Tuyển sinh, chọn trường thời 4.0

08:34 - Thứ Năm, 15/04/2021 Lượt xem: 5222 In bài viết

ĐBP - Trước đây để chọn lựa được nghề nghiệp theo học, mỗi học sinh cuối cấp đã phải nghiên cứu cả chồng sách, tài liệu tuyển sinh dày đặc chữ. Ngày nay, chỉ với vài thao tác chạm trên điện thoại, máy tính, mọi thông tin về nhà trường, ngành học, điều kiện, thủ tục đều bày ra rõ ràng, còn có người tư vấn online tận tình. Thậm chí, học sinh không cần gõ tên tra cứu mà thông tin tuyển sinh của nhiều trường tự xuất hiện trước mắt khi lướt mạng xã hội. Công nghệ 4.0 đã làm thay đổi công tác tuyển sinh và lựa chọn nghề nghiệp, các trường chủ động tìm đến học sinh, việc tư vấn, hướng nghiệp, chọn lựa đều có thể diễn ra trên không gian internet.

Hàng năm, Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) phối hợp với UBND các huyện tổ chức nhiều hội chợ việc làm. Mỗi hội chợ thu hút hàng nghìn học sinh, sinh viên, người trong độ tuổi lao động tham gia tư vấn, tìm hiểu về các ngành nghề, cơ hội việc làm trong và ngoài nước... Trong ảnh: Gian hàng tư vấn tuyển sinh của Trường Cao đẳng KT - KT Ðiện Biên tham gia hội chợ việc làm. Ảnh: C.T.V

Thu hút học sinh, sinh viên nhờ mạng xã hội

Ðẩy mạnh thông tin quảng bá, giới thiệu, kết nối với học sinh, sinh viên trên mạng xã hội là một trong những cách thu hút tuyển sinh hiệu quả của hầu hết các trường chuyên nghiệp hiện nay.

Trước sự cạnh tranh tuyển sinh ráo riết, một vài năm trở lại đây, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Ðiện Biên đã triển khai nhiều phương thức để tuyên truyền tuyển sinh, trong đó tích cực khai thác, sử dụng mạng xã hội. Trang facebook của trường có gần 4.000 lượt thích và hơn 4.200 người theo dõi. Bấm vào trang, ngay lập tức xuất hiện phần tin nhắn chào hỏi và gợi ý câu hỏi như “Tôi học hết lớp 9, đã tốt nghiệp THCS, tôi muốn học trung cấp, THPT”, “Tôi đã tốt nghiệp THPT, tôi muốn đăng ký học cao đẳng”, “Tôi thuộc hộ nghèo, cận nghèo muốn đăng ký học trung cấp/cao đẳng”. Chỉ cần click vào một trong những câu trên rồi bấm gửi là người dùng facebook sẽ được tư vấn, trả lời mọi thắc mắc. Với những người có nhu cầu tìm hiểu thông tin nhà trường thì đây là kênh thuận tiện, dễ dàng nhất. Trang facebook này cũng thường xuyên cập nhật hình ảnh hoạt động của trường, đặc biệt là các trải nghiệm thực hành, thời gian thực tập của sinh viên, các buổi tư vấn hướng nghiệp cho học sinh THCS, THPT… là những nội dung, hình ảnh thu hút học sinh, sinh viên nhất. Ông Trần Văn Dũng, Phó Phòng Ðào tạo - Hướng nghiệp, Tư vấn việc làm (Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Ðiện Biên) cho biết: Một vài năm gần đây, chúng tôi sử dụng tối đa mạng xã hội, trả tiền quảng cáo để trang facebook của trường xuất hiện, tiếp cận đúng đối tượng là học sinh, các bạn trẻ trong độ tuổi tuyển sinh. Cùng với đó sử dụng zalo kết nối tuyên truyền; mỗi cán bộ, giảng viên nhà trường là một tuyên truyền viên, tư vấn viên tuyển sinh vừa ngoài đời thực, vừa trên mạng xã hội. Kết quả thấy rõ là có nhiều học sinh THCS, THPT chủ động đến thăm trường, tìm hiểu công tác đào tạo. Có đoàn do trường của các em tổ chức đi, cũng có nhóm 5 - 7 em tự đến xem cơ sở vật chất, gặp gỡ thầy cô hỏi thêm thông tin và xin tư vấn.

