáo cho biết: Ðể đảm bảo VSATTP tại các trường học có phục vụ bữa ăn bán trú, ngay từ đầu năm học, ngoài quan tâm đầu tư, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất theo hướng chuẩn hóa, ngành GD&ÐT Tuần Giáo cũng rất chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống nhà bếp, nhà ăn thoáng mát, hợp vệ sinh đảm bảo chất lượng... Khu vực bếp được các trường bố trí theo nguyên tắc một chiều, vệ sinh sạch sẽ, sắp xếp gọn gàng; trang thiết bị, dụng cụ chế biến thực phẩm bằng inox; dụng cụ chế biến thực phẩm sống, chín được bố trí riêng biệt; nước sinh hoạt và nước uống được xét nghiệm định kỳ theo quy định.

Cùng với đó, Phòng chỉ đạo sát sao việc lựa chọn cơ sở cung cấp thực phẩm đảm bảo có uy tín, 100% bếp ăn tập thể, bếp ăn bán trú có hợp đồng với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn và kiểm tra nguồn gốc thực phẩm. Hàng ngày, thực phẩm được tiếp nhận dưới sự giám sát chặt chẽ của đại diện nhà trường, đồng thời công khai thực đơn bán trú trong ngày, thực hiện lưu mẫu thức ăn 24/24 giờ theo quy định; tuyệt đối không sử dụng hàng đông lạnh để chế biến thức ăn cho học sinh. Ðồng thời, các trường đã tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn cho trẻ em, học sinh và cán bộ chế biến thực phẩm thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, vệ sinh khu vực chế biến thực phẩm; sử dụng phụ gia thực phẩm an toàn, tuyệt đối không sử dụng thực phẩm, nguyên liệu, phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc, bị ôi thiu, mốc, hỏng để chế biến thức ăn trong trường học... Lồng ghép các chương trình giáo dục về dinh dưỡng hợp lý và vận động thể lực phù hợp với trẻ, học sinh trong trường học. Ðẩy mạnh thông tin truyền thông về tác hại của rượu, bia và đồ uống có cồn đối với sức khỏe học sinh và xã hội.

Ngoài ra, phát huy vai trò, trách nhiệm của Ban đại diện cha mẹ học sinh trong giám sát an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể; kịp thời báo cáo về phòng GD&ÐT và trạm y tế địa phương khi có trường hợp ngộ độc thực phẩm xảy ra trong trường học. Ðặc biệt, ngành GD&ÐT huyện Tuần Giáo cũng làm tốt việc phối hợp với ngành Y tế tổ chức các hoạt động truyền thông đảm bảo VSATTP trong trường học; không để dịch bệnh lây truyền qua thực phẩm; đồng thời phối hợp với các đơn vị chức năng của địa phương giám sát chặt chẽ và giải quyết không để bán hàng rong quanh cổng trường.

Chúng tôi đến thăm Trường PTDTBT Tiểu học Ta Ma (xã Ta Ma) khi các nhân viên nhà bếp đang chế biến thực phẩm, chuẩn bị bữa trưa cho học sinh, khu bếp có không gian thoáng, sạch sẽ, được trang bị đầy đủ thiết bị chế biến. Thầy Nguyễn Phúc Ðồng, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Hiện nhà trường có 272 học sinh ăn bán trú. Xác định rõ VSATTP có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của học sinh, vì thế trường đã sửa nhà bếp, khu vực nhà ăn, các công trình phụ hợp vệ sinh đảm bảo an toàn, sạch sẽ... Khu vực bếp ăn được xây dựng theo quy trình một chiều và chia thành các khu riêng biệt; trang thiết bị bảo quản thức ăn được trang bị đầy đủ. Cùng với đó, ngoài chú trọng tập huấn kiến thức VSATTP và khám sức khỏe định kỳ cho đội ngũ nhân viên nấu ăn. Trường đã ký hợp đồng nhập thực phẩm từ một số cơ sở có uy tín, có giấy chứng nhận VSATTP; thành lập tổ VSATTP, phân công các tổ viên giám sát chặt chẽ quy trình nấu ăn cũng như chất lượng bữa ăn cho học sinh; chủ động thay đổi khẩu phần ăn cho học sinh theo từng bữa, đảm bảo cung cấp đầy đủ dinh dưỡng trong từng bữa ăn. Từ đó, đảm bảo sức khỏe cho học sinh, nâng cao chất lượng dạy và học; góp phần tạo thêm niềm tin để mỗi bậc phụ huynh yên tâm khi gửi gắm con em mình đến lớp.

Phương Linh
Bình luận
Back To Top