Lướt mạng chọn trường

Trường chuyên nghiệp có hướng đi mới trong công tác tuyển sinh, các “sĩ tử” chuẩn bị cho bước ngoặt quan trọng của cuộc đời cũng lựa chọn nghề nghiệp theo một cách khác. Quyển sách “kinh điển” mà mỗi học sinh khối 12 trước đây đều nghiền ngẫm - “Những điều cần biết về tuyển sinh đại học, cao đẳng” theo từng năm, hiện đã không còn được xuất bản, vì có in ấn cũng không còn người mua. Bởi các em có thể tìm hiểu, chọn lựa ngành học, trường học qua nhiều kênh khác nhau mà không hề mất chi phí. Dựa trên năng lực, sở thích, các em nắm bắt thông tin các trường qua người thân, bạn bè, các cuộc điện thoại, và tiện dụng, dễ dàng, đầy đủ, chính thống nhất là lên website, facebook của các trường.

Em Nguyễn Ðình Ðam, lớp 12C1, Trường THPT Mường Ảng đã quyết định chọn ngành thiết kế đồ họa của Cao đẳng FPT. Ðam chia sẻ: “Em đã sớm chọn học ngành và trường này từ đầu năm học. Ban đầu em biết về trường thông qua người quen, bạn bè, sau đó lên mạng tra cứu thông tin, tìm hiểu kỹ về học phí, điều kiện tuyển sinh, khả năng công việc, điều kiện học tập, sinh hoạt… Em trao đổi với gia đình cũng được đồng ý, ủng hộ”. Em Lường Thị Hiền, Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT huyện Ðiện Biên cũng đã lựa chọn được con đường học vấn hiện thực hóa ước mơ cho mình. Ðó là thi vào ngành Sư phạm mầm non, Trường Ðại học Tây Bắc. Hiền cho biết: “Em có tham khảo ý kiến thầy cô và gia đình nhưng tìm hiểu chủ yếu vẫn là trên internet, các thông tin về ngành học, trường, điểm tuyển sinh các năm gần đây… Mọi thông tin đều có đầy đủ trên trang thông tin của nhà trường và các trang về tuyển sinh”.

Chỉ cần lướt web là có thể tìm được ngành nghề, trường đào tạo phù hợp. Thật tiện lợi, nhưng trước ma trận thông tin cùng sự cạnh tranh tuyển sinh gắt gao của các trường trên kênh online thì học sinh có thực sự dễ dàng chọn lựa? Thực tế các thông tin, hình ảnh trên internet, mạng xã hội chỉ mang tính chất tham khảo, các em vẫn cần sự tư vấn, định hướng của nhà trường và gia đình trước khi đưa ra quyết định, làm thủ tục hồ sơ. Tại tất cả các trường THPT trên địa bàn tỉnh ta, công tác giáo dục hướng nghiệp được thực hiện ngay từ khối lớp 10 để sớm định hướng, phân luồng cho học sinh. Hoạt động này được tổ chức đa dạng như tuyên truyền dưới cờ, sinh hoạt lớp, hoạt động ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp… Ðối với Trường THPT Mường Ảng, cô Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: Cùng với các hoạt động hướng nghiệp truyền thống từ trước vẫn làm, thì trong điều kiện công nghệ thông tin như hiện nay, trường hướng dẫn học sinh tra cứu trên internet, vào những trang uy tín xem danh sách, thông tin các trường; phối hợp với một số trường đại học, cao đẳng cung cấp đường link cho học sinh vào tìm hiểu hoặc nhập thử nguyện vọng, làm phiếu điều tra sơ khảo để các trường tư vấn thêm. Quan trọng là công tác định hướng, nhà trường mở và phối hợp mở các buổi hướng nghiệp, phân tích ngành nghề cho học sinh, đặc biệt là những nghề trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ thông tin, quân sự, phù hợp với nhu cầu, xu thế xã hội và đặc điểm địa phương; đồng thời tạo điều kiện cho các trường đại học, cao đẳng uy tín, chất lượng tổ chức tuyên truyền, giới thiệu, tư vấn tuyển sinh tại trường… Qua đó, những năm gần đây xu hướng học nghề của học sinh Trường THPT Mường Ảng tăng, chiếm khoảng 30%, học sinh theo học cao đẳng, đại học giảm còn khoảng 30 - 35%, trong đó nhiều em theo học các ngành liên quan đến công nghệ thông tin, một khóa có 15 - 20 em.

Theo sự phát triển đi lên của xã hội, việc tuyển sinh, chọn trường cũng như ngành học đã có nhiều thay đổi. Thuận lợi, dễ dàng nhưng cũng cần tỉnh táo, nghiên cứu kỹ càng trước nguồn thông tin quá nhiều, quá lớn, đồng thời cần sự định hướng, tư vấn có tâm, có tầm. Có như vậy, các em học sinh cuối cấp mới có thể chọn được cơ sở đào tạo chất lượng, hướng đi thực sự phù hợp, đảm bảo cho tương lai nghề nghiệp của chính mình.

Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top